Khi Sam Sok nhận công việc 6 USD mỗi ngày (khoảng 149.000 đồng) làm công nhân xây dựng ở Sihanoukville, cô biết điều đó có thể nguy hiểm. Cái chết của 28 công nhân trong vụ sập tòa nhà, và cháu trai của cô mất tích - đã phơi bày rủi ro mà những người như cô phải đối mặt để kiếm sống.
Để lại con trai 8 tuổi cho người hàng xóm ở quê nhà cách xa hơn 100km, Sam Sok là một trong số hàng nghìn người bị nghèo đói thúc đẩy tìm đến thị trấn từng yên lặng bên bờ biển, giờ đây xô bồ, tấp nập và đầy bụi bặm trong công cuộc kiếm sống tại các dự án xây dựng do Trung Quốc đầu tư.
Đội cứu hộ đưa một người bị thương ra khỏi đống đổ nát. (Ảnh: Reuters)
Theo AFP, công việc nặng nhọc, vất vả, không được kiểm soát, lương thấp, nguy hiểm luôn rình rập thậm chí nguy cơ thiệt mạng luôn hiện hữu.
"Chúng tôi làm vì tiền nhưng bây giờ, chúng tôi sợ rằng chúng tôi có thể gặp cùng một kết cục đáng tiếc", người phụ nữ 32 tuổi nói. "Giờ chúng tôi làm việc trong sợ hãi," cô nói từ một bệnh viện ở Sihanoukville, nơi cô đang tìm kiếm cháu trai mất tích.
Nhiều người đã bị chôn vùi trong giấc ngủ khi tòa nhà thuộc sở hữu của Trung Quốc - vẫn đang được xây dựng - sụp đổ trước bình minh ngày 22/6, và cô sợ cháu mình nằm trong số đó. Giống như hầu hết những người lao động nhập cư, những công nhân ở đây sống trong chính công trình họ đang xây dựng.
Một số công dân Trung Quốc phải đối mặt với tội ngộ sát liên quan đến vụ việc.
Giống như rất nhiều người khác, Sam Sok đi theo tin đồn từ dân làng ở quê nhà về sự giàu có ở Sihanoukville. Cô kiếm được 6 USD mỗi ngày khi chở các tấm ván kim loại và gỗ tại các địa điểm khác nhau trong thành phố, nơi hàng chục sòng bạc và khách sạn do Trung Quốc đầu tư đang được xây dựng để phục vụ ngành du lịch mọc lên như nấm, do du khách đến từ Trung Quốc.
Thu nhập của công nhân công trường xây dựng trung bình khoảng 10 USD mỗi ngày cao hơn mức lương mà họ có thể nhận được khi làm việc trong trang trại hoặc thậm chí trong một nhà máy. Vì thế, bất chấp hiểm nguy, nhiều người bỏ qua sự an toàn của tính mạng để kiếm sống.
Theo AFP, đầu tư của Trung Quốc đã giúp thúc đẩy sự dịch chuyển nền kinh tế Campuchia từ nông nghiệp sang công nghiệp. Trung Quốc đổ tiền xây dựng những con đường, cảng mới và các tòa nhà mọc lên khắp Campuchia, một đối tác Đông Nam Á quan trọng đối với Bắc Kinh. Nhưng sự cố xây dựng tại tòa nhà Sihanoukville cũng làm dấy lên mối lo ngại về quy định an toàn không đạt tiêu chuẩn ở quốc gia nơi có khoảng 200.000 công nhân xây dựng.
Phần lớn các lao động này làm việc ban ngày, không thuộc về công đoàn và không được bảo vệ bởi luật lương tối thiểu, theo Tổ chức Lao động Quốc tế. Các chủ sở hữu tòa nhà thường bất chấp các biện pháp an toàn, cắt giảm nhiều yếu tố đảm bảo an toàn dẫn đến dễ xảy ra tai nạn, Kong Athit, Tổng thư ký Liên đoàn Lao động Campuchia cho biết. "Trách nhiệm của chủ sở hữu và chính phủ là họ phải kiểm tra nghiêm túc trước khi cho phép bất kỳ công trình xây dựng nào bắt đầu," ông Athit nói.
Công nhân xây dựng Khmao cho biết anh hầu như không được cung cấp thiết bị an toàn tại công trường ở Sihanoukville, nơi anh làm công việc vận chuyển gạch. Anh đang ngủ cách nơi tòa nhà bị sập khoảng 100 mét thì bị đánh thức.
"Tôi chỉ có mũ bảo hiểm, không đeo mặt nạ và tôi lo ngại về sự an toàn của mình", anh nói. "Tôi muốn về nhà nhưng tôi không có tiền", người đàn ông 36 tuổi, đến từ tỉnh Prey Veng, phía Đông Campuchia, cách Sihanoukville 300 km cho biết. Khmao kiếm được 10 USD mỗi ngày cho công việc nặng nhọc tại công trường thuộc sở hữu Trung Quốc đầy rủi ro này.
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia cho rằng vụ tai nạn nghiêm trọng hôm 22/6 là do sự giám sát bất cẩn, cách chức một quan chức cấp cao và chấp thuận đơn từ chức của tỉnh trưởng. Chính phủ cũng hỗ trợ khoản tiền từ 10.000 USD đến 70.000 USD cho các gia đình nạn nhân và những người sống sót.
Bảy người, trong đó có năm người quốc tịch Trung Quốc, bị buộc tội ngộ sát hoặc là đồng phạm liên quan đến vụ tai nạn. Đối với một số người, tai nạn này là đủ để họ tránh xa công việc xây dựng rủi ro suốt đời.
"Tôi sẽ không bao giờ trở thành công nhân xây dựng nữa", Ros Sitha, người sống sót sau hai ngày trong đống đổ nát trước khi được giải cứu trong tình trạng yếu đuối và bầm tím hôm 24/6 nói. Anh nhận được 30.000 USD hỗ trợ từ Thủ tướng Hun Sen và hiện có kế hoạch quay trở lại ngôi làng của mình ở tỉnh Prey Veng.
"Tôi không ngờ mình sẽ sống sót, tôi đã được tái sinh", anh nói.