Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộc giải cứu kỳ lạ của chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng ở CLB TP.HCM

(VTC News) -

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng từng đối diện với nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, mà việc được bổ nhiệm làm HLV tạm quyền CLB TP.HCM là biến cố như thế.

Trong cuộc trò chuyện với VTC News hồi tháng 7/2020 tại văn phòng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng trả lời hầu hết các câu hỏi. Ông nói về định hướng phát triển của CLB, dự định cá nhân, không ngại trải lòng về quãng thời gian sóng gió trước khi nhận ghế chủ tịch đội TP.HCM.

Nhưng khi được hỏi liệu có muốn trở lại sự nghiệp huấn luyện trong tương lai, Hữu Thắng ngập ngừng. Vị chủ tịch duy nhất ở Việt Nam có bằng huấn luyện FIFA Pro khẳng định vẫn đang hài lòng với công việc quản lý, nơi mang đến những trải nghiệm, tư duy kiểu mới.

Hữu Thắng vẫn say mê chiến thuật và "máu" bóng đá. Khi biến cố xảy ra ở CLB TP.HCM, ông thay bộ vest đen quen thuộc để mặc áo tập, đội mũ, cầm còi rồi đi 6 km từ văn phòng CLB đến sân tập Quân khu 7 để sắm vai HLV trưởng, vai trò mà giới mộ điệu vẫn biết nhiều hơn ở Hữu Thắng, thay vì vị trí chủ tịch, với hình ảnh ngồi bàn giấy lạ lẫm. 

Khi chủ tịch nắm sa bàn 

Chiều 8/8, CLB TP.HCM thay đổi nhân sự trên băng ghế huấn luyện. Thất bại 1-2 trước CLB Nam Định là trận thua thứ 5 của đội bóng có biệt danh "Chiến hạm đỏ" sau 10 vòng. CLB TP.HCM đứng áp chót với 9 điểm, chỉ hơn CLB Sài Gòn 2 điểm. Nguy cơ xuống hạng đã hiển hiện. 

HLV Trần Minh Chiến được điều chuyển lên làm giám đốc kỹ thuật, còn chủ tịch Hữu Thắng cầm sa bàn để sắm vai quyền HLV trưởng. Quyết định của ban lãnh đạo CLB TP.HCM xuất phát từ hai lý do.

Thứ nhất, Hữu Thắng giàu kinh nghiệm huấn luyện khi từng dẫn dắt Hà Nội T&T (tiền thân của đội Hà Nội hiện tại) và SLNA. Năm 2009, ông giúp Hà Nội T&T trở thành đội đầu tiên trong lịch sử V-League trụ hạng thành công dù đứng bét bảng sau lượt đi. Thậm chí, đội bóng của Hữu Thắng còn leo một mạch lên nhóm đầu.

2 năm sau, Hữu Thắng giúp SLNA vô địch V-League - tiền đề để chiến lược gia gốc Hà Tĩnh trở thành tên tuổi được săn đón trong làng huấn luyện.

Ông Hữu Thắng đảm nhiệm vai trò HLV tạm quyền tại CLB TP.HCM. 

Việc bổ nhiệm ông Hữu Thắng vào ghế chủ tịch năm 2019 thực chất là quyết định "2 trong 1" của CLB. Đội TP.HCM muốn tận dụng quan hệ và cái uy của Hữu Thắng để chiêu binh mãi mã và quản lý thượng tầng. Ngoài ra, một HLV trưởng ngồi ở cấp quản lý, đồng nghĩa đội luôn có một HLV "dự bị" đề phòng trường hợp HLV trưởng bị sa thải.

Năm 2020, khi HLV Chung Hae Seong mâu thuẫn với lãnh đạo CLB và từ chức, ông Hữu Thắng cũng được bổ nhiệm tạm quyền. Tuy nhiên, HLV người Hàn Quốc sau đó dàn xếp được với CLB và ở lại dẫn dắt đội nốt mùa giải.

Thứ hai, làng bóng đá Việt Nam giờ không còn nhiều HLV giỏi đang thất nghiệp. Trong cuộc chiến trụ hạng, CLB TP.HCM phải "giật gấu bá vai" bằng tất cả những gì có thể.

Hữu Thắng cũng chuẩn bị sẵn cho kịch bản này. Ông có kinh nghiệm huấn luyện, sở hữu bằng FIFA Pro (chứng chỉ huấn luyện bóng đá quốc tế), hiểu nội tình đội bóng và trên hết, đã có hơn 20 năm sống trong nghề bóng đá để trở thành lựa chọn ngắn hạn phù hợp, ít nhất trong những lựa chọn mà CLB TP.HCM có. 

Tuy nhiên, vấn đề của CLB TP.HCM không phải là Hữu Thắng hay ai ngồi vào ghế huấn luyện. Cách dụng nhân của đội chủ sân Thống Nhất bao lâu nay luôn cho thấy sự thiếu nhất quán, thiếu kiên nhẫn để xây dựng một tập thể bền vững.

Thử thách

Hữu Thắng không phải người đầu tiên nắm đồng thời hai chức vụ chủ tịch và HLV đội bóng. Mùa 2020, đội Sài Gòn sau khi chia tay HLV Hoàng Văn Phúc đã bổ nhiệm ông Vũ Tiến Thành, khi ấy là chủ tịch CLB, vào bằng ghế huấn luyện. Có người bông đùa, không rõ liệu ông Thành có tự ký quyết định bổ nhiệm chính mình hay không.

CLB Sài Gòn đã thành công với mô hình chủ tịch kiêm nhiệm HLV trưởng. Mùa 2020, đội bóng Sài Thành về ba tại V-League, đứng đầu bảng trong gần nửa mùa giải. Dù vậy, thành công đó chỉ mang tính nhất thời. Mùa 2021, ông Thành rời đội sau 3 vòng, CLB Sài Gòn sa sút không phanh, đứng cuối bảng cho đến hiện tại.

Đội Sài Gòn sa sút bởi "xây lâu đài trên cát biển". Mô hình chủ tịch kiêm HLV mà ông Vũ Tiến Thành thực hiện chỉ cho thấy vấn đề ở chỗ có lẽ ông Thành cũng không có quá nhiều việc để làm ở vai trò thượng tầng, nên mới có thể tham gia huấn luyện.

Bóng đá chuyên nghiệp không có chuyện một chủ tịch (lãnh đạo thượng tầng) lại kiêm nhiệm HLV trưởng (lãnh đạo chuyên môn), dù cá nhân ấy xuất chúng thế nào. Hai vai trò tách biệt đòi hỏi những tố chất và khối lượng đặc thù công việc tách biệt.

CLB TP.HCM đang tụt dốc. 

Khi một cá nhân được giao cả hai nhiệm vụ, dù chỉ mang tính tạm quyền, đều cho thấy ít nhiều sự không chuyên nghiệp và đi ngược lại với dòng chảy bóng đá, thậm chí trái với hình ảnh long lanh mà hai đội thể hiện trong mắt khán giả.

Rút kinh nghiệm từ thất bại của đội Sài Gòn, CLB TP.HCM đã thay đổi phương hướng, từ chiêu mộ ngôi sao sang xây dựng nền móng, chú trọng hơn vào cầu thủ trẻ.

Ông Trần Minh Chiến, khi ấy đang làm HLV Bà Rịa - Vũng Tàu, được bổ nhiệm vào ghế HLV trưởng với chỉ tiêu trụ hạng. Cựu tuyển thủ Việt Nam mang về hàng loạt học trò ở đội bóng hạng nhất Bà Rịa - Vũng Tàu để làm mới lối chơi và xây lại từ đầu. 

Trước khi thua liền 4 trận, CLB TP.HCM khởi đầu V-League không tồi với 1 thắng, 3 hòa cùng lối chơi có đường nét. Song, V-League quá khắc nghiệt với dàn cầu thủ non nớt như Ngọc Tỉnh, Quốc Gia, Văn Đức hay Đình Khương mà ông Chiến đang có. Đội thua một mạch và ông Chiến "bay ghế".

Cựu chiến lược gia Bình Dương nhận thất bại được báo trước, song đáng nói ở chỗ, CLB TP.HCM phải lường trước viễn cảnh này khi trẻ hóa đội hình và giao sa bàn cho Trần Minh Chiến. Với lực lượng quá non nớt, CLB TP.HCM không thể lập tức đi vào quỹ đạo ngay.

Đội chủ sân Thống Nhất đã chọn giải pháp đường dài, nhưng chỉ sau một vài biến cố, đội về với lối đi ngắn hạn quen thuộc. 

HLV Trần Minh Chiến không được trao kiên nhẫn như đã hứa. 

Cách CLB TP.HCM sử dụng Hữu Thắng thay Minh Chiến, hay trước đó đưa Lee Nguyễn trở lại Việt Nam chỉ cho thấy sự chắp vá trong tư duy xây dựng đội bóng. "Chiến hạm đỏ" từng suýt chìm vì những tư duy kiểu ngắn hạn, thiếu căn cơ bền vững, nay trở lại đúng con đường này.

Hữu Thắng dẫu giỏi chuyên môn và có thể giúp CLB TP.HCM trở lại, nhưng về lâu dài, một chủ tịch không thể cứ ngồi ghế huấn luyện mãi. Lee Nguyễn cũng có đẳng cấp chuyên môn, song ở tuổi xế chiều, ngôi sao Việt kiều chỉ có thể đá mùa nào biết mùa đấy.

Dù vậy, nhìn cách CLB TP.HCM xáo trộn con người và thay tới 10 lượt ngoại binh chỉ trong 2, 3 mùa giải, dường như những bước đi hiện tại của đội không còn khiến dư luận ngạc nhiên.

Với tiềm lực sẵn có, CLB TP.HCM đủ sức thoát hiểm. Nhưng trụ hạng rồi đi về đâu, tương lai thế nào? Câu hỏi ấy có lẽ chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng chưa thể trả lời bây giờ.

Bởi ông còn bận lên giáo án chiến thuật để đấu với CLB Bình Định ở vòng đấu này.

Hồng Nam

Tin mới