Hà Linh là con trai duy nhất của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Cuộc đời anh trải qua nhiều nỗi đau: Tận mắt chứng kiển cảnh bố mẹ bị ám sát khi mới 5 tuổi, 15 tuổi anh bơ vơ vì người thân duy nhất là bà ngoại cũng qua đời.
Hà Linh - con trai cố nghệ sĩ Thanh nga.
Mới đây, Hà Linh góp mặt trong chương trình Người kể chuyện đời. Tại đây, anh chia sẻ khoảnh khắc ám ảnh: "Sau vụ nổ lựu đạn ở rạp hát, mẹ bị ghim 2 mảnh vỡ trên người nhưng chưa lấy ra được. Bà ngoại có cử hai người đi theo mẹ cho yên tâm.
Hôm đó mẹ diễn xong, được đưa ra xe hơi, chạy tới ngã sáu thấy có xe hơi chạy theo nhưng sau đó chiếc xe rẽ hướng khác. Cả nhà cũng nhẹ nhõm đùa rằng chiếc xe này theo mình nãy giờ may mà không có chuyện gì.
Nhưng khi còn cách nhà khoảng 200m, một chiếc xe gắn máy chạy tới mở cửa xe, kéo một chú bảo vệ ra ngoài rồi chĩa súng vào chú ấy. Sau đó họ kéo tôi ra ngoài, mẹ giằng co giữ tôi lại còn bố thì bảo: Có chuyện gì vào nhà rồi nói chuyện.
Bố tôi chỉ nói thế chứ không có dấu hiệu phản kháng, nhưng họ quay súng bắn bố tôi. Mẹ thấy vậy thì nói với tôi: Bố chết rồi mẹ con mình chết theo luôn. Họ nghe thấy vậy, quay súng bắn mẹ tôi rồi bỏ đi. Tôi ngồi sau lưng mẹ nên không sao. Họ bắn mẹ tôi xong thì quay xe bỏ đi luôn".
Hà Linh thừa nhận anh không có nhiều ký ức về cha mẹ nên những khoảnh khắc ngắn ngủi ở bên 2 đấng sinh thành, anh không bao giờ quên được.
Những ký ức về cha mẹ luôn được nam diễn viên lưu giữ cẩn thận.
Sau khi bố mẹ qua đời vì bị ám sát, Hà Linh được bà ngoại chăm lo: "Ông bà nội tôi mất trước khi bố mẹ tôi qua đời. Sau khi bố mẹ bị ám sát, tôi được bà ngoại đưa về chăm sóc. Đến năm 1988, bà ngoại qua đời. Năm đó, tôi mới 15 tuổi, phải tự lực cánh sinh.
Ngày bà ngoại mất, nhiều người trách móc tôi: Thằng Hà Linh đó, bà ngoại mất mà nó không rơi một giọt nước mắt nào".
Anh ngậm ngùi chia sẻ: "Tôi nghe họ nói vậy rồi thôi, không trả lời gì cả. Tôi mong họ có thể hiểu cho mình, vì từ sau khi chứng kiến bố mẹ mất, tôi không còn có thể rơi một giọt nước mắt nào, đâu còn nỗi đau nào lớn hơn. Sau đó tôi tự an ủi mình rằng ai rồi cũng phải chết".
Hà Linh tiết lộ, khi lớn lên anh cũng muốn theo nghiệp của mẹ nhưng không đủ năng lực để hát cải lương: "Tôi có thử hát, nhưng không đủ hơi. Học hết lớp 12, họ hàng muốn tôi đi xuất khẩu lao động nhưng tôi không thích đi xa như vậy, tôi nói muốn vào trường Sân khấu Điện ảnh.
Nhưng cả nhà bảo: Không có cách nào để tôi vào trường đó được hết, vì tôi quá xấu. Thú thực, suốt những năm học cấp 3, ngoại hình của tôi trông rất "ghê", ai hỏi tôi có phải con Thanh Nga không, tôi còn không dám nhận.
Mọi người thấy tôi nằng nặc đòi thi sân khấu thì bảo tôi thắp nhang cho tổ nghiệp, sau đó nhờ anh Hữu Châu tập tiểu phẩm để tôi thi vào trường sân khấu".
Sự nghiệp và cuộc sống của con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga khá lận đận.
Hà Linh cho biết, anh vào được trường Sân khấu Điện ảnh mới cảm thấy cuộc sống có niềm vui. Cũng trong quá trình học, anh phát hiện mình có năng khiếu diễn hài và nhanh chóng được kết nối để "chạy show" và thành lập nhóm hài San hô đỏ.
Tuy nhiên, Hà Linh cũng không thực sự có duyên với sân khấu hài. Anh chỉ được giao những vai nhỏ. Hiện tại, anh thừa nhận bản thân chỉ cố gắng theo nghề để duy trì truyền thống gia đình: "Tôi vẫn cố gắng giữ nghề chính là diễn hài để gìn giữ, phát huy truyền thống gia đình, không để mai một cái nghề mình đã học ở trường Sân khấu Điện ảnh.
Nhưng vì sân khấu hài không còn như xưa nên tôi tham gia ở các đài truyền hình, tham gia một số phim ảnh rồi lồng tiếng một số phim hoạt hình. Về kinh tế, tôi bây giờ không thể được như ngày xưa. Hồi xưa tôi đi diễn đều khắp các tụ điểm còn bây giờ đài truyền hình may ra một năm mời tôi được một hai lần. Tôi cũng không chen được vào ngành điện ảnh vì thế hệ trẻ bây giờ mạnh quá".
Có thời điểm quá áp lực về kinh tế, Hà Linh rời khỏi sân khấu để mở quán nhậu. Tuy nhiên, sau 3 tháng, phải uống cùng khách hằng ngày, anh thấy sức khỏe đi xuống nên từ bỏ.
Nam diễn viên chuyển sang bán hàng online nhưng thấy chất lượng các sản phẩm không thực sự tốt, sợ ảnh hưởng tới uy tín của gia đình nên anh cũng bỏ nghề.
NSƯT Thanh Nga sinh năm 1942. Bà được xem là “nữ hoàng sân khấu cải lương” những năm 1960 – 1970. Bà từng giành giải Thanh Tâm triển vọng với vai sơn nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới. Năm 1966, Thanh Nga giành giải Thanh Tâm xuất sắc với vai Giáng Hương trong vở Sân khấu về khuya.
Tên tuổi nữ nghệ sĩ gắn liền với nhiều vở cải lương đình đám: Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Bên cầu dệt lụa, Phụng Nghi đình, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng sóng Tiêu Tương... Bà cũng góp mặt trong nhiều phim điện ảnh: Loan mắt nhung, Xa lộ không đèn, Sau giờ giới nghiêm, Lan và Điệp...
Năm 1978, bà bị ám sát. Sự ra đi của NSƯT Thanh Nga khiến khán giả và giới chuyên môn không khỏi bàng hoàng, đau xót. Đến nay, bà vẫn được nhiều thế hệ khán giả, nghệ sĩ vinh danh là "cô đào huyền thoại của sân khấu cải lương".