Khi Rylee McCollum, một thủy quân lục chiến chỉ mới 20 tuổi được lệnh triển khai đến sân bay Kabul hỗ trợ quá trình rút quân khỏi Afghanistan, cha của anh - ông Jim McCollum bắt đầu kiểm tra điện thoại để xem con trai có đang online không. Nếu có, Jim tin con trai mình vẫn ổn.
Khi xuất hiện thông tin 13 lính Mỹ thiệt mạng ở bên ngoài sân bay ở Kabul, Jim lại thực hiện thao tác tương tự. Nhưng lúc này tích xanh báo Nikoui online đã biến mất. Khi đó Jim đã linh tính được điều chẳng lành.
Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa chính thức công bố tên các quân nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khiến ít nhất 170 người thiệt mạng chiều 26/8, nhưng thông tin về họ bắt đầu xuất hiện sau khi gia đình và bạn bè được thông báo.
Jim cho biết 2 lính thủy quân lục chiến đã tới nhà ông lúc sáng sớm để báo tin dữ. Thống đốc tiểu bang Wyoming Mark Gordon mới đây cũng xác nhận Rylee đã hy sinh.
Rylee McCollum. (Ảnh: NYT)
Rylee mới là trẻ sơ sinh khi quân Mỹ khởi động chiến dịch quân sự ở Afghanistan năm 2001. Thời điểm đó, nhiều binh sỹ khác thiệt mạng trong vụ đánh bom chiều 26/8 thậm chí còn chưa ra đời.
Giờ đây, họ trở thành những quân nhân cuối cùng tử nạn trong cuộc chiến dài nhất của Mỹ.
Đơn vị của Rylee được triển khai từ Jordan đến Afghanistan để hỗ trợ sơ tán dân khỏi Kabul.
Khi vụ nổ xé toạc cổng Abbey của Sân bay quốc tế Hamid Karzai, Rylee cùng đồng đội đang đứng gác ở một chốt kiểm soát.
Ông Jim cho biết khi còn nhỏ Rylee đã mơ ước trở thành lính thủy đánh bộ. Chàng trai 20 tuổi hiện đã kết hôn và chuẩn bị lên chức bố.
Giống như Jim, bố mẹ của các lính Mỹ thiệt mạng khác cũng không giấu nổi đau thương khi nhận các thông tin tương tự.
Tại phía bắc Ohio, nơi Maxton Soviak lớn lên, một binh sĩ Mỹ khác hy sinh hôm 26/8, sự ra đi của anh là một cú sốc với gia đình.
Soviak là lính cứu thương của lực lượng hải quân Mỹ. Anh tốt nghiệp trường Trung học Edison vào năm 2017.
"Cậu ấy là một người tràn đầy năng lượng, một đứa trẻ đầy nhiệt huyết", Jim Hall, huấn luyện viên bóng đá trường trung học của Soviak cho biết.
Thông tin đăng tải trên tài khoản mạng xã hội cho thấy Soviak là một thanh niên đam mê khám phá.
"Nếu thế giới này sắp kết thúc, tôi không muốn nhắm mắt mà không có cảm giác rằng mình từng sống", Soviak viết trong một bài đăng.
Binh sĩ Mỹ canh gác tại sân bay quốc tế Hamid Karzai. (Ảnh: Reuters)
Tại California, các cơ quan thực thi pháp luật xác nhận 2 trong số 13 quân nhân thiệt mạng tới từ bang này. Một trong số họ là Hunter Lopez, 22 tuổi, con trai của hai sỹ quan tại Sở Cảnh sát Riverside. Người còn lại là Kareem Nikoui, 20 tuổi tới từ thành phố Norco.
Hôm 27/8, mẹ của Kareem Nikoui, bà Shana Chappell đăng lên Instagram bức ảnh con trai mình khoác khẩu súng trên vai, cười tươi giữa đám đông ở công sân bay Kabul.
“Đây là bức ảnh cuối cùng mà con trai tôi gửi cho tôi. Nó được chụp vào tuần trước. Tôi vẫn còn đang rất sốc. Không một người cha, người mẹ nào có thể bình tĩnh khi hay tin con mình đã ra đi", bà Shana nói.
Shana và chồng Steve Nikoui đang đợi phía Thủy quân lục chiến sắp xếp để họ có thể nhận thi thể con trai mình ở căn cứ Không quân tại Delaware. Steve nói ông hết sức tức giận.
"Tôi thất vọng về cách tổng thống xử lý vấn đề này, càng tức giận hơn với cách xử lý của quân đội. Các chỉ huy ở thực địa lẽ ra phải nhận ra mối đe dọa này và giải quyết nó", ông chia sẻ.
Thi thể của một số quân nhân thiệt mạng khác được đưa về Trại Pendleton, California.
Trong khi chờ đợi hài cốt con trai mình hồi hương, Jim nói ông rất đau lòng khi chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn hiện tại ở Afghanistan.
"Quân đội Mỹ đã sa lầy ở đó suốt 20 năm. Nhiều người đã ngã xuống ở đó, trong đó có cả con trai tôi. Và giờ thì chúng tôi trở lại vạch xuất phát", Jim nói.
Jim chia sẻ điều an ủi duy nhất với ông lúc này là con trai ông đã hy sinh để giúp đỡ mọi người.
"Chúng tôi hết sức tự hào vì thằng bé. Nó là một anh hùng", Jim chia sẻ.