Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch) là ngày Tết truyền thống tại một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Tại Việt Nam, đây được coi là ngày Tết Giết sâu bọ để bảo vệ cây trồng.
Nhiều chủ gia đình trẻ băn khoăn, không biết cúng Tết Đoan ngọ vào giờ nào mới đúng. "Tôi nhớ hồi bé vừa ngủ dậy đã được mẹ cho ăn cơm rượu nếp để giết sâu bọ và cả những quả mận, quả vải vừa hạ xuống từ bàn thờ, bảo là phải giết sâu bọ vào lúc sáng sớm. Thế nhưng sau này khi có gia đình riêng, bên nhà chồng lại bảo phải cúng vào giữa trưa mới đúng", chị Mai Loan, sống tại Hà Nội, chia sẻ băn khoăn.
Thực tế, giờ cúng Tết Đoan ngọ của các gia đình, vùng miền có thể không giống nhau. Tuy nhiên, xét theo quan niệm truyền thống, cúng vào giữa trưa là chuẩn nhất. Tết Đoan ngọ còn có tên là Tết Đoan dương, trong đó "đoan" là mở đầu, "ngọ" chỉ giờ ngọ - chính trưa, "dương" chỉ khí dương - ngược với âm. Đây là thời điểm mở đầu cho những ngày nóng nhất trong năm, gần hoặc có năm trùng với ngày hạ chí. Theo cách nói của phương Đông thì đây là những ngày dương khí lên cao nhất ở cả trời đất và trong cơ thể người. Và trong ngày này, giờ Ngọ chính là thời điểm dương khí cao tột bậc.
Nói đến Tết Đoan ngọ, chính xác là nói đến thời điểm giữa trưa này. Do đó, việc cúng Tết Đoan ngọ cũng được thực hiện trong khoảng từ 11h đến 13h của ngày 5/5. Trước đây, nhiều nơi ở Việt Nam có tục hái lá thuốc trong ngày 5/5, và việc này cũng chỉ được thực hiện vào giờ Ngọ, được cho là thời điểm mà dược tính trong thảo dược lên cao nhất. Dân gian cho rằng vào giờ Ngọ của ngày Đoan dương, trời ban cho con dân người Việt hái bất cứ loại cây lá gì cũng có thể dùng làm thuốc, miễn là được sử dụng đúng bệnh.
Mâm cúng Tết Đoan ngọ thường có các trái cây mùa hè, cơm rượu nếp, bánh gio...
Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại đầy bận rộn, nhiều gia đình không có điều kiện về nhà buổi trưa nên giờ giấc cúng Tết Đoan ngọ rất linh hoạt. Nhiều nhà chỉ cúng vào buổi sáng sớm trước khi đi làm với lễ vật đơn giản gồm hương hoa, trái cây, có thể có cơm rượu nếp, bánh gio. Những nhà có điều kiện dùng bữa trưa với nhau vẫn làm mâm cỗ tươm tất và cúng vào chính Ngọ. Một số gia đình cầu kỳ vừa thắp hương vào sáng sớm để cho mọi người ăn trái cây, rượu nếp giết sâu bọ trước, trưa mới làm mâm cơm cúng gia tiên và các vị thần linh.
Tùy theo phong tục tập quán của từng vùng miền mà đồ cúng lễ có những món khác nhau, tuy nhiên về cơ bản thường có những thứ sau: