Những ngày này, khi đang điều trị tại Bệnh viện K, bà Đặng Thị Oanh, 66 tuổi, quê ở phường Hưng Trí, Kỳ Anh, Hà Tĩnh đứng ngồi không yên, thấp thỏm mong ngóng tin từ quê nhà sau lũ dữ.
Gia đình bà Oanh thuộc hộ cận nghèo, những ngày lũ vừa qua, chồng bà là ông Nguyễn Văn Thái, 71 tuổi phải đi sơ tán, nhà và toàn bộ tài sản bị lũ cuốn bay.
Không có nghề nghiệp ổn định, vợ chồng bà tần tảo làm ruộng, rau cháo nuôi 5 con. Khi các con lớn hơn một chút, cứ ngỡ cuộc sống tạm ổn định thì tin dữ ập đến. Cô con dâu không may bệnh nặng qua đời khi vừa sinh con gái 1 tháng, để lại đứa bé đỏ hỏn, khát sữa cho ông bà nội chăm.
Nỗi đau tiếp tục chồng chất khi cậu con trai thứ 2 cũng bỏ ông bà ra đi vào năm 2008 khi mới 28 tuổi vì suy thận giai đoạn cuối.
Bà Oanh đang điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện K.
Hơn 20 năm qua, ông bà vừa nuôi con vừa nuôi cháu, gồng gánh đủ thứ nghề, ai thuê gì làm nấy. Nhưng mọi đau đớn, trớ trêu vẫn tiếp tục bủa vây gia đình bất hạnh khi cách đây 2 năm, ông Thái bất ngờ phát hiện ung thư tuyến nước bọt.
Chị Nguyễn Thị Thảo, con gái thứ 4 chia sẻ: “Bác sĩ yêu cầu ông nhập viện để điều trị nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, lúc đó cháu nội còn đang đi học, ông sợ nếu điều trị thì không lo được cho cháu nên ông nhất quyết đi về, ai nói cũng không chịu nghe”.
Tháng 9 vừa qua, bà Oanh tiếp tục phát hiện ung thư tuyến giáp giai đoạn tiến triển, di căn hạch khắp cổ. 3 tháng trước đó, bà liên tiếp bị nghẹn khi ăn, thậm chí nuốt cháo, nước lọc cũng nghẹn, tay chân tê, người gầy rộc đi vì sụt liền 4kg.
Khi biết bệnh tình của vợ, ông Thái nhìn xa xăm. Ông giục con: “Đưa mẹ đi điều trị đi, đi sớm để bệnh nhanh khỏi”. Ông bảo, bao giờ bà điều trị khỏi tôi sẽ đi khám lại. Nói đoạn, ông đưa cho con những đồng tiền cuối cùng rồi cùng con chạy vạy lo tiền cho vợ đi chữa bệnh.
Sau khi mổ cắt u và vét hạch, bà Oanh hiện đang điều trị tại khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện K.
Đợt lũ vừa qua, nước dâng cao nhiều vùng trong huyện, bà Oanh ở bệnh viện xem ti vi lòng nóng như lửa đốt, gọi điện về hỏi chồng nhưng ông quả quyết nói nhà không sao.
Sau vài ngày không liên lạc được với ông Thái, bà mới biết nhà đã mất trắng, chồng bà phải đi sơ tán. Khi nghe được giọng chồng, ông vẫn nén lòng không khóc, động viên vợ tiếp tục điều tị nhưng bà biết, vì sợ bà lo thêm bệnh nên ông giấu.
“Ông ấy vất vả quá nhiều rồi. Nay gọi được ông ấy tôi mới yên tâm phần nào. Ông ấy không điều trị vì lo cho tôi, nhường tôi, giờ chỉ sợ ông ấy mệnh hệ gì thì tôi sống không nổi”, bà Oanh rớm nước mắt nói.
Theo lời chị Thảo, bố chị từng có thời gian dài đi bộ đội, sau về nhà làm ruộng. Vừa qua, địa phương yêu cầu nộp giấy tờ cũ để làm chế độ thương bệnh binh, chưa kịp làm thì lũ ập đến cuốn trôi tất cả.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của bà Oanh, bước đầu các cán bộ, nhân viên Bệnh viện K đã ủng hộ gia đình bà Oanh 15 triệu đồng để tạm thời dựng sửa lại nhà sau lũ.
TS Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K cho biết, ung thư tuyến giáp là bệnh ác tính phổ biến nhất chiếm hơn 90% trong tổng số bệnh nhân mắc các bệnh ung thư về tuyến nội tiết.
Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp có xu hướng tăng nhanh, xếp thứ 9 trong số các ung thư phổ biến nhất Việt Nam với hơn 5.400 ca mắc.
Đáng lưu ý, những năm gần đây số lượng bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp ngày càng tăng. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện K, trong năm 2019 phẫu thuật cho hơn 3.000 ca mắc các bệnh tuyến giáp, trong đó chủ yếu là ung thư tuyến giáp.
Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân ung thư tuyến giáp có thể bị khàn tiếng, nuốt vướng khi u chèn vào thực quản, khó thở khi u chèn khí quản, xuất hiện hạch ở cổ, di động theo nhịp nuốt.
Trong khi đó ung thư tuyến nước bọt ít phổ biến hơn, chiếm khoảng 2 – 4% trong tổng các ca mắc ung thư vùng đầu cổ.
Ung thư tuyến nước bọt có tiên lượng điều trị khá tốt. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt có thể lên tới 91% sau 5 năm chẩn đoán bệnh.
Video: Không ngờ nấm hương có thể giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung