Gần đây, trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội như Phạm Hùng, Tố Hữu, Dương Đình Nghệ, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Chánh, Trường Chinh, Đào Tấn…xuất hiện các điểm bán "giải cứu" trứng gà ta với mức giá chỉ 65.000 đồng/30 quả, thậm chí có nơi bán với giá 60.000 đồng/30 quả. Mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với giá bình thường (khoảng 35.000 - 40.000 đồng/10 quả).
Ngay cả trên chợ mạng, nhiều người cũng đang rao bán "giải cứu trứng gà" với giá 100.000 - 110.000 đồng/50 quả.
Trả lời VTC News về hiện tượng "giải cứu" trứng gà, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện nay mức độ tiêu thụ trứng gà so với trước Tết có giảm nhưng chưa đến nỗi ế, thừa để đến mức phải "giải cứu".
“Thực tế, các trang trại vẫn tiêu thụ được trứng. Giá trứng tuy giảm nhẹ khoảng 200 - 300 đồng/quả nhưng chưa tới mức người chăn nuôi gà phải thua lỗ”, ông Thắng nói.
Về lý do giá trứng rẻ hơn trước, ông Thắng cho biết, sau Tết năm nào cũng vậy, theo quy luật thì tổng cầu sẽ giảm nhanh hơn tổng cung. Tết Nguyên đán đã qua, nguồn cầu đương nhiên sẽ giảm mạnh, do đó giá cũng giảm theo.
“Chưa một trang trại nào của nông dân, kể cả các trang trại có quy mô vừa và lớn kêu gọi "giải cứu". Vì vậy, người mua cần phải cảnh giác với việc các tư thương bày bán trứng trên hè phố Hà Nội, trên "chợ mạng" để kêu gọi giải cứu, rất có thể đó chỉ là chiêu trò lợi dụng, chụp giật trong kinh doanh. Chiêu trò này diễn ra thường xuyên, phổ biến sẽ gây tác hại không nhỏ đối với nông sản Việt, nhất là niềm tin của người tiêu dùng với nông sản, thực phẩm trong nước. Điều này cũng sẽ làm hạ giá trị của nông sản Việt”, ông Thắng khuyến cáo.
Ngoài ra, ông Thắng cũng khuyên người tiêu dùng không nên mua trứng ở vỉa hè vì không rõ nguồn gốc và thời gian bảo quản ra sao.
"Trong nhiệt độ bình thường, trứng gà có thể giữ được 7-10 ngày, sau đó chất lượng sẽ giảm dần, thậm chí dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là Salmonella, một loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng", ông Thắng nói.
Trứng gà giải cứu được bán ngay trên vỉa hè.
Cũng trả lời VTC News, anh Nguyễn Văn Nhất, chủ trang trại chăn nuôi 2,5 vạn gà đẻ trứng ở Ba Vì, Hà Nội cho biết, những ngày này, các trại gà của anh tồn đọng lượng trứng khá lớn nhưng vẫn tiêu thụ được, chưa đến mức phải kêu gọi “giải cứu”.
Gắn bó với việc chăn nuôi gà đẻ trứng nhiều năm nay, anh Nhất cho biết, giá trứng thường lên xuống theo quy luật cung cầu thị trường. Theo đó, trước và sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm giá trứng rẻ nhất năm.
“Từ 20 tháng Chạp Âm lịch, lượng trứng gia cầm các công ty nhập để sản xuất sẽ giảm, thậm chí là dừng hẳn vì mùa làm hàng Tết kết thúc. Sinh viên về quê nghỉ Tết nên nhiều bếp ăn tập thể cũng đóng cửa. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài từ 7-9 ngày, hoạt động sản xuất kinh doanh ngừng nên thị trường trứng gia cầm gần như “đóng băng”. Chưa kể, các lò ấp cũng giảm công suất. Trong khi đó, gia cầm vẫn đẻ trứng đều đặn nên lượng trứng tồn đọng và phải bảo quản là hết sức bình thường”, anh Nhất nói.
Các cửa hàng bán lẻ cũng tranh thủ bán trứng gà giá rẻ.
“Nguồn cung vượt cầu khiến giá trứng sẽ rẻ hơn từ 200 – 300 đồng/quả so với các mùa khác trong năm. Hiện tại, trang trại gà của tôi có 2,5 vạn gà đang đẻ, mỗi ngày thu gần 2 vạn quả trứng. Lượng trứng này đều được các đầu mối sỉ đến tận trại thu mua với giá 1.600 đồng/quả, mức lãi không đáng kể nhưng cũng không phải giải cứu”, anh Nhất nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Loan, một thương nhân đầu mối kinh doanh tiêu thụ hàng chục nghìn khay trứng gà, tương đương với khoảng 3 triệu quả trứng gà cho biết, giá trứng gà loại 1 doanh nghiệp này thu mua tại các gia trại, trang trại tư nhân là 1.600 đồng/quả đã bao gồm cả khay giấy 30 quả/khay, giảm 200 đồng/quả so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Nếu nhân lên mỗi khay 30 quả thì giá có 48.000 đồng/khay. Trong khi các tiểu thương bán với giá 65.000 đồng/30 quả thì đã có lãi 17.000 đồng/túi 30 quả.
"Nếu mỗi ngày tiểu thương bán được 1.000 túi 30 quả thì sẽ thu về 17 triệu đồng ngon ơ từ những tấm băng rôn “giải cứu trứng", trong khi đó người nông dân sản xuất có khi lại không được gì. Với kinh nghiệm 10 năm nhập trứng cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, bếp ăn tập thể, tôi cho rằng, việc các tiểu thương kêu gọi “giải cứu trứng cho người nông dân” là chiêu trò kinh doanh, lợi dụng lòng trắc ẩn của người tiêu dùng để kiếm lời”, chị Loan nói.
Nhiều người tiêu dùng sau khi mua trứng gà "giải cứu" đã thất vọng vì trong hàng chục quả mua, có rất nhiều quả hỏng, không sử dụng được.