Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cục diện chiến trường Nga - Ukraine sẽ ra sao?

(VTC News) -

Xung đột Nga - Ukraine đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, hai bên vẫn ở thế giằng co, cầm chân nhau trên thực địa.

Tròn một năm xung đột Nga - Ukraine bùng phát, đối đầu quân sự giữa hai bên trên thực địa vẫn dai dẳng, chưa có hồi kết. Hệ luỵ từ cuộc khủng hoảng này không chỉ giới hạn ở hai quốc gia, tại khu vực châu Âu mà con lan sang phạm vi toàn cầu khi kinh tế nhiều nước lâm vào suy thoái, lạm phát gia tăng, làn sóng tị nạn bùng phát… Câu hỏi được quan tâm lúc này là bao giờ xung đột sẽ khép lại. Không ai trả lời được câu hỏi này khi quan điểm, mục tiêu của 2 bên là khác nhau, khó có thể dung hoà.

Cuộc chiến giằng co

Nhận định về xung đột Nga - Ukraine sau một năm, trả lời VTC News, chuyên gia Hoàng Việt - nhà nghiên cứu quốc tế (Đại học Luật TP. HCM) cho rằng, xung đột Nga - Ukraine diễn ra khốc liệt, kéo dài, tốn nhiều sức lực, dẫn đến thiệt hại rất lớn cho cả hai bên, đặc biệt là Ukraine.

“Xung đột ở thế giằng co. Thời gian đầu, Ukraine gây sửng sốt thế giới khi kháng cự mạnh mẽ, đáp trả quyết liệt trước các đợt tấn công của Nga. Có thời điểm, Moskva bộc lộ hạn chế nhưng sau đó dần khắc phục. Hiện tại, phía Nga đang có kế hoạch thay đổi cục diện chiến trường.

Gần đây, Ukraine đang gặp khó khăn, đối mặt nhiều vấn đề nội bộ. Nước này đã thay Bộ trưởng Quốc phòng. Số tiền khổng lồ phương Tây đổ vào Ukraine thông qua viện trợ vũ khí khiến cho các phe nhóm bất đồng, bất ổn trong nội bộ bùng phát. Trong khi đó, Nga cũng đang gặp phải vấn đề tương tự, liên tục đổi tướng Tổng chỉ huy, Tổng Tư lệnh tối cao của chiến dịch quân sự đặc biệt”, chuyên gia Hoàng Việt cho hay.

Ông cho rằng, một năm sau khi xung đột, Nga và Ukraine vẫn cầm chân nhau trên thực địa, chưa có đột phá để sớm chấm dứt khủng hoảng. Giai đoạn một, Nga hứng chịu nhiều tổn thất. Giai đoạn 2, Nga tập trung vào khu vực nhất định, giành lại nhiều lợi thế. Sau khi nhận khoản viện trợ vũ khí hạng nặng từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, Ukraine phản kháng quyết liệt, khiến lực lượng pháo binh Nga chịu ảnh hưởng lớn.

Cả Nga và Ukraine đều muốn đạt mục tiêu trong năm qua, nhưng thực lực các bên không đủ để làm điều đó. Xung đột diễn ra trong thời gian dài, không bên nào đủ sức mạnh để thay đổi về chất, liên tục tấn công - phản công khiến cục diện giằng co đến hiện tại. Xung đột kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến các bên, tiêu hao chi phí lớn, trong khi hứng chịu áp lực từ trong nước cũng như quốc tế.

 

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, trong dịp kỷ niệm một năm xung đột, Nga đang chuẩn bị tổng tiến công. Thời gian gần đây, Moskva liên tục bắn tên lửa vào Kiev và loạt tên lửa trên khắp lãnh thổ Ukraine, đánh vào cơ sở hạ tầng, cảng Odessa và đường sắt nối với Romania - Ba Lan, ngăn bên ngoài chuyển vũ khí vào Ukraine. Xe tăng viện trợ từ bên ngoài vẫn chưa đưa được vào nước này.

Chiến sự diễn ra hết sức ác liệt ở thành phố Bakhmut - điểm trung chuyển giữa Nga với Crimea, giữa Ukraine với hai nước Cộng hòa tự xưng Lugansk và Donetsk. Bên nào kiểm soát được Bakhmut sẽ giành lợi thế ở khu vực. Phía Nga đang kiểm soát toàn bộ phía Bắc thành phố Bakhmut, giải phóng thị trấn Soledar. Hiện nay, quân đội Ukraine hết sức khó khăn vì thiếu đạn, đã sử dụng số đạn vượt quá khả năng sản xuất, trong khi vũ khí viện trợ chưa đến.

Việc Mỹ và NATO hỗ trợ Ukraine vũ khí, tiền bạc không làm thay đổi cục diện trên trường, trong khi tạo ra thảm họa nhân đạo tại Ukraine. Đến nay, khoảng 1/2 dân số Ukraine trở thành người tị nạn, trong đó 8 triệu người chạy ra nước ngoài, 8 triệu dân tị nạn trong nước. Người dân Ukraine đang chật vật, đối mặt nhiều khó khăn, thiếu lương thực, thực phẩm, điện, nước...

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Khai, khi xung đột bùng phát, Nga không đánh giá được khả năng chống trả của Ukraine. Thời gian đầu, Nga tấn công rất mạnh, tiến sát Kiev. Ukraine không có kháng cự đáng kể do không có chuẩn bị, dự báo Moskva sẽ không đánh. Sau này, Ukraine phản công rất mạnh, giải phóng một số khu vực, ngăn chặn bước tiến của Nga nhờ vào nguồn viện trợ rất lớn đến từ phía phương Tây.

“Bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây rất ác liệt, gây nhiều khó khăn cho Nga. Moskva không thể tiến hành tổng tiến công chiến lược, đánh nhanh, thắng nhanh trong tình hình như vậy. Nga buộc phải điều chỉnh chiến lược sang lâu dài với mục tiêu giải trừ vũ khí, Ukraine không gia nhập NATO”, ông Khai phân tích.

Ông Hoàng Việt cho rằng, các cuộc xung đột thông thường kéo dài trong một vài tháng, xung đột Nga - Ukraine kéo dài quá lâu, sau một năm chưa có dấu hiệu chấm dứt. Xung đột Nga - Ukraine hiện đã chuyển sang chiến tranh tiêu hao, phù hợp với chủ ý, mục đích của phương Tây.

“Phương Tây không muốn Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga, bởi điều đó nguy cơ dẫn đến đối đầu trực diện giữa phương Tây với Moskva. Nga là quốc gia hạt nhân, các nước phương Tây ngần ngại điều này. Song phương Tây không muốn Ukraine thất bại, không muốn Moskva hay Kiev chiến thắng trong cuộc xung đột này, họ muốn Nga suy yếu. Điều này dẫn tới cuộc chiến càng kéo dài, càng tiêu hao”, ông Hoàng Việt nói.

 

Chung nhận định, Đại sứ Nguyễn Quanh Khai nói Mỹ, phương Tây cùng Ukraine muốn kéo dài cuộc chiến để tiêu hao sức mạnh của Nga. Thực tế, Nga không thể kết thúc nhanh cuộc xung đột. Nga điều chỉnh chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “chiến tranh tiêu hao”, hy vọng kéo dài cuộc chiến, khiến Ukraine mệt mỏi, chuyển về cố thủ, khi đó Moskva sẽ giữ vững thành quả giành được tại khu vực phía Đông.

Tuy nhiên, việc kéo dài xung đột sẽ gây khó khăn cho châu Âu. Châu Âu không thể viện trợ mãi cho Ukraine, trong khi làn sóng người tị nạn Ukraine đang tạo nên gánh nặng cho châu lục này. Chưa hết, Nga cấm vận dầu khí khiến các nước châu Âu gặp khó khăn, mua dầu mỏ, khí đốt bên ngoài với giá rất cao, đời sống người dân khó khăn, biểu tình bùng nổ tại nhiều nước. Kinh tế Mỹ và châu Âu bước vào giai đoạn suy thoái, không thể tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Ngoài ra, Nga muốn kéo dài cuộc xung đột, gây chia rẽ nội bộ EU, NATO, nước Mỹ. Hiện tại, nội bộ NATO đang có nhiều chia rẽ, Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về phía Nga, phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO. Trong khi nội bộ nước Mỹ chia rẽ, đảng Cộng hòa nhiều lần lên tiếng muốn dừng viện trợ cho Ukraine.

Thế khó của mỗi bên

Nhận định ý đồ phương Tây, ông Hoàng Việt cho hay, nhiều ý kiến cho rằng, Nga sai lầm khi đánh giá quyết tâm của Mỹ và phương Tây trong viện trợ, hỗ trợ Ukraine. Một mặt Nga cầm cự cuộc xung đột thật lâu, một mặt phá hủy hạ tầng Ukraine khiến Ukraine kiệt quệ, phương Tây mệt mỏi. Phương Tây mệt mỏi sẽ không còn đủ sức để viện trợ cho Ukraine, Nga sẽ giành lợi thế.

“Gần đây, khi viện trợ xe tăng cho Ukraine, Mỹ và các nước châu Âu rất ngần ngại, cố tình kéo dài thời gian thực hiện viện trợ. Ukraine nhiều lần lên tiếng kêu gọi Mỹ và phương Tây tiếp tục viện trợ một số máy bay chiến đấu như F16, một số tên lửa khác nhưng phương Tây đang chần chừ, không chắc trong trường hợp này”, ông Hoàng Việt nói.

 

Đại sứ Nguyễn Quang Khai nói, những gì đang diễn ra ở Ukraine không chỉ đơn thuần là xung đột giữa Nga và Ukraine, thực chất là cuộc đối đầu giữa Nga - các nước NATO do Mỹ đứng đầu. Mỹ và NATO ủng hộ Ukraine thông qua tiền bạc, vũ khí,... còn Ukraine đang đứng ra thực hiện kế hoạch bành tướng của NATO.

Chung nhận định, chuyên gia Hoàng Việt cho rằng, đây là cuộc chiến tiêu hao và ủy nhiệm. Mỹ và phương Tây gián tiếp mượn tay Ukraine đối đầu quân sự với Nga nhằm né tránh cuộc đối đầu trực tiếp.

“Nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine không thể tồn tại đến thời gian hiện tại, chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn. Điều này giải thích vì sao Nga từng nói, một mình Moskva chống lại cả phương Tây, NATO, không riêng Ukraine”, ông Hoàng Việt cho hay.

Cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, rõ ràng sự kháng cự trong một thời gian dài của Kiev dựa vào nguồn lực vũ khí, thông tin tình báo, huấn luyện quân đội từ phương Tây, chưa kể đến lực lượng lính đánh thuê trà trộn trong quân đội Ukraine.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhận định, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba từng tuyên bố, không có vũ khí phương Tây viện trợ, Ukriane sẽ chiến đấu bằng cuốc, xẻng. Điều này thể hiện tinh thần chiến đấu của Ukraine. Song trên thực tế, nếu không nhận được sự viện trợ từ phương Tây, Kiev sẽ gặp khó trong cuộc tổng phản công của Moskva.

Cần nhớ rằng, trong cuộc xung đột hiện nay, Nga chưa sử dụng vũ khí hiện đại mà đang dùng khí tài để lại từ thời Liên Xô. Kho vũ khí hiện nay của Nga là rất lớn, gấp 20 lần kho vũ khí Ukraine, số lượng tên lửa của Nga gấp 3 lần các nước NATO, trong đó có tên lửa hạt nhân đạn đạo, tên lửa hành trình…

Đề cập đến khó khăn Nga phải đối mặt, Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng, loạt đòn trừng phạt của phương Tây gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Nga, sản xuất vũ khí bị ảnh hưởng, thiếu chip điện tử, kinh tế suy giảm, GDP Nga năm 2022 giảm 3%... Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến mục tiêu, cũng như cách thức Moskva triển khai chiến dịch ở Ukraine.

Ông Hoàng Việt cho rằng, Nga đã dồn lực cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhưng đang ở thế khó, khi không đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Moskva muốn thực hiện mục tiêu bao vậy Kiev ngay từ đầu. Thời điểm đó, Tổng thống Vladimir Putin không ngần ngại tuyên bố cần phải thay thế ông Zenlesky và chính phủ ông.

Qua giai đoạn một của cuộc chiến, Nga không đạt được mục đích bởi sự kháng cự quyết liệt của Ukraine, với sự hỗ trợ nhiệt tình của phương Tây về quân sự lẫn tình báo, vũ khí.... Trong giai đoạn 2 của cuộc chiến, Moskva tập trung vào Donetsk và Luhansk, khu vực Nga xác định đóng vai trò quan trọng, kết quả Nga kiểm soát được nhiều khu vực ở đây. Từ tháng 09/2022, Nga buộc phải rút khỏi một số cứ điểm quan trọng trước sức phản công của Ukraine.

Thời gian tới, dự báo thời tiết có lợi cho Nga, có thể thực hiện nhiều cuộc tấn công ở tầm rộng. Giai đoạn 24/2, kỷ niệm một năm cuộc xung đột Nga - Ukraine do Nga khởi phát, Moskva đang chuẩn bị sức mạnh quân sự, vũ khí, tên lửa, xe tăng,… để có thể có một trận quyết chiến chiến lược, kết thúc xung đột. Đây là điều Nga muốn, còn kết quả trên thực tế có lẻ cần phải chờ.

 

Bao giờ chiến sự kết thúc?

Theo ông Hoàng Việt, trong thời gian tới, yếu tố thời tiết không phải là vấn đề lo ngại lớn bởi khi bước sang mùa xuân tuyết tan, không bùn lầy, xe tăng, xe thiết giáp tấn công tốt hơn. Do đó, có thể bùng nổ những cuộc đụng độ lớn giữa hai bên. Điều quan trọng quyết định thành bại sẽ là sức mạnh quân sự trên chiến trường. Bên nào có vũ khí mạnh, quân huấn luyện tốt, chiến thuật tốt hơn, bên đó sẽ chiếm lợi thế.

Chuyên gia Hoàng Việt nhận định, khả năng đàm phán ở thời điểm hiện tại dường như chưa thể xảy ra. Vì rất nhiều lý do, trong đó mục tiêu của Nga và Ukraine là khác nhau quá xa.

“Mục tiêu của Nga là duy trì kiểm soát ở những khu vực mà nước này đã sáp nhập hồi tháng 9 năm ngoái. Để Moskva từ bỏ điều này là không thể. Trong khi Ukraine đặt ra mục tiêu rất lớn, đòi lại tất cả những gì Nga đã sáp nhập, thậm chí cả bán đảo Crimea mà Moskva sáp nhập năm 2014”, chuyên gia nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Việt, trước mắt, các bên khó có thể đàm phán, đối thoại để kết thúc chiến sự sẽ phụ thuộc vào cục diện trên chiến trường. Khoảng 3 tháng tới là giai đoạn mang tính quyết định về quân sự, hai bên có những trận quyết chiến chiến lược và sẽ rõ bên nào nắm ưu thế quân sự. Khi đó mới có thể nói đến đàm phán vãn hồi nền hòa bình cho xung đột hiện nay, còn giờ vẫn là quá sớm để nói đến điều đó.

Đồng quan điểm, Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng, bất cứ cuộc xung đột nào cuối cùng cũng phải kết thúc bằng giải pháp ngoại giao song điều đó khó có thể xảy ra lúc này. Các nước phương Tây và Ukraine đang cho thấy dấu hiệu mệt mỏi. Ukraine sẵn sàng đàm phán nhưng lại đưa ra những điều kiện Nga không thể chấp nhận như Nga phải rút toàn bộ quân, trả lại các vùng đất thuộc Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp ngoại giao hoàn toàn có thể thực hiện được. Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine 24/2, đến tháng 3, hai bên đã gặp nhau ở Belarus và đạt được một số nguyên tắc cơ bản, giải quyết cuộc xung đột như Ukraine trung lập, không gia nhập NATO, tôn trọng nền văn hóa của Nga, tôn trọng người nói tiếng Nga,… Các cuộc đàm phán sau đó, hai bên cũng đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc.

“Vai trò Mỹ và phương Tây đối với cuộc xung đột này rất quan trọng. Nếu Mỹ và các nước NATO ép Ukraine ngồi vào đàm phán, ngừng cung cấp vũ khí, chắc chắn sẽ có đàm phán. Chừng nào Mỹ và NATO còn cung cấp vũ khí cho Ukraine thì chiến sự còn kéo dài”, ông Khai cho hay.

Kông Anh ((Thiết kế: Huy Mạnh))

Tin mới