Phá "chuồng cọp" mở thêm lối thoát hiểm
Cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) là một trong những khu cư xá lâu đời nhất của TP.HCM. Được xây dựng từ trước năm 1975, cư xá này gồm nhiều dãy nhà tập thể cao tầng. Đây là dạng nhà ở theo kiểu cư xá, gồm 23 lô trên diện tích 36ha, là nơi sinh sống của hàng nghìn hộ dân.
Ghi nhận của PV VTC News, phía trên lầu tại cư xá Thanh Đa là những căn nhà được bao kín bởi "chuồng cọp" không lối thoát.
Khi được hỏi về mục đích của việc rào kín nhà lại thì người dân tại cư xá này cho hay, một phần là để chống trộm, phần khác để trẻ em không té ngã, đồng thời họ tận dụng ban công để thêm diện tích sử dụng, phơi quần áo. Ngoài ra, họ còn lắp thêm những tấm lưới nhỏ để phòng chuột và rắn bò vào nhà.
Cư xá Thanh Đa nhan nhản chuồng cọp.
Bà Lệ Quang (82 tuổi, cư dân cư xá Thanh Đa) cho rằng, sau khi theo dõi vụ cháy chung cư mini, nhìn lại nơi mình sống ở khu chung cư xuống cấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, bà cũng không tránh khỏi nỗi lo.
“Nhưng cũng không biết làm cách nào bởi gia đình đâu còn chỗ nào trú ngụ ngoài căn hộ đã ở gần 50 năm này", bà Quang nói.
Theo bà Quang, nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn, nhiều cư dân tại cư xá Thanh Đa đã chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ gia đình. Việc tự mở lối thoát hiểm nhỏ trong "chuồng cọp" là một trong những biện pháp được nhiều người lựa chọn.
Căn hộ 5 thành viên của gia đình bà Quang.
Người dân ở đây đã cắt bỏ một phần lồng sắt hoặc thiết kế thêm cửa thoát hiểm có thể dễ dàng mở từ bên trong. Những cánh cửa này thường được làm bằng vật liệu nhẹ nhưng bền chắc, cho phép mở nhanh chóng khi cần thiết nhưng vẫn đảm bảo an ninh hàng ngày.
Bên cạnh đó, một số hộ dân còn đầu tư thêm các thiết bị báo cháy, bình chữa cháy mini và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như kiểm tra hệ thống điện, gas định kỳ.
“Đây không chỉ là hành động bảo vệ bản thân và gia đình, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cộng đồng, góp phần giảm thiểu rủi ro trong các tình huống khẩn cấp. Chống trộm cũng cần thiết nhưng tính mạng còn quan trọng hơn, vì còn người là còn của”, bà Quang nói.
Nhiều hộ dân đã mở các lối thoát hiểm từ "chuồng cọp".
Ông Nguyễn Thành Luận, ngụ quận Bình Thạnh cho rằng, việc các hộ dân ở đây làm khung sắt bảo vệ hay “chuồng cọp”, về bản chất là để đảm bảo an toàn nhưng nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì lại vô tình làm khung, lồng tự nhốt mình.
“Mặc dù mang lại cảm giác an toàn trước trộm cắp và mở rộng thêm không gian sống, nhưng lại trở thành rào cản lớn khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Việc không lắp đặt 'chuồng cọp' đồng nghĩa với việc giữ lại các lối thoát hiểm thông thoáng, giúp cư dân dễ dàng thoát ra ngoài trong tình huống khẩn cấp”, ông Luận nói.
Không lắp "chuồng cọp"
Trong dãy căn hộ kín mít với "chuồng cọp", căn hộ của gia đình bà Xuân Lý (62 tuổi) lô 9, cư xá Thanh Đa không lắp chuồng cọp, chỉ làm cửa sắt kéo ngang bên trong.
Bà Lý cho rằng, việc không lắp chuồng cọp còn giúp không gian sống của gia đình trở nên thoáng đãng, cho phép ánh sáng và không khí tự nhiên lưu thông tốt hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bà Xuân Lý trong căn hộ của gia đình.
“Điều này không chỉ tạo cảm giác thoải mái mà còn giúp chúng tôi phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe do môi trường sống bí bách, ẩm thấp gây ra", bà Lý nói.
Theo bà Lý, việc không lắp "chuồng cọp" cũng tạo điều kiện cho công tác cứu hộ và cứu nạn diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn nếu chẳng may có sự cố cháy nổ.
"An toàn cháy nổ không chỉ là vấn đề của cá nhân mà còn liên quan đến sự an toàn của cả khu dân cư. Bằng cách giữ cho các lối thoát hiểm luôn thông thoáng, không chỉ bảo vệ chính mình mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro cho hàng xóm và cả cộng đồng", bà Lý nói.
Liên quan vấn đề này, bà Đào Thúy Vân, Phó Chủ tịch UBND Phường 27, quận Bình Thạnh cho biết, thời gian qua, các lực lượng chức năng của phường đã đến từng hộ dân ở cư xá Thanh Đa vận động mở lối thoát hiểm và nhận được sự ủng hộ của người dân.
Căn hộ nhà bà Lý không lắp "chuồng cọp".
Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM, những ngôi nhà ống, nhà tập thể tại các đô thị lớn thường chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang.
Thực tế, đã có nhiều vụ cháy xảy ra, người trong nhà không thể thoát được đến nơi an toàn vì cả ngôi nhà đã bị bịt kín, chỉ còn một lối thoát duy nhất là cửa ra vào. Lực lượng cứu hỏa rất khó tiếp cận những ngôi nhà như vậy để dập lửa, cứu người khi có cháy.
Một số căn hộ các tại cư xá Thanh Đa này cũng không lắp hoặc đã chủ động tháo "chuồng cọp".
Thời gian qua, Công an TP.HCM đã triển khai quyết liệt các giải pháp an toàn PCCC ở các khu vực này. Cụ thể là phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh kết hợp nhà ở phải đảm bảo 2 lối thoát nạn. Đặc biệt, Công an TP.HCM đã thực hiện 98% số các cơ sở phải có 2 lối thoát nạn ở các khu dân cư.
Theo thông tin từ đại diện Phòng Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM, 5 tháng đầu năm TP.HCM xảy ra 234 vụ cháy, làm 10 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 5 tỷ đồng.
Về nguyên nhân gây cháy, do sự cố trong sử dụng thiết bị điện, vi phạm các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, nguyên nhân hoả hoạn cũng đến từ việc bất cẩn trong sinh hoạt, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Về kết quả tổng kiểm tra phòng chống cháy nổ năm 2023, lực lượng chức năng phát hiện 60.493 cơ sở, nhà chung cư, nhà trọ, ngăn phòng cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Trong đó, tổng số cơ sở thuộc loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê là 55.446 cơ sở.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính vi phạm về phòng cháy chữa cháy 6.525 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 11,5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 17 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 36 cơ sở.