Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cử tri lo lắng về sức khỏe tâm thần do giãn cách xã hội trong thời gian dài

(VTC News) -

Cử tri và nhân dân lo ngại vấn đề về sức khỏe tâm thần do giãn cách xã hội trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Sáng 11/10, trình bày dự thảo báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tại phiên họp thứ 4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, hội nghị toàn quốc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hội nghị toàn quốc các cơ quan khối nội chính.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo lắng trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

"Công tác phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, nguồn lực của đất nước ta còn hạn chế, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm đã gây tổn thất nặng nề về người và kinh tế, xã hội. Kinh tế bị bào mòn, sức khỏe cộng đồng bị bào mòn, sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân bị bào mòn, chỉ có lòng nhân ái, tình dân, nghĩa Đảng, lòng yêu nước, thương nòi được nhân lên gấp bội", ông Đỗ Văn Chiến nói.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày dự thảo báo cáo sáng 11/10.

Theo ông Chiến, cử tri và nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá rất cao Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều chính sách về cung ứng hàng hóa, chính sách xã hội, việc làm, gói an sinh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; khơi dậy, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, nhiều hoạt động thiện nguyện, thiết thực giúp đỡ người dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh, còn nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm; việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; một bộ phận nông dân gặp khó khăn nhưng chưa được đưa vào diện hỗ trợ; vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, một bộ phận người dân phát sinh tâm lý e ngại, không dám đến bệnh viện khám, chữa bệnh; vấn đề về sức khỏe tâm thần do giãn cách xã hội trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em, người yếu thế trong xã hội.

Cử tri và nhân dân lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học; việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các bệnh về mắt của các cháu.

Người dân rất bức xúc với các thông tin xấu độc, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch, gây hoài nghi đối với các chính sách đúng đắn của Nhà nước; tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc, vật tư y tế điều trị COVID-19 giả; chống người thi hành công vụ, cướp giật, trộm cắp tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng… diễn biến rất phức tạp.

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có 6 kiến nghị, trong đó đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương sớm cụ thể hóa Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Đảng và Nhà nước nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu, cán bộ, công chức, viên chức, các ngành, các cấp, nhất là cán bộ cơ sở, các tình nguyện viên do làm nhiệm vụ mà mắc COVID-19; những người hy sinh, thiệt mạng do thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. 

Xuân Trường

Tin mới