Chị là người Hải Dương lấy chồng Khánh Hoà. Ngày cưới, tiễn chị ra sân bay về nhà chồng, mẹ chị mắt đỏ hoe dặn: “Lấy chồng xa khó khăn cũng phải tự mình vượt qua, chẳng gần để có bố mẹ mà đỡ đần. Có gì ấm ức thì điện về cho bố mẹ”. Bố chỉ nói vỏn vẹn: “Hãy nhớ, con vẫn có một căn nhà để trở về”.
Nhìn dáng cao gầy của bố mẹ liêu xiêu giữa sân bay, chị nghẹn ngào, thương đấng sinh thành có mụn con độc nhất lại làm dâu cách nhà cả nghìn cây số. Anh nắm nhẹ tay chị an ủi: “Tết vợ chồng mình về với ba mẹ. Sau này, vợ nhớ nhà thì bay vèo 2 tiếng là lại ăn cơm mẹ nấu”.
Về làm dâu hơn tháng thì hết năm, chị háo hức lên kế hoạch về đón Tết cùng nhà ngoại như lời anh nói. Bố mẹ chị cũng vì rể mới mà mua mua sắm sắm, sửa sang lại căn buồng. Biết kế hoạch của anh chị, má chồng đánh tiếng: "Dâu mới Tết đầu đã tót về nhà đẻ là không tôn trọng nhà chồng. Chị phải ở nhà chồng để còn đi chào họ hàng, làng xóm, làm quen nền nếp. Muốn về cũng phải để năm sau".
Chị nói lại với chồng, anh dù thương vợ nhưng không thể cãi lời mẹ. Vốn “dị ứng” với người nói được mà không làm được, chị thất vọng rồi giận chồng mấy ngày liền.
Vốn “dị ứng” với người nói được mà không làm được, chị thất vọng rồi giận chồng mấy ngày liền. (Ảnh minh họa: Freepik)
Tết đầu tiên về làm dâu, lạ nước lạ cái, lạ cả từ nết ăn uống đến phong tục, chị đâm lúng túng, khó làm hài lòng gia đình chồng. Giao thừa tới, cả nhà chồng vui vẻ ngồi nhậu từ chập tối, chúc tụng rôm rả, còn chị chốc chốc lại ngước mắt nhìn trời, ngăn dòng nước mắt chực trào.
Gọi điện về chúc mừng năm mới, thấy bố mẹ già cô đơn bên ấm trà, cỗ thắp hương đơn sơ vì "hai thân già ăn uống chẳng bao nhiêu nên không muốn lích kích” theo lời mẹ, chị không dám nói chuyện lâu, sợ thấy nỗi khắc khoải giấu kín trong ánh mắt cố vẽ nét cười của bố mẹ.
Tết đầu xa quê áp lực, nhớ nhà, nhớ bố mẹ, chị thường khóc trộm, chẳng dám than thở vì sợ cả nhà biết lại lo lắng. Chồng chị dẫu thương vợ nhưng là người ít nói nên lâu lâu chỉ an ủi được vài câu.
Thấm thoát gần 5 năm chị ăn Tết bên nội vì hết lý do dâu mới lại đến lý do mới sinh nở, rồi con chưa cứng cáp nên bố mẹ chồng không cho đi xa.
5 năm lấy chồng, chỉ hai lần chị được về thăm bố mẹ vào ngày thường. Mỗi lần nhớ tới lời hứa của chồng, chị đều thấy tủi thân. Bố mẹ chị lo con gái buồn nên không dám hỏi “Tết này có về nhà không?” mà chỉ khéo léo an ủi: “Tết nhất quan trọng gì đâu, khi nào cháu cứng cáp rồi về”. Chừng ấy cái Tết bố không buồn sắm đào quất, mẹ chẳng màng mua áo mới.
Ở nhà chồng, những bận đón năm mới, chị phải lo chợ búa, nấu cỗ cúng bái tổ tiên, sửa sang dọn dẹp nhà cửa, thấy mệt mỏi. Tết với chị giống như nút thắt khiến tâm tình ngày càng trầm lặng. Vợ chồng cứ tới gần Tết là cãi vã. Chị muốn anh thực hiện lời hứa, còn anh đem má chồng, đem trọng trách dâu trưởng của chị ra làm “bia đỡ đạn”.
Năm nay con đã cứng cáp, chị muốn đưa con về ngoại đón Tết một lần. Thế mà mới hôm trước, má chồng đưa cho chị danh sách những thứ cần mua dịp Tết này, những công việc, thủ tục phải làm. Chị cầm mấy tờ giấy chữ ken đặc, muốn ngất vì mệt.
Chị muốn ngỏ lời với má chồng cho chị về Hải Dương vì bố đẻ mới bị tai biến, tuy tai qua nạn khỏi nhưng sức khoẻ giảm sút rõ rệt. Thế nhưng mỗi lần muốn mở lời, chị lại thôi vì ba má chồng chị khó tính, chị lại là dâu trưởng, sợ là không được phép. Chị tự trách mình, ai bảo lấy chồng xa...
Bỗng nhiên tối nọ, sau bữa cơm, chồng dẫn chị sang phòng ba má thưa: “Thưa ba má, Tết này gia đình con đưa cu Win về bên ngoại. Nhà vợ con có mỗi mụn con gái, bố vợ sức khoẻ yếu rồi, năm nay chúng con về cho ông bà đỡ hiu quạnh. Con đã sắp xếp để vợ chồng chú út năm nay về đón Tết với ba má từ ngày 28”.
Chị nghe mà trào nước mắt vì vui và vì xúc động. Không ngờ chồng có cú “quay xe” vào phút chót. Ba má chồng ngỡ ngàng nhưng không có lý do thuyết phục hơn để từ chối.
Tối đó chị ôm chồng, miệng cứ liên tục cảm ơn. Chị tất bật mua bán, chuẩn bị chu toàn mọi thứ cho ba má chồng và tìm những đặc sản ngon, lạ mua về ăn Tết bên ngoại. Bao nhiêu năm rồi, chị mới lại có cảm giác hân hoan đón Tết.
Nhìn vợ "tay năm tay mười" hơn mọi năm nhưng miệng luôn nở nụ cười, đôi lúc nhè nhẹ cất tiếng hát, anh bỗng thấy có lỗi, thầm hứa từ giờ, Tết sẽ tròn đầy ở cả nhà nội lẫn nhà ngoại.