Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cụ ông Sài Gòn 102 tuổi ngày ngày leo 20 vòng cầu thang, làm việc 10 tiếng

Ở tuổi 102, cụ Tư vẫn tìm đọc tài liệu, viết sách, làm việc trên máy tính 10 giờ mỗi ngày, lên xuống cầu thang 20 vòng nhưng không thấy đau lưng, mờ mắt, mỏi chân.

Cụ Nguyễn Đình Tư (102 tuổi) là nhà báo, nhà văn và nhà nghiên cứu nổi tiếng khi viết hơn 60 cuốn sách về văn hóa, lịch sử, tiểu thuyết và địa ly các vùng miền… Ngoài ra, cụ còn là người đề xuất đặt 1.000 tên đường cho TP.HCM.

Ngày 11/11, cụ được UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) phối hợp với Viện Kỷ lục Việt Nam tặng bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục Việt Nam với nội dung: Nhà nghiên cứu có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền, tỉnh/thành phố Việt Nam với gần 60 tác phẩm đã được xuất bản. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhận bằng khen Xác lập kỷ lục Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi tìm đến nơi ở của cụ Tư nằm sâu trong con hẻm nhỏ, đường đi vào ngoằn nghèo, rộng chỉ 1m. 9h, trong căn phòng rộng khoảng 12m2, trên tầng 3 của căn nhà phố 5 tầng, cụ Tư đang đọc tài liệu để chuẩn bị viết một cuốn sách lịch sử do một vị tiến sĩ đặt.

Ở tuổi 102, cụ ông có mái tóc bạc trắng, nói chuyện minh mẫn, lưu loát, đọc sách không phải dùng đến kính hỗ trợ. Đọc sách đến đâu cụ nhớ đến đó, các đoạn cần lưu ý, cụ dùng bút cẩn thận gạch dưới chân.

Tiếp chúng tôi, cụ Tư cho biết vừa viết xong cuốn tự truyện về cuộc đời mình, hiện con trai thứ tư của cụ đang giúp cha soát lại chính tả rồi sẽ gửi đi duyệt và in. “Mỗi ngày tôi làm việc 10 tiếng, nhưng không thấy đau lưng, mỏi chân hay mỏi mắt. Đi đứng, tôi không phải chống gậy hay cần người dìu gì cả”, nhà nghiên cứu sinh năm 1920 nói về sức khỏe của mình hiện tại.

Mỗi ngày đi cầu thang bộ 20 lần

Bí quyết để có thể làm việc, không bị các bệnh tuổi già như hiện nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết lúc nào cụ cũng nghĩ đến việc có sức khỏe mới làm được mọi chuyện, nếu không có sức khỏe thì chịu. Vì vậy, mỗi ngày, cụ tập thể dục 45-60 phút để rèn luyện sức khỏe. Trước đây, 4h30-5h sáng mỗi ngày, cụ sẽ dậy tập thể dục, ăn sáng, sau đó ngồi vào bàn làm việc. Hiện nay, tuổi đã ngoài 100, sức khỏe yếu hơn, 6h30-7h cụ mới dậy, ra ban công tập thể dục 45 phút.

“Sáng sớm thường sẽ có sương, tôi tuổi đã cao, tập thể dục sớm dễ bị cảm lạnh, viêm phổi, không tốt. Tôi chờ đến khi mặt trời mọc, thời tiết ấm hơn mới dậy tập”, cụ Tư giải thích.

Cụ Nguyễn Đình Tư được con cháu làm lễ mừng thọ mới đây. (Ảnh: NVCC)

Các bài tập của cụ Tư tập trung vào tay, cổ, vai, lưng, hông, đầu gối, cổ chân… Với bài tập cho cổ tay, các ngón tay, khớp tay, cụ Tư sẽ vận động 500 lần. Còn các bài cho cổ, đầu, lưng, đầu gối, chân… cụ sẽ tập 10-30 lần. Mỗi một động tác, cụ tập đến khi thấy hơi mỏi sẽ chuyển sang động tác khác. Theo cụ Tư, người lớn tuổi tập các động tác này để giữ cho các xương khớp không bị tê cứng, hoạt động linh hoạt hơn và cơ thể được giải phóng, không bị các bệnh người tuổi già dễ mắc.

Ngoài ra, để cơ thể tiết nhiều mồ hôi, giải phóng năng lượng, giúp đôi chân chắc khỏe, 18h mỗi ngày cụ Tư đi cầu thang bộ 20 lần, từ tầng 3 xuống tầng trệt rồi làm ngược lại. “Lớn tuổi rồi, đi bộ sẽ tốt hơn leo cầu thang bộ. Tuy nhiên, nhà con trai tôi đang ở, đường đi vào chật hẹp, xe cộ qua lại nhiều, tôi đi bộ sẽ không tốt. Trước đây, tôi leo xuống 20 vòng, leo lên 20 vòng. Bây giờ, tôi giảm xuống còn một nửa thôi”, nhà nghiên cứu quê gốc Nghệ An giải thích.

Đến nay, cụ Nguyễn Đình Tư vẫn ngồi làm việc trên máy vi tính 10 giờ/ngày. (Ảnh: Diệu Thuần)

Ăn đúng giờ, không quá no

Về dinh dưỡng, cụ Tư ăn uống bình thường, không kiêng thực phẩm nào. Tuy nhiên, do tuổi đã cao, sức nhai yếu hơn nên cụ sẽ ăn các món mềm, dễ nuốt, uống thêm sữa được các con gửi về. Cụ cũng luôn đặt ra nguyên tắc ăn đúng bữa và đủ 3 bữa một ngày. 

“Cứ đến giờ ăn tôi mới ăn. Tôi không ăn vặt. Ai cho đồ ăn ngoài giờ, tôi để đến bữa mới mang ra ăn. Hôm nào có đồ ăn vặt, tôi sẽ ăn cơm ít lại. Và trong bữa ăn, các món dù ngon hay dở tôi cũng ăn đúng số lượng mình cần, không ăn quá no hoặc để bụng đói”, cụ Tư chia sẻ.

Một bí quyết giữ sức khỏe khác mà cụ Tư áp dụng là luôn giữ tinh thần lạc quan, làm việc tích cực, không nghĩ đến các chuyện tiêu cực. Nhờ vậy mấy chục năm qua, lúc nào cụ cũng khỏe mạnh, ít phải uống thuốc. Hiện cụ chỉ có một nhược điểm là đôi tai nghe kém, ai nói chuyện với cụ phải nói lớn, nói rõ. Để không làm phật lòng người nói chuyện với mình, mỗi khi nhà có khách, cụ sẽ nhờ con trai ngồi bên cạnh nhắc lại những gì mình không nghe được.

Về đôi mắt, cụ Tư kể, khoảng 40 năm trước, cụ bị đục thủy tinh thể nên phải mổ cả hai mắt. Tuy nhiên, hiện nay mắt cụ sáng, nhìn rõ, đọc sách, làm việc trên máy tính không phải đeo kính.

Ở tuổi 102, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn khỏe mạnh, trí nhớ tốt, tự chăm sóc mình. (Ảnh: Diệu Thuần)

Người con trai thứ tư của cụ Tư cho biết, trước đây cụ ở với vợ chồng em trai, nhà ở quận 3. Khi vợ chồng em trai sang Mỹ định cư, vợ chồng ông đón cha về sống cùng. “Đến nay, cha đã sống với vợ chồng tôi được hơn 5 năm. Suốt thời gian qua, từ tắm rửa, ăn uống, giặt áo quần, cha đều tự làm hết. Những chuyện từ ngày còn đi học đến giờ, cha vẫn nhớ từng chi tiết, nó diễn ra ở đâu, ra sao. Những người bạn, người làm việc của cha giờ ở đâu, làm việc gì, bao nhiêu tuổi… cha vẫn nhớ”, con trai cụ Tư chia sẻ. 

Người con kể thêm, mỗi ngày cụ Tư làm việc đến 22h mới đi ngủ. Ban ngày, vợ chồng ông sẽ luôn quan sát cha còn ban đêm, để phòng những chuyện bắt trắc xảy ra, vợ chồng ông lắp một chiếc chuông báo ở đâu giường cha, dặn khi nào có chuyện gì hãy bấm chuông cho con cháu biết. “Ba tôi vẫn còn minh mẫn lắm, nhưng chúng tôi cẩn thận vẫn hơn”, con trai cụ Tư nói.

Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam

Tin mới