Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cụ ông mang thân phận tử tù 44 năm chia tiền bồi thường oan sai thế nào?

Sau khi nhận 6,7 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai, ông Trần Văn Thêm đồng ý chia cho người đại diện theo ủy quyền 40% và mỗi con trai 500 triệu đồng.

Ngày 9/7, Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết vừa làm việc với ông Trần Văn Thêm (82 tuổi, người phải mang thân phận tử tù hơn 40 năm) và con trai của ông này để làm rõ việc người con cho rằng bố bị chiếm đoạt tài sản. Công an sẽ tiếp tục làm việc với những người liên quan khác để làm rõ sự việc.

Ông Thêm cho biết TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hoàn tất chi trả bồi thường hơn 6,7 tỷ đồng, trong số này có khoản bồi thường cho hơn 2.000 ngày ông bị giam và thụ án ở trại Phủ Đức cùng hơn 14.500 ngày được tại ngoại nhưng chưa được minh oan. 

Ông Trần Văn Thêm. (Ảnh: Phạm Dự)

Tháng 3/2018, ông Thêm được ông Nguyễn Văn Hoà (người đại diện theo ủy quyền) gọi ra Hà Nội nhận tiền bồi thường. Trước đó, 6,7 tỷ đồng đã được TAND Cấp cao tại Hà Nội chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Hòa theo giấy ủy quyền.

Theo thỏa thuận trước đó, do ông Hòa đồng hành kêu oan cùng mình trong nhiều năm, ông Thêm đồng ý cho ông Hòa hưởng 40%. "Đây là khoản trả cho công sức và sự tâm huyết của ông ấy", ông lão 82 tuổi nói. 

Trước sự chứng kiến của hai cháu trai, ông được người đại diện làm giúp 6 cuốn sổ tiết kiệm mang tên ông, mỗi sổ trị giá 500 triệu đồng. Ông nhận 6 sổ này và 500 triệu đồng tiền mặt.

Để "trả ơn" người cháu họ tên Được giúp đỡ trong nhiều năm đi kêu oan, ông Thêm tặng một sổ và 400 triệu đồng. Một sổ ông gửi ông Hòa giữ hộ để lo các chi phí khác, trong đó có tiền thuế.

Ông cầm bốn cuốn sổ tiết kiệm và 100 triệu đồng tiền mặt về nhà chia cho hai con trai và bốn gái. Con trai được sổ 500 triệu đồng, con gái được 200 triệu đồng.

Bà Trần Thị Xuân (con gái ông Thêm) cho hay gia đình không hay biết về khoản bồi thường 6,7 tỷ đồng cho đến khi báo chí thông tin. Khoảng tháng 3/2018, bà chỉ biết bố nhận được tiền bồi thường nên về chia cho các con trang trải cuộc sống.

"Bố tôi có quyền cho ai đó tiền song với danh nghĩa là con, gia đình chúng tôi đề nghị phải minh bạch toàn bộ tiền trên", bà Xuân nói. 

Con trai út của ông Thêm vào đầu tháng 7 có đơn tố cáo gửi Công an huyện Yên Phong cho rằng Nhà nước đã bồi thường đầy đủ song bố bị một số người chiếm đoạt tiền, "mang về nhà chỉ còn 2,1 tỷ đồng".

Ông Thêm cho biết sau khi được minh oan và xin lỗi, ông đã dốc sức trong những cuộc thương lượng bồi thường. Ở tuổi "gần đất xa trời", nhiều lúc ông lo không được nhận tiền bồi thường trước khi nhắm mắt xuôi tay. "Có những thứ mất đi không bao giờ lấy lại được, bồi thường bao nhiêu cũng không đủ. Nhưng tôi rất vui vì thấy được Nhà nước trân trọng, đã bồi thường", ông nói.

Sau khi nhận tiền, ông gặp một vài rắc rối khi nhiều người đến tận nhà để "xin". Họ nói đã gửi đơn giúp đi nhiều nơi để rồi ông mới được minh oan và bồi thường. "Tôi không tiếc và cũng không bao giờ quên những người đã giúp đỡ mình dù là nhỏ nhất. Nhưng thực sự rất buồn và thấy phiền khi một số người đến nhận công", ông kể.

Ông Thêm vướng lao lý từ chuyến đi buôn năm 1970 với người em họ Nguyễn Khắc Văn. Hai người bị cướp khi đang ngủ qua đêm tại căn lều cạnh Cầu Diện (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú), ông Văn bị đánh tử vong.

Từ nạn nhân, ông Thêm thành thủ phạm khi cơ quan điều tra cho rằng ông đã dàn dựng vụ cướp và giết em họ. Khi đưa ra xét xử, TAND tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ) nhận định ông Thêm tự ngụy tạo vết thương trên đầu để che giấu hành vi. Tại hai cấp xét xử, ông liên tục kêu oan nhưng đều bị kết án tử hình về tội Giết người, Cướp tài sản.

Thời gian ở tù, có lần cùng phạm nhân khác phá xà lim để vượt ngục nhưng ông quyết định quay lại ngay vì không muốn sống chui lủi khi đang bị oan. Một ngày, ông xin được mẩu giấy nhưng lại không có bút nên đã cắn đầu ngón tay để lấy máu viết thư kêu oan gửi về gia đình để tìm cách chuyển đi các cơ quan có thẩm quyền. Đây là lần gửi duy nhất của ông trong thời gian ở trong tù.

Đầu năm 1976, do hung thủ vụ án ra đầu thú, ông được trả tự do. Sau 5 năm 6 tháng 7 ngày ngồi tù, ông trở về nhà.

Ngày 8/8/2016, TAND Tối cao xác định ông Thêm không thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra bị can. Ba ngày sau, tòa án công khai xin lỗi ông.

Nguồn: VnExpress

Tin mới