Video: Cụ ông 93 tuổi đạp xích lô kiếm sống, đau đáu giúp người khổ hơn mình
Mỗi buổi tối, trên các con đường Nguyễn Văn Linh, Dương Bá Trạc thuộc quận 8 và huyện Bình Chánh (TP.HCM), ông Nguyễn Văn Hai vẫn cọc cạch kiếm sống cùng chiếc xích lô cũ. Dáng người khắc khổ, gương mặt nhăn nheo in hằn dấu vết thời gian, ít người biết ông Hai đã 93 tuổi.
93 tuổi vẫn đạp xích lô kiếm sống
Ông Hai sinh năm 1930, quê ở Tiền Giang. Mấy chục năm trước, ông lên Sài Gòn kiếm sống rồi đem lòng yêu thương một người phụ nữ. Về sau, hai người ở cùng nhau như vợ chồng. Khi tuổi già ập đến, bà cụ qua đời, để lại ông với sự cô đơn trống trải.
Chiếc xích lô cũ nát chính là "cần câu cơm" mỗi ngày của ông Hai.
Cuộc trò chuyện cùng ông Hai lẫn lộn giữa những dòng ký ức, khi thì ông rành rọt nhắc từng mốc thời gian gắn với biến động cuộc đời, lúc lại quên bẵng mình từng ở đâu, sống với ai. Nhưng tuyệt nhiên, mỗi lần kể về vợ, ánh mắt ông Hai lại ánh lên sự yêu thương.
“Mười mấy năm trước bà đã qua đời, bỏ lại mình tôi bơ vơ. Tôi từng có căn nhà nhỏ, sau khi vợ mất thì bán để lo liệu một số thứ. Từ đó đến nay tôi thuê phòng trọ sống qua ngày”, ông Hai kể. Trong mắt ông Hai, vợ luôn là người đẹp nhất. Nhiều lúc nhớ vợ hay tủi thân phận nghèo, ông chỉ biết nhìn ngắm dáng hình bà trong tấm ảnh cũ đã được ép nhựa thẳng tinh tơm.
Trước đây ông Hai thuê trọ ở khu Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Hiện tại, ông chuyển đến ấp 5A (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) sống một mình. Cả tiền thuê trọ, tiền điện nước và những chi phí lặt vặt, mỗi tháng ông Hai phải trả hơn 2 triệu đồng.
Từ 17h mỗi ngày, ông Hai đẩy chiếc xích lô ra đường để đi chở thuê. Ông không có mối hàng nào nhất định, cứ lóc cóc đẩy xe, ai thuê gì thì làm nấy. Thấy ông già yếu chân tay run rẩy, người dân sống lân cận thỉnh thoảng nhờ chở nước đá hoặc vài thứ linh tinh. Có lúc ông kiếm được 50 ngàn đồng, có khi được 100 ngàn nhưng cũng có lắm buổi rong ruổi đến đêm khuya mà chẳng kiếm được tiền.
Chiều về, ông Hai lủi thủi đạp xích lô rong ruổi khắp các tuyến đường để mưu sinh.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, cụ ông 93 tuổi vẫn lủi thủi đi về trong hẻm nhỏ. Có nhiều đêm đạp xe về phòng lúc 1h - 2h sáng, cả người ông lạnh cóng đến mức muốn ngất đi. Hỏi ông Hai vì sao lại đi làm tầm xế chiều đến gần sáng, cụ ông buồn bã kể:
“Nhìn tôi già yếu thế này đâu còn mấy người thuê xích lô chở hàng. Độ tầm 10 năm trước thì còn có mối, bây giờ hầu như chẳng có ai thuê. Buổi tối, tôi cứ đạp xích lô khắp các con đường để xin cơm của những đoàn từ thiện, nếu may mắn được cho tiền thì tôi mang về bỏ ống heo để đóng tiền phòng trọ”.
Ông Hai bảo nếu có tiền thì ăn tạm hủ tíu gõ đầu hẻm, khi đói quá lại xin cơm từ thiện hoặc mua mì gói về nấu. Nhịn đói hay rau cháo qua ngày gì cũng được, ông chỉ sống để chờ đến lúc mất đi.
“Ban ngày tôi nhịn đói, chờ đến đêm đạp xích lô ra đường, ai cho gì ăn nấy. Tôi đã già quá rồi, anh em, bà con họ hàng cũng không còn nữa, chẳng biết đến khi nào mình chết. Bây giờ, tôi sống để chờ đến ngày đoàn tụ cùng bà”, ông Hai thản nhiên nói về cuộc đời mình.
Nhặt chai nhựa, bao ni lông để cho người “khó khăn” hơn mình
Ông Hai tự nhận mình là cụ già gắn liền với rác. Bởi đi đến nơi nào, cứ thấy bao ni lông hoặc chai nhựa vứt bên đường là ông lại nhặt về cất ở trong phòng. Ông cố gắng thuê phòng trọ rộng cũng chỉ vì muốn có chỗ chứa “đống rác” này.
Nhiều lúc, “đống rác” bốc mùi, khiến hàng xóm xung quanh nhắc nhở là nên vứt bớt đi. Nhưng ông Hai vẫn cứ im lặng không nói gì, lý do là bởi ông muốn tặng lại cho “những người khốn khó” để họ bán lấy tiền.
“Tôi hay nhặt những thứ bỏ đi, lâu lâu thấy cháu nhỏ hoặc cô chú nào nhặt ve chai thì tôi cho lại họ. Số tôi khổ nhưng nhiều người còn khổ hơn. Ít ra bây giờ tôi vẫn còn có chiếc xích lô bầu bạn”, ông Hai nói.
Ông Hai sống một mình trong căn phòng trọ nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (thuộc huyện Bình Chánh).
Ở tuổi 93, đáng lẽ ra ông Hai phải được sống cùng con cháu, nhưng cuộc đời đưa đẩy khiến ông rơi vào cảnh hiu quạnh trong những năm tháng cuối đời. Cứ khi nào hỏi về con trai, ông lại buồn bã tránh đi. Hàng xóm sống xung quanh nói từ ngày ông Hai chuyển trọ đến đã gần 2 tháng, không thấy ai đến thăm.
Ban ngày, ông Hai ngồi 1 mình trong căn phòng chứa đầy bao ni lông và chai nhựa, cứ đến chiều tối là ông lại đạp xích lô ra đường, phần để xin cơm từ thiện, phần để nhìn ngắm người qua lại cho bớt đi cảm giác tủi thân. Khi nhớ - khi lại quên, ông Hai đôi lúc không biết mình nhặt những thứ bỏ đi từ lúc nào. Những việc ông làm chỉ như một thói quen, ông cứ để dành ở đấy, ai xin thì cho dù chính bản thân vẫn đang ở trong hoàn cảnh bữa đói bữa no, cô đơn không có ai chăm sóc.
Đi qua nhiều nỗi buồn, ông Hai không còn nghĩ quá nhiều đến những khốn khó mà mình đang đối mặt. Cứ khi nào có cơ hội, ông cũng nhắc đến chuyện san sẻ, giúp đỡ người “khó khăn hơn mình”.
“Tôi muốn trả ơn cuộc đời này, sống đến 93 tuổi đã là quá đủ. Tôi không có mong ước gì to tát, chỉ chờ đợi được về quê ở Gò Công Đông, Tiền Giang. Tôi không muốn đến lúc qua đời mà vẫn tha hương”, ông Hai nói.
Hình ảnh ông Hai lủi thủi đạp xích lô mưu sinh trong đêm mưa.
Ông Nguyễn Văn Quý, tổ trưởng ở ấp 5A xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cho biết ông Nguyễn Văn Hai mới chuyển đến thuê phòng trọ tại địa phương khoảng 2 tháng. Ông sống một mình, làm nghề đạp xích lô kiếm sống nhưng rất ế ẩm bởi tuổi cao sức yếu, không có nhiều người dám thuê ông chở hàng.
Lúc ông Hai mới dọn đến, ông Quý từng hỗ trợ ông Hai tìm phòng trọ. Hằng ngày, hàng xóm vẫn thấy ông Hai đạp xích lô ra đường, đến tận đêm khuya lại về.