432 Park Avenue cao 425,5m gồm 88 tầng với 125 căn hộ do CIM Group và Harry B. Macklowe làm chủ đầu tư (CĐT). Mặc dù là tòa tháp dân cư cao thứ ba thế giới (tính đến năm 2020), nơi nhiều căn hộ được rao bán với giá đắt nhất New York - 90 triệu USD nhưng lại liên tục bị các cư dân siêu giàu gửi đơn kiện vì tình trạng xuống cấp, hư hỏng.
432 Park Avenue xây dựng năm 2012 và hoàn thiện vào cuối năm 2015, có giá trị bán ra ước tính lên tới 3,1 tỷ USD.
Cụ thể mới đây, các thành viên của Hội đồng quản trị (HĐQT) tòa tháp 432 Park Avenue đã gửi đơn kiện lên Tòa án Tối cao New York yêu cầu CĐT phải bồi thường 250 triệu USD vì các sai sót trong thiết kế và xây dựng tòa nhà, dẫn đến tình trạng thấm nước, chập điện, tiếng ồn, rung lắc, lỗi thang máy và liên tục trở thành chủ đề của sự chỉ trích trên báo chí và phương tiện truyền thông xã hội,...
"Tòa tháp này là một trong những ví dụ tồi tệ nhất về sự bất cẩn của nhà phát triển trong việc xây dựng một chung cư cao cấp trong lịch sử của thành phố New York”, đơn kiện nêu.
250 triệu USD là số tiền sẽ được dùng để sửa chữa khoảng 1.500 lỗi trong quá trình xây dựng (các lỗi được xác định bởi một công ty kỹ thuật do HĐQT thuê). "Việc phát hiện những lỗi xây dựng trong tòa tháp giống như bóc vỏ một củ hành tây, càng bóc càng cay và càng phát hiện ra lỗi", Jonathan Adelsberg, đại diện HĐQT nói.
Được biết, năm 2016, Juan Beckmann Vidal, tỷ phú rượu Tequila ký hợp đồng trị giá 46,25 triệu USD để mua căn hộ ở tầng 86 nhưng sau đó chứng kiến tình trạng ngập nước của căn hộ, Vidal đã từ bỏ việc trở thành cư dân và yêu cầu CĐT trả lại khoản tiền đặt cọc 11,56 triệu USD. Nhưng CĐT đã từ chối yêu cầu của Vidal khiến ông phải đệ đơn kiện và vụ việc được giải quyết lặng lẽ một năm sau đó.
Đến cuối tháng 11 năm 2018, một vòng đệm kết nối đường ống nước bị vỡ lại gây ra “lũ lụt” trong tòa nhà. Nước thấm vào các căn hộ gây thiệt hại nặng nề, buộc 2 trong số 4 thang máy của khu dân cư phải ngừng hoạt động trong nhiều tuần.
Ngoài 250 triệu USD, HĐQT cũng yêu cầu CĐT phải chi trả phí thuê luật sư và các khoản bồi thường thiệt hại khác.
Nhiều cư dân phàn nàn rằng họ thường xuyên bị mắc kẹt trong thang máy hàng giờ. Tòa nhà hay xảy ra các vụ nổ điện do đơn vị thi công không "đánh dấu vị trí của hệ thống dây điện được chôn trong bê tông" trong tòa nhà. Các vết nứt trên vách thạch cao của trần, cửa ra vào, nơi tường tiếp xúc với trần nhà xuất hiện ngày càng rõ. Tiếng vách ngăn bằng kim loại giữa các bức tường kêu khi tòa nhà lắc lư khiến những cư dân sống ở các tầng trên cùng sợ hãi.
Năm 2020, Eduard Slinin, một cư dân được bầu vào HĐQT cho biết chi phí bảo trì đã tăng khoảng 300% trong hai năm và sự cố liên quan đến nước vào năm 2018 khiến tòa nhà tiêu tốn 9,7 triệu USD để sửa chữa. Nhưng Slinin từ chối trả lời khi được DailyMail.com tiếp cận.
Trước những cáo buộc của cư dân, CĐT cho biết: "Mỗi cam kết và điều khoản trong tòa tháp 432 đều được coi trọng. Các hạng mục bảo trì đã phải tạm ngưng bởi sự cản trở của Hội đồng quản trị tòa tháp”, đại diện CĐT nói.
Nhiều người cho rằng không chỉ 432 Park Avenue mà còn rất nhiều tòa tháp chọc trời xây dựng đã lâu khác cũng đang gặp phải các vấn đề về việc bảo trì kém chất lượng khiến cư dân vô cùng bất tiện. Tuy nhiên, đối diện với vấn đề của tòa nhà các CĐT lại đùn đẩy hoặc né trách nhiệm khiến cư dân và CĐT thường xảy ra các cuộc chiến pháp lý kéo dài trong khi những vấn đề bất cập của tòa nhà vẫn liên tục xảy ra.