Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

CSGT TP.HCM xử lý xe 'thây ma': Người lao động tìm cách lách, lo sợ mất xe

(VTC News) -

Dù biết vi phạm khi lái những chiếc xe "thây ma" ra đường mưu sinh, nhưng do hoàn cảnh, nhiều người lao động tìm cách lách luật, né tránh CSGT.

Những ngày qua, CSGT TP.HCM ra quân kiểm tra, xử lý xe cũ nát, xe tự chế… trên nhiều tuyến đường khiến nhiều người quan tâm.

Từ 20 - 21/3, PV VTC News khảo sát tại một số khu lao động, nhiều người bán hàng lái xe cũ nát thấp thỏm, lo lắng không yên vì sợ mất đi phương tiện làm ăn duy nhất nếu bị CSGT xử phạt, thu giữ. Không ít trong số đó tìm cách lách luật, tránh CSGT bằng việc đi làm sớm hơn.

Đi làm từ 2h sáng để tránh CSGT bắt xe

Chiếc xe cũ của anh Thắng mua lại để mưu sinh và làm phương tiện đi lại cho cả gia đình. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Anh Nguyễn Văn Thắng (37 tuổi, ngụ Quận 8) hàng ngày bán bắp trên Quốc lộ 50, đoạn qua huyện Bình Chánh để nuôi vợ và 3 con nhỏ. Anh Thắng hiện đang thuê phòng trọ, kinh tế gia đình phụ thuộc vào những chuyến xe bán bắp cà tàng này.

Chỉ vào chiếc xe cũ nát đang chở bắp của mình, anh Thắng bày tỏ lo lắng vì mấy ngày qua nghe thông tin báo đài nói về việc CSGT TP.HCM ra quân xử lý xe cũ nát. Chiếc xe này vừa là phương tiện làm ăn, vừa đưa đón con đi học nếu bị CSGT thu giữ anh không biết phải làm thế nào. 

Anh Thắng cho biết, để tránh CSGT mỗi ngày anh phải đi chở bắp từ 2h sáng. (Ảnh: Khuất Nguyên)

“Cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, tôi là trụ cột chính của cả nhà. Nhà 5 miệng ăn đều trông cậy vào mỗi chiếc xe cũ chở bắp. Trước đây tôi thường chở bắp vào lúc 5h sáng từ huyện Hóc Môn đến Bình Chánh để bán cho người dân ven đường. Từ khi nghe tin CSGT xử phạt tôi sợ bị bắt nên phải dậy sớm đi chở bắp lúc 2h sáng”, anh Thắng nói.

Phần đầu chiếc xe máy cũ của anh Thắng vỡ nát, phải "băng bó" bằng băng dính. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Trước đây anh Thắng làm công nhân, nhưng từ khi vợ sinh con thứ 3 thì không đủ tiền lo cho gia đình. Sau đó, anh Thắng vay mượn người quen 4 triệu đồng mua chiếc xe cũ nát để mưu sinh và làm phương tiện đi lại cho cả nhà. “Chiếc xe này là một trong những tài sản lớn nhất mà gia đình tôi có lúc này”, anh Thắng nói trong hoang mang.

Giống với anh Thắng, chị Trần Thị Nguyên (36 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) không giấu nổi xúc động khi được hỏi về chuyện lái chiếc xe cũ nát chở ve chai, giấy vụn của mình. 

 Chị Nguyên cho biết chưa bao giờ thấy lo lắng bị thu giữ xe như bây giờ. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Dù mới sinh con không lâu, nhưng chị Nguyên vẫn bất chấp nắng mưa để làm công việc nặng nhọc là thu mua ve chai trên các tuyến đường ở Quận 8 và huyện Bình Chánh.

Đưa tay chỉ sang chiếc xe máy cũ chở đầy giấy đang dựng bên đường, chị Nguyên kể: “Bây giờ đi làm mình toàn tránh những khu vực CSGT hay đứng vì sợ chiếc xe bị thu giữ thì không còn công việc làm ăn. Vợ chồng mình thu mua giấy vụn, ve chai đã được vài năm, thế nhưng chưa bao giờ lo lắng như lúc này”.

Vì nghèo nên đành vậy!

Trong câu chuyện với PV VTC News, nhiều người bán hàng đều biết rõ việc lái xe cũ nát, không đèn, không giấy tờ… là vi phạm an toàn giao thông. Tuy nhiên, vì nghèo họ bất chấp nguy hiểm để ngày đêm rong ruổi mưu sinh. Mỗi một chiếc xe cũ nát chở hàng cồng kềnh, khiến người đi đường ngán ngẩm là một câu chuyện về cái nghèo ẩn khuất đằng sau đó.

Ông Phương dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày vẫn chạy xe ôm để kiếm tiền nuôi gia đình. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Ngồi trên chiếc xe máy cà tàng, ông Lê Văn Phương (78 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) kể hằng ngày vẫn lái xe ôm kiếm tiền nuôi gia đình. Dù được người xung quanh nhắc nhở chạy xe cũ nát sẽ bị CSGT xử phạt, ông Phương vẫn ngậm ngùi im lặng vì nghề lái xe ôm đang nuôi sống cả nhà ông.

“Tôi biết chạy xe cũ không an toàn, nhưng nghèo quá thì biết làm sao. Cũng muốn mua xe máy mới chạy với người ta, mà không có tiền nên đành chấp nhận, nếu bị bắt thì đóng phạt, rồi chạy tiếp. Khi nào có tiền mua xe mới hẵng hay, còn bây giờ chạy được ngày nào hay ngày đó”, ông Phương cho biết.

Tại khu vực Bến Mễ Cóc (Quận 8), nhiều người lao động vẫn đang chở hàng bằng xe máy cũ nát, xe tự chế. Anh Trần Thái Ngọc (27 tuổi, ngụ Quận 4) chỉ cho PV VTC News xem chiếc xe không biển số, không còi, không đèn đang dựng kế bên sạp bán gà nướng. Anh Ngọc hiện đang bán hàng thuê cho chủ nên được cấp 1 chiếc xe máy cũ để thuận tiện chở hàng. Đọc báo thấy tin cơ quan chức năng tăng cường xử lý xe "thây ma", anh Ngọc cứ đứng ngồi không yên. 

Anh Ngọc làm thuê cho chủ cửa hàng bán thịt gà nướng nên được cấp 1 chiếc xe cũ nát để chở hàng. (Ảnh: Khuất Nguyên)

"Dù biết việc chạy xe như thế này không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, nhưng tôi không dám đòi hỏi vì có việc làm là may mắn lắm rồi. Chiếc xe tôi đang chạy nếu bị CSGT bắt thì chỉ có bỏ lại xe, chứ tiền đóng phạt còn nhiều hơn tiền mua mới”, anh Ngọc nói.

Anh Ngọc cũng hy vọng sẽ có sự hỗ trợ nào đó cho người lao động nghèo khi những chiếc xe cũ nát bị tịch thu, bởi không chỉ riêng anh mà đa phần người dân sử dụng loại xe này đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. "Tôi ủng hộ việc CSGT xử lý xe máy cũ, nhưng tôi cũng mong được vay vốn với lãi suất thấp để mua xe mới chạy cho an toàn”, anh Ngọc bày tỏ.

Chiếc xe không biển số, không đèn, không giấy tờ của anh Ngọc. (Ảnh: Khuất Nguyên)

Như VTC News đưa tin, từ ngày 15/3, CSGT TP.HCM tăng cường lực lượng ra quân xử lý người sử dụng xe cơ giới cũ nát, xe tự chế, xe cà tàng lưu thông trên đường cho đến hết ngày 14/6.

Việc tăng cường, nỗ lực xử lý xe "thây ma" là việc làm hoàn toàn đúng đắn, bởi nó sẽ giúp giảm bớt hệ quả tiêu cực về an toàn giao thông, mất mỹ quan thành phố hay ô nhiễm khí thải. Tuy nhiên, để người lao động nghèo bớt đi phần nào lo âu trong cuộc sống mưu sinh, cần có những hành động hỗ trợ tích cực, hợp lý hợp tình. Xử lý xe cũ nát nhưng vẫn không làm mất hết phương tiện làm ăn là điều mà nhiều người lao động nghèo mong muốn lúc này.

KHUẤT NGUYÊN

Tin mới