Sáng 29/5, Tổng Cục Thống kê báo cáo tình tình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024. Báo cáo cho thấy, so với tháng trước, chỉ số CPI tháng 5/2024 tăng 0,05%. So với tháng 12/2023 CPI tháng năm tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,05% của CPI tháng 5/2024 so với tháng trước, có 07 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 03 nhóm hàng giảm giá và 01 nhóm hàng ổn định giá.
7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (0,38%); nhà ở và vật liệu xây dựng (0,38%), đồ uống và thuốc lá (0,14%), thiết bị và đồ dùng gia đình (0,12%), thuốc và dịch vụ y tế (+0,01%), văn hóa, giải trí và du lịch (0,31%), hàng hóa và dịch vụ khác (0,2%).
3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: bưu chính, viễn thông (0,09%), giáo dục (0,25%), giao thông (1,73%).
CPI tháng 5 tăng 0,05% so với tháng trước. (Ảnh minh họa)
Riêng nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giữ mức giá ổn định do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm đầu mùa hè.
Giá vàng trong nước cùng chiều với giá vàng thế giới. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2024 tăng 3,81% so với tháng trước; tăng 21,47% so với tháng 12/2023; tăng 32,18% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 22,95%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2024 tăng 1,15% so với tháng trước; tăng 4,21% so với tháng 12/2023; tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 5,24%.
Lạm phát cơ bản tháng 5/2024 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.