Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

COVID-19 còn lâu mới chấm dứt?

(VTC News) -

Khi nhiều người bắt đầu tin COVID-19 đã là quá khứ, hàng loạt các quốc gia ghi nhận sự gia tăng đột biến các ca nhiễm biến thể phụ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Tại châu Á, giới chức nhiều quốc gia cảnh báo người dân thận trọng để ngăn dịch bệnh lây lan. Các ca nhiễm mới, chủ yếu là biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đang đặt ra thách thức với hệ thống y tế của nhiều nước. 

Phát biểu tại họp báo hôm 14/6, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết hiện tại dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron đã lây lan nhanh trên khắp các địa phương trong cả nước.

Ngày 16/7, Nhật Bản ghi nhận hơn 110.000 ca mới COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh nước này đang phải chật vật ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 7. 

Theo giới chuyên gia Nhật Bản, do chưa dự đoán được thời điểm đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm lần này nên số ca tử vong và số ca bệnh nặng sẽ tiếp tục tăng lên.

Chính quyền thủ đô Tokyo tuần trước nâng cảnh báo lên mức cao nhất và triệu tập cuộc họp của nhóm đặc trách chống COVID-19 để quyết định các biện pháp ứng phó.

Nhật Bản gần đây nổi lên như điểm nóng dịch của châu Á. (Ảnh: Kyodo News)

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới trong ngày 16/7 ở Hàn Quốc lên đến hơn 41.000 ca - con số kỷ lục trong 2 tháng qua. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức 20.286 ca ghi nhận trước đó một tuần.

Chính phủ và các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm mới theo ngày của nước này sẽ lên tới 200.000 ca vào giữa tháng 8 và cuối tháng 9. 

KDCA cảnh báo Hàn Quốc đang bước vào làn sóng dịch COVID-19 mới, chấm dứt xu hướng giảm từ mức đỉnh hơn 620.000 ca vào giữa tháng 3 và số ca mắc mới dự báo có thể tăng lên hơn 200.000 ca vào tháng 8 tới.

Theo KDCA, biến thể phụ BA.5 chiếm 35% tổng số ca mắc mới COVID-19 của nước này vào tuần trước, tăng từ mức 28,2% một tuần trước đó. BA.5 được biết là dễ lây lan hơn và có khả năng thoát miễn dịch tốt hơn so với các phiên bản trước đó.

Diễn biến này khiến giới chức Hàn Quốc quyết định mở rộng việc tiêm mũi tăng cường. Dù vậy, nước này vẫn không có kế hoạch tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Ông Supakit Sirilak - người đứng đầu cơ quan y tế Thái Lan tuần trước cho biết số ca nhiễm 2 biến thể phụ mới đã tăng đều đặn ở thủ đô Bangkok trong 4 tuần qua, từ 12% lên 50%, lên 68% và 72% số ca được giải trình tự gien.

"Hầu hết các ca bệnh ở Bangkok nhiễm BA.4 và BA.5, giống như các ca bệnh nhập cảnh", ông Supakit nói.

Ngoài Bangkok, tỷ lệ nhiễm BA.4 và BA.5 cũng đang tăng dần ở các tỉnh khác theo tuần.

"Làn sóng BA.4 và BA.5 đang từ từ vượt qua BA.1 và BA.2. Hai biến thể BA.4 và BA.5 phổ biến hơn ở Bangkok so với các tỉnh khác. Tuy nhiên làn sóng này sẽ dần dần lan rộng từ Bangkok sang các khu vực còn lại", ông Supakit cho hay. 

Tuần trước, Trưởng nhóm chuyên trách thuộc Hiệp hội Y tế Indonesia (IDI), Giáo sư Zubairi Djoerban, nhận định quốc gia Đông Nam Á này đang bước vào đợt lây lan dịch COVID-19 thứ tư.

Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trở lại, Indonesia tái áp đặt quy định đeo khẩu trang tại các không gian trong nhà lẫn ngoài trời.

Nhà chức trách Indonesia kêu gọi người dân nhận thức rõ tình hình hiện tại, đồng thời nhấn mạnh việc tuân thủ tốt quy định phòng chống dịch là một trong những biện pháp quan trọng để đối phó với làn sóng dịch thứ 4 tại nước này.

Tại Philippines, dù số ca nhiễm mới và nhập viện vẫn ở mức thấp, chính phủ nước này cảnh báo số ca có thể tăng ít nhất 20 lần vào cuối tháng này. Giới chức Philippines kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường khi các dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy tính đến ngày 12/7, chỉ có 25% người trưởng thành đáp ứng đủ các tiêu chí đã tiêm mũi tăng cường thứ nhất.

Ấn Độ hôm 17/7 thông báo ghi nhận 20.528 người nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trong 24 giờ, cao nhất kể từ ngày 20/2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Á lên hơn 43,75 triệu trường hợp, cao thứ hai thế giới sau Mỹ.

Một điểm xét nghiệm tại Ấn Độ. (Ảnh: NDTV)

Đây cũng là ngày thứ tư liên tiếp số ca mắc mới ở Ấn Độ vượt 20.000 ca/ngày. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 ở Ấn Độ cũng tăng lên 525.709 người, khi thêm 49 trường hợp thiệt mạng trong 24 giờ qua.

Tỷ lệ xét nghiệm dương tính hàng ngày hiện ở mức 5,23%, trong khi tỷ lệ dương tính trung bình tuần là 4,55%. 

Số ca mắc mới COVID-19 cũng đang tăng mạnh ở thủ đô Moskva của Nga trong tuần vừa qua, chủ yếu do lây nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Do biến thể phụ BA.4 và BA.5 lây lan nhanh hơn, nhà chức trách địa phương khuyến nghị người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng để phòng ngừa.

Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Australia đang tiếp tục tăng. Ngày 16/7, nước này ghi nhận thêm 43.000 ca mắc COVID-19. Con số này vào ngày 17/7 là 37.899 trường hợp. Đáng chú ý, số ca mắc mới gia tăng với tốc độ nhanh, số lượng người nhập viện cũng tăng. Hai dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron đang chiếm ưu thế trong đợt bùng phát này.

Giới chuyên gia y tế cảnh báo, làn sóng dịch mới tại Australia có thể đạt đỉnh vào tháng 8 tới. Để ứng phó, giới chức Australia tiếp tục kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường, đeo khẩu trang ở nơi đông người.

Trong những tuần gần đây, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao trở lại, chủ yếu liên quan đến các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu, số người cần chăm sóc đặc biệt đang tăng lên thời gian qua. Cơ quan này cũng cảnh báo một làn sóng dịch bệnh khác đang bắt đầu.

Anh trở thành điểm nóng dịch ở châu Âu với tỷ lệ nhiễm bệnh tăng thêm gần 30% so với tuần trước đó. 

Ước tính cứ 19 người Anh thì có 1 người dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tuần tính đến ngày 6/7 và tỷ lệ đang tăng dần.

Ngày 12/7, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi tất cả những người trên 60 tuổi tiêm mũi tăng cường thứ 2 của vaccine ngừa COVID-19. Trước đó, EU cho rằng mũi tiêm này chỉ cần thiết cho những người trên 80 tuổi và những người dễ bị tổn thương nhất.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết biến thể BA.5 chiếm khoảng 65% các nhiễm mới tại nước này. Theo ước tính của Bloomberg, Mỹ có thể ghi nhận số ca nhiễm lên tới 600.000 ca mỗi ngày thời gian tới. 

Tuần trước, Los Angeles phải nâng mức cảnh báo COVID-19 cao nhất trong khi New York ghi nhận tỷ lệ dương tính cao nhất kể từ tháng 1. 

Nhiều bang cảnh báo có thể áp dụng trở lại quy định đeo khẩu trang tại các không gian kín nếu số ca tiếp tục tăng mạnh. 

Chưa có dấu hiệu chấm dứt

Hôm 12/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch COVID-19 "chưa có dấu hiệu chấm dứt", đồng thời bày tỏ lo ngại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang "tự do lưu hành" trên thế giới.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AP)

"Các làn sóng mới cho thấy một lần nữa dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc. Virus SARS-CoV-2 đang tự do lưu hành và các nước không quản lý tốt gánh nặng bệnh tật dựa trên năng lực của các nước, cả về tình trạng nhập viện đối với các ca bệnh nghiêm trọng và ngày càng nhiều người mắc hội chứng hậu COVID", ông Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo. 

Ông Ghebreyesus cũng bày tỏ lo ngại về số ca mắc COVID-19 ngày một gia tăng, gây áp lực hơn nữa lên hệ thống và nhân viên y tế vốn đã bị kéo căng.

Ngoài BA.4 và BA.5 vốn là nguyên nhân chính gây ra làn sóng bùng phát mới ở Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương, WHO cũng đang theo dõi sự lây lan của một dòng phụ khác là BA2.75 được phát hiện tại Ấn Độ.

“Vẫn còn quá sớm để chúng tôi đưa ra kết luận. Nhưng dường như, đặc biệt là ở Ấn Độ, tốc độ lan truyền của biến thể này đang gia tăng theo cấp số nhân. Liệu BA.2.75 có lấn át BA.5 hay không vẫn chưa thể xác định”, ông Matthew Binnicker - Giám đốc Phòng thí nghiệm virus lâm sàng của Bệnh viện Mayo, ở Rochester (Minnesota) cảnh báo. 

Ông Lipi Thukral - nhà khoa học tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp - Viện Nghiên cứu gien và sinh học tích hợp ở New Delhi - cho biết chủng virus đột biến mới nhất đã được phát hiện ở một số bang xa xôi của Ấn Độ và dường như đang lây lan nhanh hơn các biến thể khác. Biến thể này cũng được ghi nhận ở khoảng hơn 10 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Australia, Đức, Anh và Canada.

Trong khi đó, Ủy ban tình trạng khẩn cấp thuộc WHO trong cuộc họp trực tuyến ngày 8/7 xác định COVID-19 vẫn là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC), mức báo động cao nhất của WHO.

Ủy ban trên cho biết số ca mắc đang gia tăng, virus vẫn đang phát triển và gây áp lực lên hệ thống y tế ở một số nước, đồng nghĩa là tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp.

Theo ông Michael Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO, thời điểm mùa hè và việc người dân di chuyển nhiều hơn để du lịch và tham gia các hoạt động tập trung đông người là một môi trường hoàn hảo để dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng.

Tiến sĩ Gagandeep Kang, nhà nghiên cứu virus ở Vellore, cho biết mối lo ngại ngày càng tăng về biến thể mới nhấn mạnh sự cần thiết phải nỗ lực bền vững hơn để theo dõi và truy vết, kết hợp các nỗ lực nghiên cứu thông tin di truyền với thông tin thực tế về những người đang mắc bệnh và mức độ nặng như thế nào.

Chuyên gia Shishi Luo - Giám đốc Bộ phận Bệnh truyền nhiễm của Helix, Công ty cung cấp dịch vụ giải trình tự virus cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết BA.2.75 là một lời nhắc nhở khác rằng virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến và đang lan rộng. 

"Chúng ta muốn trở lại cuộc sống trước đại dịch, nhưng chúng ta cần phải cẩn trọng. Chúng ta cần chấp nhận rằng chúng ta đang sống với mức độ rủi ro cao hơn trước đây", bà cho hay. 

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới