Suốt 1 năm kinh doanh khốn khó vì COVID-19, Tết Nguyên đán được coi là "mẻ" hốt bạc lớn cuối cùng của năm để tiểu thương thu hồi vốn. Thế nhưng, đại dịch bất ngờ bùng phát ở Hà Nội những ngày cuối năm khiến thị trường Tết trở nên ảm đạm, giới tiểu thương nóng ruột khi khách vẫn thờ ơ và thắt chặt chi tiêu.
Theo khảo sát của VTC News, thời điểm này, thị trường Hà Nội đã ngập hàng tiêu dùng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Trên nhiều tuyến phố, hàng hóa đủ loại được bày bán tràn lan ở chợ cũng như các cửa hàng. Nhưng trái với cảnh người dân tấp nập đi sắm Tết như mọi năm, lượng người mua hiện nay chỉ nhỏ giọt.
Đến chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một trong những khu chợ lớn nhất Hà Nội, nằm giữa phố cổ đông đúc cư dân - nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi không khí mua sắm ảm đạm, không còn cảnh người mua kẻ bán tấp nập, đóng hàng, giao hàng nhộn nhịp như trước.
Hàng hóa được bày bán la liệt nhưng vắng khách mua.
Chị Thu Thủy, một tiểu thương buôn bán lâu năm ở chợ Đồng Xuân cho biết, chưa bao giờ chợ lại ế ẩm như Tết năm nay. “Cả năm do ảnh hưởng của COVID-19, phần lớn thời gian chúng tôi đóng cửa sạp. Tất cả chỉ trông vào dịp Tết, may ra tình hình mua bán được cải thiện, tăng thu nhập. Nhưng chỉ mới bán được vài hôm thì lại có thông tin COVID-19 xuất hiện trong cộng đồng, buôn bán lập tức sụt giảm hẳn. Người tiêu dùng chắc lại chuyển sang hình thức mua hàng online, không còn thiết tha đi mua sắm chỗ đông người nữa nên sát Tết rồi mà vẫn vắng khách lắm", chị Thủy nói.
Chị Thủy chia sẻ, chị không dám nhập thêm hàng nữa vì sợ không có khách mua, hàng bị tồn lâu sẽ kém chất lượng và đọng vốn. "Không nhập thêm hàng có nghĩa là ít lời lãi, kém thu nhập. Nhưng tôi đành chấp nhận. Thời điểm này, kinh doanh không khác gì đánh bạc, không biết đường nào mà lần. Đáng lẽ khách mua buôn đã chốt hết đơn hàng nhưng hiện nhiều khách hàng quen ở tỉnh vẫn chưa chốt đơn nên tôi không biết số lượng thế nào để dự trữ. Có lẽ khách mua buôn cũng đang nghe ngóng tình hình dịch bệnh trước khi gom hàng", chị Thủy cho biết thêm.
Không may mắn như chị Thủy, chị Hương - chủ một quầy hàng đồ khô ở chợ Đồng Xuân - chia sẻ: "Thông thường, cứ đến gần Tết là hàng nhập về chợ càng nhiều, trung bình cứ 3 ngày lại nhập hàng mới về để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Lúc đầu, tôi cũng định không nhập thêm hàng dự trữ. Nhưng sau một thời gian thấy dịch bệnh khá yên ắng, tôi lại quyết định mua vào. Ai ngờ bây giờ mọi thứ đảo lộn, muốn xả hết hàng e cũng khó".
Thời điểm này, những gian hàng nào có khoảng chục người ghé mua đã được coi là đông khách.
Một trong những khu phố buôn bán bánh kẹo, nước giải khát nổi tiếng nhất ở Hà Nội là phố Hàng Buồm (Quận Hoàn Kiếm) cũng lâm vào tình hình ế ẩm không kém. Tại đây, từng dãy hàng bày bán vô số đồ Tết ra ngoài vỉa hè, khiến đường phố bắt mắt với nhiều màu sắc. Tuy nhiên, khách hàng vẫn thờ ơ lướt qua. Nhiều quầy hàng vắng tanh không bóng người mua, tiểu thương chỉ biết ngồi buôn điện thoại, tán dóc.
"Tâm lý ăn Tết đơn giản vì lo COVID-19 kéo dài của người tiêu dùng khiến giới bán hàng chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Mọi năm, chỉ qua Rằm tháng Chạp là đã rất đông khách. Mọi người đua nhau đi chọn mua hàng Tết vì đồ ở đây rẻ và phong phú. Chuyện xếp hàng mua đồ là thường tình, hàng nào cũng tấp nập khách mua, người bán không kịp còn phải huy động cả nhà ra phụ giúp. Nhưng năm nay, hàng hóa vẫn bày nhiều mà khách không thấy đâu", một tiểu thương bán hàng ở đây cho biết.
Không có khách, tiểu thương ngồi buôn chuyện.
Không chỉ ở chợ Đồng Xuân, Hàng Buồm mà tại nhiều khu chợ dân sinh khác như Đồng Xa (Cầu Giấy), chợ Cầu Diễn (Cầu Diễn), chợ Hà Đông (Hà Đông)...không khí mua sắm Tết cũng đang khá im hơi lặng tiếng khiến các tiểu thương lo lắng mất Tết. "Không khí Tết vẫn chưa thấy đâu, nguyên nhân chính là do COVID-19. Phần lớn khách hàng quen khi được hỏi đều trả lời phải xem COVID-19 diễn biến thế nào mới dám sắm Tết. Nếu tình hình buôn bán cứ thế này cho đến cuối năm thì năm nay đúng là một cái Tết thất thu của chúng tôi", chị Trương Thị Tuyết, chủ một sạp hàng bán bánh kẹo ở chợ Đồng Xa chia sẻ.
Chị Tuyết dù đã dự đoán trước tình hình mua sắm của người dân kém, chủ động giảm lượng hàng nhập chỉ còn 70% nhưng chị vẫn không nghĩ tình hình buôn bán lại kém như vậy.
"Cứ mỗi năm, riêng tiền mua hàng dự trữ Tết đã phải lên đến mấy trăm triệu đồng. Năm nay số tiền chưa bằng 2/3 nhưng hàng đến giờ này vẫn còn rất nhiều. Hàng đồ khô có thể bán quanh năm nhưng mứt Tết thì chỉ bán vào vụ, ra giêng nhu cầu mứt rất ít. Tôi chưa biết làm thế nào để giảm thiệt hại", chị Tuyết lo lắng.
COVID-19 đang bùng phát dữ dội ở nhiều địa phương khiến người tiêu dùng đề cao cảnh giác. Thay vì mua sắm Tết trực tiếp như truyền thống, nhiều người chuyển sang mua bán online. Đặc biệt, phần lớn đều hạn chế chi tiêu thời điểm này và có tâm lý nghe ngóng tình hình dịch bệnh trước khi sắm Tết. "Nếu đến Tết mà tình hình COVID-19 vẫn chưa được dập thì người dân cả nước phải đón Tết Nguyên đán giữa đại dịch. Việc đi lại, đến thăm hỏi nhau như truyền thống sẽ phải hạn chế. Như vậy, việc mua sắm đồ Tết cũng không cần quá coi trọng. Thay vào đó, tôi sẽ tiết kiệm chi tiêu để đối phó với COVID-19 kéo dài", chị Lan Hương ở Mỹ Đình, Hà Nội cho biết.