Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cột mốc không ai muốn đạt trong đại dịch COVID-19

Ngày 1/11, số người chết vì COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 5 triệu, điều bất ngờ là số tử vong ở các quốc gia giàu còn cao hơn những nước khác.

Thế giới đã đạt cột mốc buồn về số bệnh nhân COVID-19 tử vong chưa đầy hai năm sau khi xuất hiện cuộc khủng hoảng tàn phá không chỉ các nước nghèo mà cả những nước giàu với hệ thống y tế hiện đại.

Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Brazil - các quốc gia có thu nhập trên trung bình hoặc cao - chiếm 1/8 dân số thế giới nhưng có gần một nửa tổng số người chết. Chỉ riêng Mỹ đã ghi nhận hơn 745.000 người mất vì COVID-19, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Hành khách đi tàu điện ngầm ở Hong Kong trong dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

Tiến sĩ Albert Ko, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ) cho biết: “Đây là thời khắc quyết định trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta phải làm gì để bảo vệ bản thân để thế giới không có thêm 5 triệu ca tử vong?”.

Số người chết, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, bằng dân số của thành phố Los Angeles và San Francisco cộng lại. Trên toàn cầu, COVID-19 hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba, sau bệnh tim và đột quỵ.

Con số trên gần như chắc chắn thấp hơn thực tế do hạn chế trong việc xét nghiệm và một số người không được chăm sóc y tế qua đời tại nhà, đặc biệt là ở những vùng nghèo trên thế giới.

Các điểm nóng đã thay đổi trong 22 tháng kể từ khi dịch bùng phát bắt đầu, biến các địa điểm khác nhau trên bản đồ thế giới thành màu đỏ nguy cơ cao. Hiện nay, virus SARS-CoV-2 đang tấn công Nga, Ukraine và các khu vực khác của Đông Âu.

Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Đại học Columbia, cho biết: “Điều khác biệt của đại dịch này là ảnh hưởng nặng nề đến cả các quốc gia có nguồn lực mạnh mẽ. Đó là điều trớ trêu của COVID-19".

Chuyên gia này lưu ý các quốc gia giàu có tỷ lệ người lớn tuổi, người chữa khỏi ung thư cao. Những đối tượng này dễ bị lây nhiễm, ốm nặng và tử vong do COVID-19. Các quốc gia nghèo thường có tỷ lệ trẻ em, thanh thiếu niên cao. Đó là những người ít có nguy cơ bị trở nặng khi mắc COVID-19.

Ấn Độ là nước có số ca COVID-19 cao kỷ lục vào tháng 5 nhưng hiện có tỷ lệ tử vong hằng ngày thấp hơn nhiều so với các nước giàu như Nga, Mỹ hoặc Anh…

Mối liên hệ giữa sự giàu có và sức khỏe dường như là một nghịch lý mà các chuyên gia sẽ phải xem xét trong nhiều năm.

Tuy nhiên, khi xem xét ở quy mô nhỏ hơn trong một đất nước, các khu dân cư nghèo hơn bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Sự giàu có cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiêm chủng toàn cầu, với các quốc gia thịnh vượng bị cáo buộc phong tỏa nguồn cung. Mỹ và một số nước khác đã tiêm các mũi tăng cường vào thời điểm mà hàng triệu người ở châu Phi chưa tiêm một liều nào.

Hiện, các quốc gia phát triển đang vận chuyển hàng trăm triệu liều vaccine đến phần còn lại của thế giới. Châu Phi mới chỉ có 5% dân số, tương đương 1,3 tỷ người, được tiêm chủng đầy đủ.

Tại thành phố Kampala (Uganda), Cissy Kagaba mất mẹ (62 tuổi) vào ngày Giáng sinh và người cha (76 tuổi) sau đó vài ngày.

Kagaba đã trải qua nhiều đợt phong tỏa để phòng chống COVID-19. “Những lễ Giáng sinh sau này của tôi sẽ không còn giống như xưa nữa”, cô tâm sự.

“Còn ai nữa bây giờ? Tôi phải nhận trách nhiệm. COVID-19 đã xáo trộn cuộc đời tôi”, Reena Kesarwani, 32 tuổi, bà mẹ của hai cậu con trai, tâm sự. Cô đang tiếp quản cửa hàng nhỏ của người chồng quá cố tại một ngôi làng ở Ấn Độ.

Chồng cô, Anand Babu Kesarwani, qua đời ở tuổi 38 trong đợt bùng phát COVID-19 ở Ấn Độ hồi đầu năm nay.

Ở Bergamo, Italy, nơi từng bùng phát đợt dịch lớn đầu tiên của phương Tây, Fabrizio Fidanza, 51 tuổi, đã không thể nói lời từ biệt với người cha 86 tuổi mất vì COVID-19.

Ở thành phố Lake, Florida, LaTasha Graham, 38 tuổi, vẫn nhận được thư động viên gần như hằng ngày sau sự ra đi của cô con gái 17 tuổi. Jo’Keria đã mất vì COVID-19 vào tháng 8, vài ngày trước khi bắt đầu năm cuối trung học. Cô bé có ước muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật.

Trong đại dịchCOVID-19, cả thế giới có 247 triệu ca nhiễm, hơn 50 triệu người đã tử vong. Mỗi ngày có thêm 400.000 ca COVID-19. 

Gần 40% dân số toàn cầu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Việt Nam cũng đang tăng tốc với hơn 25% dân số đã tiêm đủ 2 mũi. 

Nguồn:

Tin mới