Video: Cột mốc A9 trên đỉnh Hòn Ông Căn (TP Quy Nhơn, Bình Định)
Cột mốc A9 nằm trên Hòn Ông Căn (thuộc xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Bình Định).
Hòn Ông Căn nằm trong cụm đảo Hòn Cân. Đây là điểm xa nhất trong tam giác ba cụm đảo Hòn Sẹo - Hòn Cỏ - Hòn Cân trên vùng biển Nhơn Lý. Nhìn từ xa, cụm đảo Hòn Cân là một dải nối liền, như một con thú đang nằm xoài ra biển mà phần đầu chính là Hòn Ông Căn.
Cột mốc A9 cách cột mốc A8 tại mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 140 km về phía Nam và cách cột mốc A10 trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 170 km về phía Bắc.
Hai đầu cột mốc A9 là điểm tọa độ quốc gia do Cục Đo đạc & Bản đồ Việt Nam và Tổng cục Địa chính (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xây dựng vào tháng 6/2017, mang số hiệu DH09. Hòn Ông Căn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chiều rộng lãnh hải Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Bên trên cả 4 phía cột mốc là hình Quốc kỳ, bên dưới là hình đất nước trên nền trống đồng. Riêng mặt phía Đông còn có thêm các thông số về điểm cơ sở A9.
Xung quanh Hòn Ông Căn có rất nhiều đá ngầm, sóng lớn và những vách núi cao dựng đứng. Người dân, du khách chỉ có thể cập bờ bằng ca nô lúc sóng êm biển lặng. Ngày sóng to gió mạnh phải đi ghe, rồi dùng thuyền thúng lựa theo con sóng lớn để cập sát vào bờ và phải rời đảo trước 16h.
Đường lên cột mốc A9 có bốn mặt sóng vỗ, vách núi dựng đứng nên để tiếp cận nếu không có sự hỗ trợ của ngư dân giàu kinh nghiệm. Lối lên cột mốc đã xây thành bậc tam cấp có khoảng 20 bậc thang, mỗi bậc thang cách nhau khoảng 50 cm, có bậc thang đến 60 cm.
Người dân Bình Định và du khách đã tỏ rõ niềm tự hào khi được tận mắt thấy cột mốc chủ quyền thiêng liêng giữa biển khơi.
Trong số 12 điểm nối theo đường cong chữ S hướng về biển, ngoại trừ điểm cơ sở A8 tại mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên), các điểm đến đều nằm trên các hòn đảo. Bởi vậy, để đặt chân tới các điểm cơ sở, ngoài các thủ tục cần thiết, có khi còn cần thêm cả sự may mắn của thời tiết.