Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

COP28 'nóng' vì nhiên liệu hoá thạch

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) chưa tìm được tiếng nói chung về tương lai của nhiên liệu hóa thạch.

Tại các cuộc đàm phán, một số quốc gia, trong đó có Ả Rập Xê-út và Nga phản đối đưa cam kết loại bỏ nhiên liệu hoá thạch vào thoả thuận của COP28 về khí hậu. Một số khác, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc thì chưa xác nhận rõ việc loại bỏ nhiên liệu hoá thạch, nhưng ủng hộ lời kêu gọi thúc đẩy hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo.

Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận của COP28 về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber đã yêu cầu các quốc gia tăng tốc nỗ lực để đạt được thoả thuận cuối cùng:

“Có một số chuyển biến tích cực ở cấp độ chính trị. Chúng ta cần tận dụng nguồn năng lượng đó và đẩy nhanh các nỗ lực về mặt kỹ thuật. Vẫn còn nhiều lĩnh vực khác biệt và cánh cửa đang dần khép lại. Chúng ta đã đạt tiến bộ, nhưng chưa đủ nhanh, chưa đủ để đáp ứng các yêu cầu. Thông điệp tôi muốn gửi đi rất đơn giản: Hãy làm việc nhanh hơn, làm việc thông minh hơn và làm việc chăm chỉ hơn".

Các cuộc tranh luận về nhiên liệu hoá thạch đã nóng lên sau khi xuất hiện thông tin, Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) đã gửi thư hối thúc các nước thành viên và những nước đồng minh sản xuất dầu mỏ phản đối việc đề cập nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận cuối cùng đạt được khi kết thúc COP28. Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais từ chối bình luận về bức thư, song khẳng định OPEC muốn hội nghị duy trì trọng tâm vào mục tiêu giảm khí thải khiến Trái Đất nóng lên. 

Một số nước như Pháp, Tây Ban Nha bày tỏ phản đối mạnh trong khi các nước khác như Iraq ủng hộ quan điểm của OPEC. Đặc biệt, những nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu cảnh báo việc phản đối đề cập đến nhiên liệu hóa thạch tại COP28 sẽ đe dọa đến toàn thế giới.

Bộ trưởng Tài nguyên và Thương mại của Quần đảo Marsahll nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không im lặng để những ngôi nhà của mình bị ngập nước. Vì vậy, chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận một kết quả từ COP28 không đặt chúng tôi vào lộ trình hướng tới một tương lai mà nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C”.

Chỉ còn 2 ngày nữa là COP28 kết thúc và lập trường liên quan tới tương lai của nhiên liệu hoá thạch sẽ quyết định thành công của hội nghị. Bản dự thảo mới nhất được công bố ngày 8/12 cho thấy các nước đang cân nhắc một loạt lựa chọn từ việc nhất trí loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên cơ sở trình độ khoa học tốt nhất hiện có, loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch cho đến việc không đề cập đến sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Đây là vấn đề mà các đại biểu từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nỗ lực tìm tiếng nói chung tại COP28.

Thu Hoài (VOV.VN)

Tin mới