Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Công ty Dana-Ý kiện đòi gần 400 tỷ đồng, Chủ tịch Đà Nẵng: ‘Để tòa phán quyết cho công bằng, văn minh’

Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, hai bên không tìm được tiếng nói chung thì để tòa phán quyết cho công bằng và đó là văn minh, lịch sự.

Chiều 11/6, tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 HĐND Khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, nhiều cử tri đặt câu hỏi với ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về việc Công ty Cổ phần thép Dana-Ý (gọi tắt Công ty Dana-Ý) khởi kiện thành phố đòi bồi thường gần 400 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói về việc Công ty Dana-Ý kiện UBND thành phố yêu cầu bồi thường gần 400 tỷ đồng.  

Cử tri Nguyễn Quang Nga cho rằng, vấn đề 2 Công ty thép Dana-Ý và Dana-Úc (Cụm công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) là câu chuyện quá lâu, kéo dài 10 năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

“Bây giờ nhà máy khởi kiện, thành phố sẽ giải quyết ra sao. Di dời nhà máy hay di dời dân cư?”, ông Nga đặt câu hỏi.

Nhiều cử tri cũng nêu quan điểm, bày tỏ sự quan tâm đến vụ việc Công ty Dana-Ý kiện chính quyền, đề nghị Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết quan điểm của thành phố.

Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, thanh tra thành phố vào cuộc và kết luận là có sai phạm của chính quyền thời kỳ trước về vấn đề quy hoạch, bố trí nhà máy ở khu vực này.

Theo ông Thơ, khu vực này không được bố trí nhà máy thép nhưng cơ quan chức năng vẫn tham mưu bố trí nhà máy thép. Sau đó, chính quyền hứa với dân là sẽ giải tỏa để có khoảng cách an toàn nhưng không giải tỏa được. Kéo dài nhiều năm như vậy thì dân đến xây nhà và đông lên. Xây nhà ở sát với nhà máy thì suốt ngày dân phải chịu bụi và tiếng ồn nên kiện và ngăn cản không cho sản xuất.

Cử tri Đà Nẵng kiến nghị nhiều vấn đề đến Đoàn đại biểu HĐND thành phố tại buổi tiếp xúc chiều 11/6. 

“Trước đây, thành phố đã báo cáo với Thường vụ Thành ủy từ thời còn anh Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Thường vụ cũng đã đồng ý phương án giải tỏa dân rồi. Lúc đó người dân rất thích phương án này. Nhà máy sẽ ứng tiền ra để tham gia xây dựng khu tái định cho dân, còn đất tại khu vực ảnh hưởng sẽ đấu giá bán để lấy tiền trả lại nhà máy. Tuy nhiên, quá trình giải tỏa chúng ta triển khai chậm, dân gây sức ép. Ở khu vực đó người dân xây dựng trái phép nhiều, gây áp lực rất lớn”, ông Thơ nói.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm, sau đó Thường vụ Thành ủy xem xét lại và đổi phương án là dừng nhà máy và hai bên đã bàn bạc với nhau để tìm giải pháp. Nhà máy cho rằng trước đây thành phố đã cấp đầy đủ thủ tục, nhà máy không sai gì. Nhà máy thừa nhận cũng có những vi phạm xả khói và tiếng ồn nhưng do thành phố không giải tỏa dân, để dân sống quá gần nên mới xảy ra như vậy.

“Bây giờ hai bên không tìm được tiếng nói chung thì ra tòa để tòa phán quyết cho công bằng. Nếu tòa phán quyết do chủ quan nhà máy thì nhà máy chịu, còn nếu do thành phố làm sai thì thành phố phải chịu. Thôi thì ra tòa là giải pháp văn minh và công bằng”, ông Thơ nói.

 Theo ông Huỳnh Đức Thơ, bây giờ người dân tăng lên, xây dựng nhà sống sát nhà máy thép nên ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, câu chuyện này cũng giống như câu chuyện hàng trăm, hàng ngàn dự án khác của thành phố hiện nay, cũng có cái sai này, cái sai khác. Một ngày có 4 - 5 cái đơn của dân kiện chủ tịch ra tòa hành chính. Giải tỏa đền bù mà không thỏa mãn thì dân kiện chủ tịch, vướng mắc điều gì đó giải quyết không xong dân cũng kiện chủ tịch.

Liên quan đến sự việc này, tại cuộc họp báo mới đây, khi được hỏi nếu Công ty thép khởi kiện ra tòa thì phương án xử lý thế nào, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, chính quyền thành phố đã giao cho các sở, ngành xây dựng các kịch bản đối với vụ việc này, trong đó có tình huống doanh nghiệp khởi kiện chính quyền ra tòa án.

CHÂU THƯ

Tin mới