Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Công ty của tỷ phú đầu tư Nhật Bản lỗ kỷ lục vì canh bạc 80 tỷ USD

Tập đoàn SoftBank của tỷ phú đầu tư Masayoshi Son có thể lỗ tới 12,5 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua vì đổ tới 80 tỷ USD vào các startup kinh doanh thua lỗ.

Theo Bloomberg, tháng 5/2019, Tập đoàn SoftBank công bố lợi nhuận kỷ lục nhờ các khoản đầu tư mạo hiểm của tỷ phú Masayoshi Son vào những công ty khởi nghiệp công nghệ như WeWork, Uber Technologies và Oyo Rooms. “Thời của chúng ta đã đến”, ông Son tuyên bố chắc nịch với giới truyền thông.

Nhưng khoảng thời gian từ đó đến nay là một trong những năm tồi tệ nhất lịch sử SoftBank. Giá cổ phiếu của Uber lao dốc thảm hại sau đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), WeWork trượt tới bờ vực của sự sụp đổ sau khi kế hoạch IPO đổ bể.

Danh mục đầu tư của tỷ phú Son - nghiêng hẳn về nền kinh tế chia sẻ với 80 tỷ USD - giờ ngày trở nên mong manh, yếu ớt khi đại dịch Covid-19 rút cạn vốn của các công ty khởi nghiệp. Dự kiến SoftBank sẽ công bố kết quả kinh doanh năm tài chính kết thúc ngày 31/3 vào ngày 18/5 tới.

SoftBank trải qua năm tồi tệ nhất trong lịch sử. (Ảnh: Bloomberg).

Lỗ kỷ lục

Dự kiến SoftBank sẽ báo lỗ tới 1.350 tỷ yen (tương đương 12,5 tỷ USD) trong năm tài khóa kết thúc ngày 31/3. Quỹ Vision Fund của SoftBank lỗ kỷ lục 1.800 tỷ yen (16,84 tỷ USD). Tổng lỗ ròng của cả tập đoàn lên đến 900 tỷ yen (8,42 tỷ USD).

Kế hoạch lập quỹ Vision Fund thứ hai của tỷ phú Son đối mặt nguy cơ đổ bể. Tháng 7/2019, nhà sáng lập SoftBank tuyên bố quỹ Vision Fund thứ hai sẽ có quy mô 108 tỷ USD, riêng SoftBank góp vốn 38 tỷ USD.

Tuy nhiên, bê bối WeWork đã khiến hai nhà đầu tư lớn là Quỹ Đầu tư Công của Saudi Arabia và Mubadala Investment của Abu Dhabi lo ngại. Hồi tháng 2, ông Son thừa nhận rằng SoftBank có thể phải sử dụng vốn tự có trong thời điểm hiện tại.

SoftBank cũng sẽ lỗ 1.000 tỷ yen (9,36 tỷ USD) từ các khoản đầu tư riêng, bao gồm WeWork và OneWeb, công ty mới nộp đơn xin phá sản hồi tháng 3. Riêng các khoản đầu tư và cam kết cho vay với WeWork đã khiến tập đoàn thiệt hại đến 700 tỷ yen (6,55 tỷ USD).

Hồi năm ngoái, sau khi kế hoạch IPO của WeWork đổ bể, SoftBank phải vung gói cứu trợ 9,5 tỷ USD và đưa CEO Marcelo Claure vào phụ trách hoạt động kinh doanh của WeWork. Ông Son khẳng định việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh không có lãi và tạm dừng mở rộng hoạt động sẽ giúp tạo ra lợi nhuận.

Dịch COVID-19 khiến WeWork khó gượng dậy. (Ảnh: Bloomberg).

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát khiến công ty chia sẻ văn phòng lún sâu thêm vào khủng hoảng. WeWork phải giảm giá cho một số khách hàng khi công ty cho phép nhân viên chuyển sang làm việc tại nhà để tránh sự lây lan của dịch COVID-19. WeWork cũng chưa trả tiền thuê tháng 4 cho một số chủ tòa nhà.

Giữa tháng 4, ông Son tuyên bố tại Tokyo rằng SoftBank đã ổn định trở lại sau cú ngã của WeWork nhờ giá cổ phiếu Uber tăng mạnh. Nhưng khi dịch COVID-19 lan rộng, Uber buộc phải cắt giảm chi phí để hạn chế lỗ. Công ty dừng tuyển tài xế từ hồi tháng 3 và bút toán giảm 2 tỷ USD đầu tư hồi tháng 4. Các khoản đầu tư này bao gồm cổ phần của Uber tại Didi Chuxing và Grab.

Hồi đầu tháng, Uber cho biết sẽ sa thải 3.700 nhân viên và đóng cửa 180 trung tâm dịch vụ lái xe. Hãng cũng sẽ ngừng dịch vụ giao thực phẩm tại 7 quốc gia. Cổ phiếu của Uber hiện giao dịch thấp hơn khoảng 27% so với giá thời điểm mới IPO.

Danh tiếng lao dốc

Tình trạng ảm đạm của Uber là tín hiệu xấu với danh mục đầu tư gọi xe của SoftBank. Tổng số tiền đầu tư vào lĩnh vực này lên đến18 tỷ USD, bao gồm Didi ở Trung Quốc, Grab tại Đông Nam Á và Ola củaẤn Độ.

SoftBank đổ hơn 10 tỷ USD vào Didi nhưng chỉ sau 2 năm, hãng gọi xe Trung Quốc đã đánh mất niềm tin từ giới đầu tư. Hồi tháng 1, cổ phiếu Didi giao dịch nội bộ với mức giá thấp hơn 40% so với thời điểm định giá đỉnh cao. Lượng hành khách giảm mạnh sau khi dịch lan rộng ởTrung Quốc và Didi cắt giảm trợ cấp dành cho tài xế.

Cuối tháng trước, CEO Grab Anthony Tan cảnh báo dịch Covid-19 tạo ra những thách thức đáng kể và công ty này cần cắt giảm mạnh chi phí và quản lý vốn. Grab đang cố gắng bù đắp tổn thất doanh thu trong mảng gọi xe bằng doanh thu giao đồ ăn. SoftBank đầu tư 3 tỷ USD vào công ty này.

Trong khi đó, dịch vụ đặt phòng khách sạn Oyo tại Ấn Độ là ví dụ điển hình cho thấy sức tàn phá của dịch COVID-19 đối với danh mục đầu tư của ông Son. Chưa đầy một năm trước, tỷ phú Nhật Bản tuyên bố nhà sáng lập Oyo Ritesh Agarwal là “doanh nhân ngôi sao” được SoftBank chống lưng.

Canh bạc 19 tỷ USD của tỷ phú Son trong lĩnh vực gọi xe. (Ảnh: Bloomberg).

Nhà sáng lập SoftBank đã rót khoảng 1,5 tỷ USD vào công ty Ấn Độ và công khai bày tỏ kỳ vọng Oyo sẽ trở thành chuỗi điều hành khách sạn lớn nhất thế giới tính theo số phòng và Ritesh Agarwal trở thành "vua khách sạn" toàn cầu.

Công ty Ấn Độ mở rộng hoạt động ồ ạt và giờ tê liệt vì dịch bệnh, phải giãn việc hàng nghìn nhân viên. Hiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, du lịch toàn cầu đình trệ, các phòng khách sạn trống rỗng. Do đó, thiệt hại của Oyo ngày càng tăng cao.

Các khoản đầu tư sai lầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của tỷ phú Son, người từng biến khoản đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba Group Holding thành khối tài sản trị giá 130 tỷ USD sau 20 năm.

Theo Bloomberg, mô hình kinh doanh của quỹ Vision Fund càng khiến tình hình tồi tệ hơn với tỷ phú Son. Khoảng 40 tỷ USD vốn của quỹ Vision Fund đến từ việc bán cổ phần ưu đãi với cam kết trả lãi 7%/nămvới bất kể các khoản đầu tư có lãi hay không. Năm tài chính vừa qua, Vision Fund phải trả lãi thêm 860 triệu USD.

“Mùa xuân luôn đến sau một mùa đông khắc nghiệt. Tình hình đang thay đổi”, tỷ phú Son khẳng định trong cuộc họp hồi tháng 2. Cùng ngày hôm đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo tên chính thức của dịch bệnh đang càn quét thế giới. Đó là COVID-19.

Nguồn: Zing News

Tin mới