Theo hồ sơ, tháng 3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu có công văn về việc đầu tư thí điểm 15 hệ thống lọc nước sạch tại TP Bạc Liêu với mục tiêu đảm bảo sức khoẻ cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS. Từ đó đánh giá, nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh.
Đến tháng 5/2017, UBND tỉnh đã quyết định phân bổ vốn cho tất cả 7 huyện, thị xã, thành phố và giao UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định đầu tư, quản lý chi với mức phân bổ 4 tỷ đồng/1 địa phương.
Đến tháng 6/2021, UBND các huyện, thị xã và thành phố ở Bạc Liêu đã đầu tư 299 hệ thống lọc nước cho 253 điểm trường và 46 trạm y tế với tổng kinh phí đầu tư hơn 123 tỷ đồng.
Một hệ thống lọc nước thuộc dự án.
UBND tỉnh Bạc Liêu giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định đầu tư (thực hiện chung trong một dự án của từng huyện, thị xã, thành phố) và phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng nguồn vốn và có chỉ đạo các địa phương cân đối bố trí vốn đối ứng, sử dụng vốn xã hội hoá. Tuy nhiên, thực tế các địa phương không triển khai theo nội dung đã chỉ đạo mà lập, phê duyệt từng báo cáo kinh tế - kỹ thuật riêng theo từng năm.
Dù quy mô học sinh hay lượng bệnh nhân đến khám ít hay nhiều, các địa phương vẫn đầu tư 1 hệ thống/1 đơn vị sử dụng và với một công suất như nhau (2.000 lít/ngày đêm đối với trường học và 5.000 lít/ngày đêm đối với trạm y tế). Chi phí đầu tư cho hệ thông cũng tương đối cao (khoảng 400 triệu đồng/hệ thống lắp cho trường học và khoảng 500 triệu đồng/hệ thống lắp cho trạm y tế).
Hệ thống vận hành phức tạp, phải theo quy trình nếu không dễ xảy ra sự cố. Chi phí hao hụt về tiền nước khá lớn (cứ 1m3 nước chỉ sử dụng được khoảng 0,3 đến 0,5m3 nước uống. Phần nước còn lại phải sử dụng tưới cây hoặc thải ra ngoài).
Đối với các trường mầm non và mẫu giáo, thiết bị được để trong nhà nên công tác vệ sinh tương đối tốt. Tuy nhiên, tại các trường tiểu học và THCS có xây nhà trạm, hệ thống được lắp đặt ngoài trời, không có cửa hoặc thiết bị che chắn. Do tác động của mưa, nắng, bụi nên công tác vệ sinh khó đảm bảo, nhất là mặt bàn nước, đầu vòi dễ phát sinh rêu mốc, mảng bám, gỉ sét không đảm bảo vệ sinh. Tại một số điểm trường, khung thép đỡ bình chứa nước trong tủ lọc bị rỉ sét, về lâu dài có khả năng đổ sập khung này, các hệ thống thường xuyên bị sự cố hoặc hư về khởi động, máy bơm.
Đối với hệ thống lọc nước trang bị cho các trạm y tế, nước uống tại một số trạm có tình trạng bị hôi, một số trạm đang bị sự cố, có trạm đã ngưng hoạt động.
Đáng chú ý, dù từng địa phương tổ chức lựa chọn nhà thầu riêng với nhiều lần khác nhau nhưng hầu như chỉ có một nhà thầu thực hiện trên toàn tỉnh. Tỷ lệ tiết kiệm trong lựa chọn nhà thầu rất thấp (trung bình khoảng 0,87%). Cụ thể, với 27 dự án và 31 lần lựa chọn nhà thầu thì Công ty Cổ phần công nghệ Remy Việt Nam thực hiện đến 27 gói thầu.
Liên quan vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã có văn bản yêu cầu một số địa phương trong tỉnh cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan đến dự án để phục vụ xác minh vụ việc “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.