Công ty có được giữ lại 1 phần lương của người lao động?
Tiền lương là số tiền theo thỏa thuận được người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc dưới sự chỉ đạo và quản lý của người sử dụng lao động.
Theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động, tiền lương phải được người sử dụng lao động trả đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Như vậy, đến kỳ trả lương, công ty không được giữ lương của người lao động mà phải có trách nhiệm trả đủ tiền cho họ.
Thực tế nhiều công ty còn đưa ra cam kết ngay trong hợp đồng về việc mỗi tháng người lao động sẽ phải trích lại một phần tiền lương cho công ty coi như khoản tiền đảm bảo cho việc người lao động không được nghỉ việc trước hạn.
Điều này vi phạm nghiêm trọng một trong các điều cấm của Bộ luật Lao động năm 2019.
Cụ thể, khoản 2 Điều 17 Bộ luật này nghiêm cấm người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Người lao động có quyền tự do về việc làm nên họ có quyền nghỉ làm nếu đã tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Việc công ty yêu cầu giữ lương để đảm bảo nhân viên không “nhảy” việc đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do việc làm của người lao động.
Theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động, tiền lương phải được người sử dụng lao động trả đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Công ty giữ lương nhân viên bị phạt thế nào?
Cụ thể căn cứ Nghị định 12/2022/NĐ-CP, việc giữ lương của nhân viên có thể khiến doanh nghiệp bị xử phạt về một trong các lỗi sau:
(1) Lỗi trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Mức phạt đối với lỗi này được xác định phụ thuộc vào số người lao động bị giữ lương. Cụ thể:
- Phạt 5 - 10 triệu đồng: Giữ lương của 1 - 10 người lao động.
- Phạt 10 - 20 triệu đồng: Giữ lương của 11 - 50 người lao động.
- Phạt 20 - 30 triệu đồng: Giữ lương của 51 - 100 người lao động.
- Phạt 30 - 40 triệu đồng: Giữ lương của 101 - 300 người lao động.
- Phạt 40 - 50 triệu đồng: Giữ lương của 301 người lao động trở lên.
Căn cứ: Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
(2) Lỗi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt với người sử dụng lao động là từ 20 đến 25 triệu đồng.
Ngoài mức phạt, người sử dụng lao động còn buộc phải trả lại số tiền lương đã giữ của người lao động, đồng thời còn phải trả thêm một khoản tiền lãi tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm công ty bị xử phạt.
Bị giữ lương, người lao động cần làm gì?
Trường hợp đã bị công ty giam lương và muốn đòi lại, người lao động có thể thực hiện theo một trong các cách sau:
Thương lượng với người sử dụng lao động. Đây là cách giải quyết “tình cảm”, giúp xử lý tranh chấp một cách nhanh gọn, tránh các rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Khiếu nại theo quy định. Đối với các tranh chấp về vấn đề tiền lương, người lao động có thể thực hiện khiếu nại theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Tố cáo vi phạm của người sử dụng lao động. Việc giữ lương nhân viên là hành vi vi phạm pháp luật nên người lao động có thể tố cáo hành vi này đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính để xử lý vi phạm.