Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/2, trình bày báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: "Công tác nhân sự tại 2 kỳ họp được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội".
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết kỳ họp bất thường lần thứ 2 mặc dù diễn ra trong 4 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch và kỳ họp bất thường lần thứ 3 diễn ra trong 0,5 ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng.
Về xem xét, quyết định công tác nhân sự, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với ông Phạm Bình Minh và ông Lê Minh Chuẩn; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng đối với ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam và phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.
Về một số kết quả khác của 2 kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là dự án Luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền khám bệnh, chữa bệnh của người dân, được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện tại 03 kỳ họp.
Theo ông Bùi Văn Cường, dự án Luật đã được chuẩn bị tốt, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua, do đó, trong quá trình thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích thấu đáo, kỹ lưỡng các nội dung của dự án Luật, các vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến việc bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình thảo luận và biểu quyết thông qua.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao các cơ quan liên quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu đầy đủ, thuyết phục ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Vì vậy, đã đạt được tỷ lệ tán thành cao khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật", Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Cùng đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 sẽ góp phần tạo cơ chế thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong giai đoạn tới.