Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Công nhân trầy trật mưu sinh, chủ nhà trọ khốn khó thời COVID-19

(VTC News) -

Mức lương giảm chỉ còn 3-5 triệu/tháng khiến nhiều công nhân trầy trật, không ít người phải bỏ về quê vì mất việc, các chủ nhà trọ vì thế cũng lâm cảnh khốn khó.

Đại dịch COVID-19  khiến nền kinh tế của Việt Nam đang chịu những hậu quả nặng nề. Chưa khi nào cụm từ "mất việc-thất nghiệp" lại được nhắc nhiều đến thế, trở thành nỗi lo thường trực của người lao động suốt từ đầu năm tới nay.

Công nhân trầy trật mưu sinh

Trở về phòng trọ tại thôn Mẫn Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) sau ngày làm việc, chị Lưu Thị Oanh, công nhân Công ty Samsung Bắc Ninh tất bật chuẩn bữa cơm tối cho gia đình. Vẫn như mọi hôm, bữa cơm của gia đình chị Oanh chẳng có gì ngoài đĩa rau xào và đĩa đậu luộc.

Bữa cơm tối của gia đình chị Oanh chỉ có đĩa đậu luộc và bát rau.

Chị Oanh chia sẻ, mặc dù có thâm niên làm việc nhưng lương cứng của chỉ được hơn 5 triệu đồng/tháng. Hiện công ty đang cắt giờ tăng ca, làm thêm nên mọi chi tiêu, sinh hoạt chị Oanh đều phải tính toán để vừa có tiền gửi về quê cho ông bà nội nuôi con lớn, vừa đủ tiền mua bỉm sữa cho em bé mới sinh và tiền thuê trông trẻ.

Vợ chồng tôi ở trọ nên mỗi tháng mất gần 4 triệu tiền phòng, tiền điện nước, chi phí sinh hoạt. Trước đây còn được tăng ca nên đủ chi phí, nhưng từ khi có dịch COVID-19 công ty cắt giảm giờ làm, nhiều khi mỗi tháng cho nghỉ 2 tuần, hưởng 85% lương cơ bản nên cuộc sống khó khăn và thiếu thốn hơn rất nhiều.

Với đồng lương và công việc hiện tại thì con không ốm đau mới đủ chi phí sinh hoạt, còn nếu trong tháng con mà đau ốm nữa thì phải đi mượn tiền. Vợ chồng tôi phải tiết kiệm từng đồng mới đủ sống”, Chị Oanh tâm sự.

Cùng tình cảnh khó khăn như chị Oanh, anh Bùi Hải Nam (quê Phú Thọ), công nhân Khu công nghiệp Yên Phong I, Bắc Ninh cho biết, những năm trước, anh Nam chăm chỉ tăng ca và làm thêm thứ Bảy, Chủ Nhật nên tổng thu nhập được hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.

Thu nhập này giúp anh Nam đủ nuôi 2 con nhỏ ở quê và trang trải chi phí sinh hoạt. Nhưng từ khi có dịch COVID-19, bộ phận sản xuất của công ty cắt giảm liên tục khiến lương của anh Nam chỉ còn hơn 3 triệu đồng.

Nhiều người không đủ kiên nhẫn tìm việc mới đã khăn gói về quê tìm kế sinh nhai khác.

"Chuyến này về quê tôi ở nhà luôn, không xuống làm nữa vì công ty cho nghỉ việc từ tháng trước, dù tôi cố nấn ná ở lại đi nộp hồ sơ ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa có công ty nào phản hồi hoặc gọi đi phỏng vấn. Bây giờ ở không được, về cũng không xong, đi xin việc cũng không đâu người ta nhận vì nhiều công ty cũng đang cắt giảm việc làm, nhân sự... còn về quê thì chưa biết làm gì để sống”, anh Nam chua chát cho biết. 

May mắn hơn anh Nam, chị Nguyễn Thị Nga, công nhân Công ty TNHH Mobase Việt Nam (Khu công nghiệp Yên Phong I, Bắc Ninh) vẫn còn việc làm.

Nga chia sẻ "dù bị giảm ngày làm, giảm lương nhưng vẫn còn hơn là thất nghiệp, ngồi nhà rồi biết lấy gì để trả tiền phòng trọ, trang trải cuộc sống". Tại khu trọ của Nga, nhiều người phải về quê kiếm kế sinh nhai khác do công ty cắt giảm giờ làm, nhiều chỗ làm một ngày thì nghỉ 4 ngày nên không đủ tiền chi phí sinh hoạt.

Nhiều công nhân cân nhắc từng lạng thịt, mớ rau vì mất việc, giảm giờ làm.

Trước đây, chúng em thoải mái đăng ký để tăng ca kiếm thêm thu nhập, làm không hết việc, nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19, hiện công ty chỉ đủ việc làm giờ hành chính, không có tăng ca nên thu nhập của em bị giảm.

Cuộc sống công nhân xa nhà đã khó khăn nay lại khó khăn hơn. Mọi sinh hoạt hàng ngày của em phải tính toán chi ly nếu không thì không đủ tiền. Nhiều khi bữa cơm chỉ có rau với lạc rang, hôm nào thèm lắm mới mua 1-2 lạng thịt lợn để ăn”, chị Nga cho biết.

Chủ nhà trọ lao đao

Đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng 70 phòng trọ và 5 ki ốt cho thuê bằng số tiền vay của ngân hàng từ năm 2015, gia đình anh Trương Văn Huyền (thôn Ô Cách, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đang mất ăn mất ngủ vì công nhân trả phòng, số lượng phòng trống liên tục tăng lên.

Mặc dù anh Huyền đã giảm giá tiền phòng, hỗ trợ tiền nước nhưng hiện chỉ còn hơn 30 phòng có người thuê.

Khu trọ với hơn 50 phòng trọ nhưng chỉ vài phòng có người thuê.

"Nếu trước đây, khu nhà trọ của tôi gần như không có phòng trống, cứ có người trả phòng chưa kịp treo biển cho thuê thì đã có người hỏi thuê ngay, toàn bộ dãy trọ luôn kín người. Nhưng từ đầu năm nay thì người thuê không có, hiện 30 phòng đã bỏ trống nhiều tháng không có khách thuê.

Hiện tại tiền thu không đủ chi trả tiền điện nước, tiền lãi ngân hàng. Tình trạng này mà kéo dài thêm nữa sẽ khiến chúng tôi chẳng mấy lâm vào cảnh vỡ nợ”, anh Huyền than thở.

Kinh doanh nhà trọ 5 năm nay, bà Nguyễn Thị Nguyên (ở thôn Mẫn Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) chia sẻ, chưa khi nào thấy tình trạng phòng trống nhiều như thời điểm này. Từ đầu năm 2020, công nhân lần lượt trả phòng, hiện nhà bà Nguyên có 51 phòng trọ nhưng chỉ có 8 phòng có người thuê.

Dù đã giảm tiền phòng trọ xuống một nửa nhưng nhiều phòng trọ của gia đình bà Nguyên vẫn bỏ không nhiều tháng nay.

Những năm trước thì chúng tôi không đủ phòng cho công nhân thuê trọ, nhưng từ đầu năm nay nhiều công ty cắt giảm sản xuất, công nhân bị nghỉ việc về quê hết nên nhà trọ của tôi cứ trống huơ trống hoác. Nhiều nhà trọ ở đây cũng gặp tình trạng tương tự, chỉ còn 1 đến 2 phòng có người thuê", bà Nguyên cho biết thêm.

Trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Long Châu, huyện Yên Phong cho biết, xã Long Châu là địa phương giáp ranh Khu công nghiệp Yên Phong I, nơi thu hút hàng chục nghìn công nhân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Long Châu cho biết, lượng công nhân tạm trú trên địa bàn giảm gần 10.000 người so với những năm trước.

Hiện trên địa bàn có hơn 12.000 phòng trọ. Những năm trước, lượng công nhân tạm trú trên 15.000 người, tuy nhiên đến giữa năm 2020 chỉ còn hơn 5.000 công nhân tạm trú. Lượng công nhân giảm gần 10.000 khiến nhiều nhà kinh doanh phòng trọ khó khăn vì không có người đến thuê trọ.

"Thời gian qua nhiều công ty trên địa bàn thực hiện đưa đón công nhân tại nhà. Đặc biệt từ khi có dịch COVID-19, nhiều công ty ở Khu Công nghiệp Yên Phong I đã cắt giảm giờ làm, thậm chí còn cắt giảm nguồn nhân lực nên nhiều công nhân thuê trọ ở đây mất việc, họ đã trả phòng để về quê", ông Thái lý giải cho tình trạng ế ẩm, công nhân rời khỏi khu trọ.

Nhiều nhà trọ, ki ốt đóng cửa do không có người thuê.

Cùng chung cảnh ngộ ở xã Long Châu, những hộ kinh doanh phòng trọ tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cũng đang như ngồi trên đống lửa vì trót vay tiền ngân hàng để xây nhà trọ.

Ông Nguyễn Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã Yên Trung, huyện Yên Phong cho hay, hiện toàn xã có 950 hộ kinh doanh doanh nhà trọ với hơn 21.000 phòng trọ. Những năm trước dân số cơ học (công nhân tạm trú trên địa bàn) luôn ở mức trên 25.000 người thì nay chỉ còn khoảng 10.000 người khiến hơn 12.000 phòng trọ đang bỏ trống.

Nhiều hàng quán cũng ế ẩm theo vì công nhân giảm giờ làm, mất việc.

Suốt nhiều tháng qua, hàng nghìn hộ dân ở 2 xã Yên Trung và Long Châu, huyện Yên Phong đứng ngồi không yên khi nhìn vào cảnh tượng những dãy nhà trọ san sát nhau vốn nhộn nhịp nay bỗng vắng tanh, yên ắng lạ thường.

Những dãy nhà trọ này đang trống khoảng 50 - 70% số lượng phòng, thậm chí nhiều dãy trọ còn không có người ở vì công nhân trả phòng về quê hết.

Văn Chương

Tin mới