Samsung Galaxy Note 7 là cái tên phủ kín truyền thông trong suốt mấy tuần qua, thế nhưng mối quan tâm của người yêu công nghệ trong mấy ngày nay đã chuyển hướng sang Apple và chiếc iPhone 7. Dù không được coi là một sản phẩm đột phá nhưng dù sao nó cũng là chiếc iPhone của hãng Apple.
Với nhu cầu ngày càng lớn, Apple đang phải gánh trên vai áp lực nặng nề. Tuy nhiên, thật không may cho hãng, ngay trước khi “con cưng” của mình ra đời, Apple lại hứng chịu búa rìu dư luận khi một lần nữa, nhân viên của chuỗi cung ứng iPhone tự tử. Theo thông tin trên trang Wall Street Journal, hai nhân công tại phân xưởng lắp ráp iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu đã liên tiếp thiệt mạng. Một người trong số đó chết vì tự tử ngay sau khi kết thúc ca làm việc đêm, người còn lại tỉnh dậy giữa đêm để đi đến chỗ làm thì bị tàu hỏa đâm chết.
Rất có thể chính môi trường làm việc nổi tiếng là áp lực và khắc nghiệt của Foxconn đã khiến nhân viên này quẫn chí và kết thúc đời mình ngay tại chỗ làm. Nhưng cũng rất có thể cái chết của người đàn ông 31 tuổi này chẳng liên quan gì đến công việc cả. Nguyên nhân chính xác của vụ việc hiện vẫn chưa được đưa ra.
Còn người kia, vì sao cô lại vội vàng tới mức phải trèo qua hàng rào, đi xuyên qua đường ray để đến chỗ làm giữa trời mưa lớn để rồi bị tàu đâm phải? Cái chết của hai công nhân này đã dấy lên hồi chuông cảnh tình về điều kiện làm việc khắc nghiệt cũng như mức lương bèo bọt mà các công nhân được trả. Thu nhập thấp, những nhân viên này buộc phải làm việc thêm giờ, thậm chí lên tới 14 tiếng/ngày để đủ sống. Có phải vì những giờ làm việc liên miên khiến cô mệt mỏi tới mức không còn nghe thấy tiếng tàu đang đến gần?
Theo WSJ, Foxconn đã thuê thêm hàng chục nghìn nhân công mới để lắp ráp chiếc iPhone 7. Phía Apple thì cho rằng từ hồi các vụ tự tử xuất hiện tại Foxconn, hãng đã đôn đốc và chấn chỉnh lại các chính sách lao động của những nhà cung cấp sản phẩm cho mình. Thế nhưng, một công ty lớn như Apple chỉ làm được đến thế sao? Liệu Apple có thể cắt giảm bớt lợi nhuận của mình để đưa công việc kinh doanh với một đối tác “nhiều rắc rối” như Foxconn ở Trung Quốc tới một nơi khác bớt phiền phức hơn nhưng chấp nhận lợi nhuận ít hơn không?
Trước đây, cũng chính vì lý do này mà nhà sản xuất điện thoại Nhật Bản Freetel đã quyết định rời dây chuyền sản xuất về Nhật và chấp nhận mức chi phí cao hơn. Liệu Apple có thể làm tương tự?
Đương nhiên, lỗi lầm lớn nhất vẫn là do những lỗ hổng trong luật lao động của Trung Quốc. Theo bài viết trên trang Wired, việc cải thiện điều kiện làm việc ở các phân xưởng gần như là bất khả thi. Theo đó, dù các nhân công tại nhà máy đấu tranh mạnh mẽ để chống lại những quy định này thì nhiều quan chức chính phủ lại nhắm mắt làm ngơ.
Cả Foxconn lẫn Apple đều thể hiện niềm thương tiếc đối với sự vụ xảy ra tuần trước, nhưng thương tiếc thôi liệu có đủ?