Đất nước của ông Kim Jong-un đang thể hiện sự cởi mở hơn, khi dần bỏ "lớp áo bí mật" trước thế giới, công bố nhiều thứ hơn về đất nước mình, trong đó có đời sống công nghệ.
Đẩy mạnh công nghệ phục vụ người dân
Cuối năm 2018, truyền thông nhà nước Triều Tiên liên tục công khai các thành tựu về công nghệ cao. Tháng 11/2018, họ trình diễn "hệ thống nhà thông minh" do Đại học Kim Nhật Thành thực hiện, với khả năng điều khiển bằng giọng nói, tự động vận hành thiết bị điện tử như quạt, điều hòa, tivi và đèn.
Bên cạnh đó, các thiết bị số tiên tiến khác cũng được trưng bày tại một triển lãm công cộng ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Một chiếc Ariang 171 đang truy cập Wi-Fi miễn phí Mirae. (Ảnh: BBC)
Ngày 21/11/2018, nhóm nghiên cứu khác từ đại học này đã chế tạo thành công hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có thể nhận dạng giọng nói địa phương tốt. Một bài báo trên Rodong Sinmun cho biết, Viện Công nghệ Thông minh của Đại học Kim Nhật Thành đang "cháy hết mình với tham vọng kiểm soát lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của quốc gia".
Wi-Fi công cộng cũng được chú trọng hơn. Một trong những hệ thống mới được đưa vào sử dụng là Mirae, cho phép thiết bị di động truy cập mạng Internet nội bộ mà nhà nước phê duyệt. Đài truyền hình trung ương Hàn Quốc ngày 8/11/2018 cũng phát hiện một smartphone "cây nhà lá vườn" của Triều Tiên có tên Arirang 171 sử dụng để truy cập Mirae trong một triển lãm công nghệ.
Nhiều người trải nghiệm kính thực tế ảo trong một văn phòng ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: BBC).
Theo 38North, website chuyên theo dõi về Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ, đây là lần đầu một dịch vụ Wi-Fi công cộng được truyền thông công khai. Martyn Williams, cây viết chuyên phân tích về Triều Tiên, cũng cho biết đời sống công nghệ tại đất nước của ông Kim Jong-un đang phát triển mạnh. "Họ có đội ngũ kỹ sư phần mềm tài năng và các hệ thống cao cấp", Williams nói.
'Cách mạng công nghiệp 4.0' phiên bản Triều Tiên
Theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA), nước này nhắm mục tiêu đầu tư vào công nghệ, với mục đích tái cấu trúc nền kinh tế và thúc đẩy sức mạnh quốc gia. Trong cuộc họp Đảng Lao động hồi tháng 4/2018, Kim Jong-un nói rằng khoa học và giáo dục nên "đóng vai trò nền tảng cho việc xây dựng nhà nước và là một chỉ số quan trọng của sức mạnh quốc gia". Đồng thời, ông cũng đưa ra chính sách sớm "thực hiện một cuộc cách mạng" về lĩnh vực này.
Ông Kim Jong-un trong chuyến thăm một trụ sở công nghệ thông tin. (Ảnh: BBC)
Để hiện thực hóa, chính phủ Triều Tiên đã có những đãi ngộ cao đối với các nhà khoa học và kỹ sư, bằng cách cấp căn hộ xa hoa cũng như các đặc quyền khác.
Ri Ki-song, giáo sư viện Kinh tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Triều Tiên, cho biết nền kinh tế nước này đang dần dịch chuyển sang công nghệ cao, gọi là "nền kinh tế tri thức", đẩy mạnh công nghệ thông tin, công nghệ nano, công nghệ sinh học cũng như các ngành khoa học khác lên tầm thế giới.
Trang Rodong Sinmun mô tả nước này "phát triển theo hướng đổi mới hơn bao giờ hết" và "ưu tiên nội địa hóa, tập trung vào khoa học và kỹ thuật cho nền kinh tế quốc gia".
"Triều Tiên nhận thức rõ rằng công nghệ cao sẽ đẩy nhanh nền kinh tế. Họ đã bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư của riêng mình", Lim Eul-chul, giáo sư tại Đại học Kyungnam của Hàn Quốc, nói với Yonhap.
Những thách thức
Theo Williams, đất nước của ông Kim Jong-un đang trên đường đổi mới để trở thành một cường quốc công nghệ, nhưng nhiều khả năng họ sẽ vấp phải khó khăn so với "người hàng xóm phía Nam" Hàn Quốc. "Triều Tiên không có nhiều tài liệu sản xuất tiên tiến. Họ phụ thuộc vào nước ngoài. Ví dụ, điện thoại hay máy tính mà họ khoe trong nước, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc", Williams nhận xét.
Bên cạnh đó, quốc gia này cũng bị tố nhiều lần đánh cắp tài sản trí tuệ. Tháng 5/2018, họ bị Trend Micro cáo buộc sao chép bất hợp pháp mã nguồn từ công cụ SiliVaccine. Năm 2017, thương hiệu iPad của Apple cũng bị một công ty Triều Tiên sử dụng cho sản phẩm có tên "iPad Ryonghung". Họ cũng cấm Facebook, nhưng lại tạo ra một bản sao giống cả về giao diện lẫn tính năng.
Không nhiều người Triều Tiên được dùng Internet. (Ảnh: BBC)
Một báo cáo do Ngân hàng Phát triển Seoul (Hàn Quốc) công bố năm 2017 nhận định ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo của Triều Tiên có thể "đâm vào tường" do nguồn tài chính hạn hẹp, tình hình kinh tế và lệnh trừng phạt quốc tế.
"Ngay cả khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, một số quốc gia và doanh nghiệp có thể né tránh làm ăn với Triều Tiên bởi lo sợ hình ảnh của mình bị ảnh hưởng", chuyên gia Williams nói. "Tất nhiên, nếu có khuyến khích của chính phủ, các công ty láng giềng như Hàn Quốc không ngại đầu tư".
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng lo ngại sự bảo thủ của chính quyền Triều Tiên về cả chính sách lẫn cách truyền bá thông tin sẽ làm kìm hãm sự đổi mới, ngăn cản đầu tư nước ngoài.