Không những tốt cho sức khoẻ mà táo đỏ khô còn là nguyên liệu có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Dưới đây là những công dụng của táo đỏ khô đối với sức khoẻ.
Táo đỏ vừa là đồ ăn vừa được xem là vị thuốc tốt cho sức khoẻ vì chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, táo đỏ là loại quả thường được sấy khô trước khi sử dụng, còn được gọi với tên gọi khác là táo tàu.
Loại táo này hiện nay được trồng khá rộng rãi ở Trung Quốc và có cả ở Việt Nam. Một địa chỉ trồng táo đỏ nổi tiếng hiện nay chính là Tân Cương, Trung Quốc và được xuất khẩu sang Việt Nam rất nhiều.
Táo đỏ được sử dụng làm nguyên liệu trong các món ăn giúp bồi bổ sức khỏe như hầm sâm, hầm thuốc bắc, tần gà...
Ngoài ra, chúng cũng được sử dụng kết hợp với một số nguyên liệu khác như kỷ tử để tạo thành các loại trà thanh nhiệt như trà táo đỏ kỷ tử hay trà táo đỏ hoa cúc, trà dưỡng nhan.
Táo đỏ mang lại nhiều công dụng đối với sức khoẻ.
Báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết, theo y học hiện đại, những tác dụng của táo đỏ hầu hết đến từ thành phần dinh dưỡng bên trong.
Quả táo đỏ chứa nhiều các hợp chất chống oxy hóa. Đặc biệt, đây là nguồn cung cấp phong phú các hợp chất như flavonoid, polysaccharid và axit triterpenic.
Bên cạnh đó, táo đỏ còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và ít calo. Cụ thể, trong 100g táo đỏ sống chứa: chất béo 0,2g, chất đạm 1,2g, carbohydrate 20,2g, kali 250 mg, vitamin C 69 mg (khoảng 77% giá trị hằng ngày được khuyến nghị).
Ngoài ra, táo đỏ còn chứa một số loại khoáng chất khác như photpho, canxi, magiê và một lượng vitamin B phức hợp nhất định. Nước sắc từ dược liệu có thể làm cho Albumin huyết thanh cùng với Protid toàn phần tăng rõ. Từ đó có thể thấy rằng dược liệu này có tác dụng bảo vệ chức năng gan, đồng thời giúp tăng lực cơ.
Theo y học cổ truyền, các tài liệu đông y ghi nhận dược liệu đại táo vị ngọt, tính bình, công dụng bổ trung, cường lực, ích khí, trừ phiền muộn, dưỡng tỳ, bình vị khí, giải độc.
Ngoài ra, do lượng sắt và phốt pho dồi dào trong quả táo tàu giúp hình thành tế bào hồng cầu và hỗ trợ quá trình lưu thông máu. Ngoài ra, táo tàu còn chứa các hợp chất như saponin, ancaloit và triterpenoid có công dụng thanh lọc, loại bỏ các chất độc hại ra khỏi máu.
Không chỉ thế, táo đỏ rất giàu vitamin C giúp trẻ hóa làn da và ngăn ngừa các bệnh như chàm và kích ứng da. Thêm vào đó, táo tàu còn giúp giảm bớt nếp nhăn cũng như các vết đồi mồi và làm mờ sẹo.
Theo các chuyên gia, táo đỏ tuy tốt cho sức khoẻ nhưng liều dùng khuyến cáo là khoảng từ 5-10 quả một ngày. Tuy nhiên, tùy trường hợp, mục đích sử dụng có thể điều chỉnh và sử dụng liều lượng phù hợp để tốt cho sức khỏe. Cách phổ biến nhất là pha trà hoặc kết hợp với các vị thuốc khác rồi sắc lấy nước uống.