Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cổng dịch vụ công quốc gia và bài toán lan tỏa lợi ích, tăng sự thân thiện

(VTC News) -

Giải được bài toán này, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ thực sự phát huy vai trò quan trọng của Chính phủ số, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Người dân bất ngờ về thủ tục nhanh gọn

Thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Trần Trường Sơn, sinh năm 2007, nhà ở quận Long Biên (Hà Nội), bày tỏ sự bất ngờ: “Trước kia em cứ nghĩ thủ tục cấp hộ chiếu phức tạp lắm, nhưng không ngờ lại đơn giản thế này.

Chỉ cần dùng điện thoại thông minh kết nối mạng Internet, không cần phải đến cơ quan cấp hộ chiếu kèm theo nhiều giấy tờ, thủ tục loằng ngoằng. Em sẽ hướng dẫn cho nhiều người khác về dịch vụ công trực tuyến vì rất nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng”.

Trần Trường Sơn ở quận Long Biên (Hà Nội) cảm thất bất ngờ khi có thể nhanh chóng làm thủ tục cấp hộ chiếu trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. (Ảnh: B.M)

Nếu không có dịch vụ công trực tuyến như thế này, tôi sẽ mất khá nhiều thời gian, công sức đi lại để làm thủ tục tại cơ quan công quyền, chưa kể phải chờ đợi lâu nếu đông người xếp hàng”, chị Tâm Anh, đang làm ở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cư trú tại phố Trần Quốc Toản (Hà Nội), phấn khởi chia sẻ cảm nghĩ sau khi thực hiện xong một thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Từng trực tiếp hỗ trợ rất nhiều người dân thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chị Trần Thị Kim Thoa, nhân viên của Bưu điện Trung tâm 3 thuộc Bưu điện Thành phố Hà Nội khẳng định: “Các bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến rất đơn giản, mọi người chỉ cần truy cập địa chỉ https://dichvucong.gov.vn, đăng ký tài khoản theo số thuê bao di động chính chủ hoặc tài khoản VNeID mức độ 2, rồi thực hiện theo các bước hướng dẫn đã được công bố, và đăng ký dịch vụ chuyển phát kết quả tận nhà của bưu điện.

Sau khi hoàn thành hồ sơ sẽ có tin nhắn gửi về điện thoại. Khi nhận kết quả tại nhà (giấy phép lái xe, hộ chiếu, phiếu lý lịch tư pháp…), người dân sẽ trả cước phí chuyển phát cho nhân viên bưu điện”.

Một xu hướng mới trong quá trình xây dựng, vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia là triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình nhằm góp phần xây dựng Chính phủ số và công dân số.

Theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ mà toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng; việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Nói cách khác, trực tuyến toàn trình là người dân có thể tự làm từ nhà, không cần đến cơ quan nhà nước.

Cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình đang là một trong số 25 dịch vụ công thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tính đến ngày 18/9/2023, có gần 38.000 hồ sơ dịch vụ công toàn trình đổi giấy phép lái xe được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hơn 31.000 người dân đã nhận được giấy phép lái xe sau khi các thủ tục hành chính được hoàn tất.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh: “Việc triển khai cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã góp phần đơn giản hóa, giảm bớt thủ tục hồ sơ, tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc giải quyết thủ tục hành chính đổi giấy phép lái xe.

Tính trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa có khoảng cách đến trung tâm thành phố khoảng 300 km, mỗi hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng”.

Nhiều việc cần làm để phát huy hiệu quả của Cổng dịch vụ công quốc gia

Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức khai trương cuối năm 2019 với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, hướng tới số hóa hồ sơ, giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc thời gian, địa giới hành chính.

Việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng hàng năm của Liên Hợp Quốc.

Giao diện Cổng dịch vụ công quốc gia. (Ảnh: B.M)

Theo Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, tính đến cuối tháng 5/2023, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.419 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7 triệu tài khoản đăng ký; hơn 15,9 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 14,9 triệu hồ sơ trực tuyến cùng hơn 9,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện từ cổng này.

So những con số vừa nêu với tổng dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người thì có thể thấy vẫn còn rất nhiều người dân chưa biết đến lợi ích của phương thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Một trong những nguyên nhân chính của hiện trạng nêu trên được cho là do công tác tuyên truyền còn thiếu và yếu. Các cơ quan nhà nước không đủ nhân lực biên chế để đi khắp các tỉnh, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận “kênh” thực hiện thủ tục hành chính mới.

Nỗ lực tìm lời giải cho bài toán tuyên truyền, Cục Đường bộ Việt Nam đã ký kết Chương trình Phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ công dân cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, nhằm tận dụng mạng lưới nhân lực rộng khắp cả nước, hoạt động tới tận cấp xã, phường của Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post).

Vietnam Post đã nhanh chóng chỉ đạo các bưu điện tỉnh/thành phố phối hợp cùng các sở giao thông vận tải bố trí nhân lực, trang thiết bị để hướng dẫn, hỗ trợ công dân cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Sau khi được các cơ quan có thẩm quyền tập huấn, đào tạo về dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Bưu điện Hà Nội đã lựa chọn những giao dịch viên, cán bộ tinh thông về nghiệp vụ thủ tục hành chính để phục vụ người dân.

Bưu điện Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 600 bưu cục. Chúng tôi sẽ đầu tư trang bị thêm cơ sở vật chất, đào tạo nhân viên để người dân có thể đến đó thực hiện các dịch vụ công trực tuyến”, ông Nguyễn Hùng Sơn, Giám đốc Bưu điện Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin.

Sự hợp tác giữa Cục Đường bộ Việt Nam và Vietnam Post là một kinh nghiệm hay mà các cơ quan nhà nước khác có thể áp dụng để sớm giải bài toán tuyên truyền, qua đó lan tỏa sâu rộng hơn lợi ích của việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, muốn gia tăng nhanh số lượng người dân sử dụng dịch vụ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ quan hữu quan cần chú ý hơn tới sự đơn giản, thuận tiện của các dịch vụ công, thực sự lấy người dân làm trung tâm của hoạt động cung cấp dịch vụ trực tuyến.

Số liệu của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho hay, tới tháng 4/2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của một số bộ, ngành được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn thấp, điển hình như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đạt 9,4%.

Vẫn còn một số bộ, ngành chưa thực hiện việc số hóa hồ sơ hoặc thực hiện đạt kết quả thấp, ví dụ, tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử của Bộ Công an chỉ đạt 4,79%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 4,34%, Bộ Tư pháp 1%…

Kết quả khảo sát do nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) công bố hồi tháng 7/2023 cũng lưu ý con số đáng quan ngại: Chỉ 3,05% người được phỏng vấn cho biết đã lập hồ sơ người dùng trên Cổng dịch vụ công quốc gia và hơn 1% sử dụng Cổng dịch vụ công để làm thủ tục hành chính.

Một số vấn đề chính dẫn tới hệ lụy đáng buồn: Các tính năng để thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình chưa được bảo đảm; Quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chưa được tối ưu hóa cho người dùng; Bất cập trong kết nối dữ liệu, tài khoản và giao diện giữa hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của trung ương và địa phương; Cổng dịch vụ công còn khó tiếp cận với người khiếm thị và đồng bào dân tộc thiểu số...

Nhóm nghiên cứu chỉ rõ những bất cập phổ biến khi sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia gồm: Lỗi kỹ thuật dẫn tới khó truy cập; Không thể thanh toán trực tuyến; Chữ ký số không được duyệt; Không được giải thích; Hướng dẫn cụ thể khi hồ sơ bị sai...

Cho tới thời điểm hiện tại, không ít người dân vẫn cảm thấy khó thực hiện dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng như các cổng dịch vụ công trực tuyến của bộ/ngành/địa phương, rồi truyền miệng nhau rằng cứ làm theo cách cũ – trực tiếp ra cơ quan nhà nước, gặp cán bộ rồi nhờ cho nhanh.

Bài toán tăng sự thân thiện, thuận tiện với người dùng Cổng Dịch vụ công quốc gia vẫn đang tiếp tục chờ những lời giải hữu hiệu hơn từ phía các cơ quan nhà nước.

Hiền Minh

Tin mới