Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cổng dịch vụ công đạt mức A sử dụng giải pháp công nghệ của doanh nghiệp nội

(VTC News) -

Cùng với quá trình phát triển Chính phủ điện tử, chất lượng và năng lực phục vụ của các cổng dịch vụ công bộ ngành, địa phương liên tục được nâng cao.

Để đạt được những thành tựu ấn tượng đó, phần quyết định đến từ chính những giải pháp công nghệ “make in Vietnam”.

Sự lên ngôi của các giải pháp số từ doanh nghiệp nội

Cùng với quá trình phát triển chính phủ số, thời gian qua các bộ ngành, địa phương đã không ngừng đầu tư, nâng cấp và cung cấp dịch vụ tối ưu cho người dân trên các cổng dịch vụ công trực tuyến.

Việc đặt trải nghiệm của người dân ở trung tâm hoạt động này đã, đang tạo nên những bước nhảy vọt, không chỉ giúp rút ngắn thời gian, khoảng cách, tiết kiệm chi phí cho người dân, tối ưu hóa quá trình quản lý, vận hành số của các cơ quan, tổ chức mà đồng thời cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp số trong nước.

Để phát triển và tối ưu các cổng dịch vụ công này, việc lựa chọn các giải pháp công nghệ cũng như nhà cung cấp dịch vụ là bài toán không kém phần quan trọng của các “chủ đầu tư” là bộ, ngành và địa phương.

Theo kết quả đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương được Bộ TT&TT công bố tháng 6 vừa qua, ở khối các bộ, ngành, mức độ A có 2 bộ gồm Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng; 4 bộ đạt mức độ B là các bộ Công Thương, Công an, TT&TT và GD&ĐT; 10 bộ đạt mức độ C và 4 bộ đạt mức E.

Với khối địa phương, có 9 địa phương được đánh giá mức độ A là thành phố Cần Thơ, Bình Dương, Yên Bái, An Giang, Bến Tre, Bình Định, Hải Dương, TP.HCM, Đà Nẵng; 43 địa phương ở mức độ B; 10 địa phương ở mức độ C, 1 địa phương mức độ D là Bạc Liêu và không địa phương nào bị xếp ở mức độ E - mức kém.

Như vậy, có 11 cổng dịch vụ công đạt mức độ A trong đợt đánh giá này. Để đạt được mức độ A, ngoài việc đạt điểm đánh giá từ 90-100 điểm, các cổng dịch vụ công phải đáp ứng đầy đủ chức năng, giao diện thân thiện, thời gian tải trang dưới 2,5 giây và phản hồi dưới 0,2 giây.

Các cổng dịch vụ công đạt mức A đều sử dụng các giải pháp công nghệ của doanh nghiệp nội.

Đáng lưu ý, hầu hết các giải pháp công nghệ được cung cấp để phát triển các cổng dịch vụ công này đều đến từ các doanh nghiệp trong nước. Có 2/11 cổng sử dụng giải pháp công nghệ của UNITECH, 7/11 cổng sử dụng giải pháp công nghệ của VNPT, 2/11 cổng sử dụng giải pháp công nghệ của Viettel, 5/11 cổng được địa phương triển khai dưới hình thức thuê dịch vụ của doanh nghiệp, 6/11 cổng được triển khai dưới hình thức đầu tư mua sắm giải pháp.

Cũng theo kết quả khảo sát, đánh giá, số lượng doanh nghiệp có giải pháp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính là 20, trong đó 8 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm 69% thị phần. Cụ thể là VNPT (46%), Viettel (6%), Tân Dân (6%), FPT (6%), FDS (5%), iNet (5%), DTT (4%), Unitech (4%). Một liên danh Viettel và FDS chiếm 1% và 11 DN còn lại chiếm 17% thị phần, gồm: Đại học Cần Thơ, EFY, Savis, Cinotec, PSC, Đại Nam, SIMAX, Tecapro, Tín Đức, EDX, ICTVINA.

Sản phẩm của người Việt, vì người Việt

Dù chỉ chiếm 4% thị phần trong tổng số các doanh nghiệp có giải pháp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến nhưng Unitech cũng ghi dấu ấn đặc biệt khi góp phần giúp cổng dịch vụ công của Cần Thơ và Đà Nẵng cùng đạt được điểm A. Đặc biệt là cổng dịch vụ công TP.Cần Thơ xếp hạng cao nhất trong 63 địa phương.

Được thành lập từ năm 2007, Công ty cổ phần Unitech hoạt động chính trong các lĩnh vực phát triển phần mềm, gia công phần mềm và thiết kế - thi công mạng ở thị trường Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Năm 2020, Unitech nằm trong top 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp Chính phủ điện tử Việt Nam do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức. Doanh nghiệp cũng sớm được lựa chọn trở thành nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp xây dựng cổng dịch vụ công cho Đà Nẵng từ sớm, góp phần đưa địa phương này giành được vị trí cao trong cả nước về mức độ chuyển đổi số trong nhiều năm liên tiếp.

Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của Đà Nẵng có phát sinh hồ sơ đạt 96% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 là 80%); tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 80% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 là 60%), đồng thời tích hợp được 1.627 dịch vụ công trực tuyến lên hệ thống dịch vụ công quốc gia.

Tháng 06/2023, toàn thành phố có 94% thủ tục hành chính cung cấp toàn trình (mức 4); Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tính chung toàn thành phố đạt tỷ lệ 95%, tăng 22% so với cuối năm 2022 và cao hơn 1,5 lần so với mức trung bình toàn quốc (61,81%); và hiệu quả liên tục được cải thiện.

Đà Nẵng cũng đã xây dựng, khai thác hiệu quả các ứng dụng dùng chung như hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng một cửa điện tử, cổng dịch vụ công, ứng dụng góp ý, cổng thanh toán trực tuyến thành phố, cổng đào tạo trực tuyến thành phố.

Theo ông Sử Huy, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Unitiech, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp là xây dựng các sản phẩm góp phần phục vụ công cuộc tin học hóa của đất nước. Vì vậy, nhiều sản phẩm phục vụ chuyển đổi số cho các cơ quan quản lý nhà nước được tập trung nghiên cứu và phát triển không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác.

Các sản phẩm này đều dựa trên các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy việc xây dựng chính quyền điện tử và thực tế nhu cầu tin học hóa các nghiệp vụ quản lý nhà nước, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý và phục vụ công dân, tổ chức.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi phát triển các sản phẩm phục vụ cho chính quyền số là sản phẩm phải đơn giản, dễ sử dụng, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm cần được liên tục cải tiến, nâng cấp theo các văn bản chỉ đạo mới nhất và được thiết kế để có thể tích hợp với các sản phẩm có liên quan….

Trong thời gian tới, Unitech sẽ tiếp tục cải tiến các sản phẩm đã triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến để phục vụ tốt hơn cho người dùng. Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng mới các sản phẩm nền tảng, các hệ cơ sở dữ liệu, các giải pháp tích hợp,… phục vụ công cuộc chuyển đổi số của Đà Nẵng và các địa phương trong cả nước.

Các sản phẩm phục vụ cho chính quyền số là sản phẩm phải đơn giản, dễ sử dụng, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng. (Ảnh minh họa)

Trong số 9 cổng dịch vụ công của địa phương đạt mức độ A của đợt công bố kể trên, có 7 đơn vị đang sử dụng giải pháp công nghệ VNPT với giải pháp VNPT iGate bao gồm Bình Dương, Yên Bái, An Giang, Bến Tre, Bình Định, Hải Dương, TP.HCM.

Ngoài ra, VNPT iGate cũng đóng góp phần quan trọng trong việc xây dựng các cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và hơn 35 tỉnh/thành phố trong cả nước. Đây là hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính do Tập đoàn VNPT nghiên cứu phát triển từ năm 2014, tích hợp các công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu cổng dịch vụ công trực tuyến từ phía người dân cũng như hệ thống quản lý hồ sơ một cửa điện tử của cơ quan quản lý.

Hệ thống này cũng đã được Bộ TT&TT chứng nhận đáp ứng quy định chức năng, tính năng kỹ thuật của cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Mới đây nhất, VNPT iGate cũng vinh dự đạt giải thưởng tại Information Technology Awards ở hạng mục Giải pháp Chính phủ điện tử.

Theo đại diện VNPT, giải pháp VNTP iGate đã và đang kết nối liên thông với cổng Dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia, tích hợp với các dịch vụ khác như chữ ký số, hóa đơn/biên lai điện tử, thanh toán trực tuyến… mang lại cho người dùng một chu trình dịch vụ khép kín hoàn toàn trên môi trường số, giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cho các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, Tập đoàn này đã triển khai cấp quốc gia nền tảng số Make in VietNam By VNPT bao gồm nhiều sản phẩm số được phát triển bởi chính đội ngũ kỹ sư, chuyên gia Việt. Hiệu quả của việc đầu tư về công nghệ, về hạ tầng được thể hiện chính từ những sản phẩm mà Tập đoàn này đã đang cung cấp cho các khách hàng, bao gồm các Cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương được đánh giá mức độ A.

Ngoài ra, nhiều dự án quốc gia thành công có sự tham gia tích cực, chủ đạo của VNPT như: Cổng dịch vụ công quốc gia; Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; CSDL quốc gia về dân cư; Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước…

Bằng kinh nghiệm và nỗ lực không ngừng, VNPT đã và đang đồng hành cùng Chính phủ trong chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải thiện chất lượng hệ thống dịch vụ công, nâng cao đời sống nhân dân đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”, đại diện VNPT chia sẻ.

Viettel góp phần giúp Cổng dịch vụ công của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng đạt mức độ A.

Là doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ giúp cổng dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng đạt mức A - mức cao nhất trong tổng số 20 bộ ngành được khảo sát, Viettel hiện cũng đang cung cấp giáp pháp, xây dựng hệ thống một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến đồng bộ cho 16 bộ ngành và 6 địa phương trong cả nước, bao gồm Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch, cơ sở dữ liệu Quốc gia về đất đai, Cơ chế một cửa Quốc gia phục vụ 13 bộ ngành…

Theo đại diện Viettel, đối với chuyển đổi số lĩnh vực chính quyền, đơn vị trực tiếp triển khai của Viettel là Viettel Solutions đã đồng hành cùng Chính phủ, bộ, ngành để tư vấn và trực tiếp triển khai các giải pháp giúp hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.

Viettel Solutions cũng là đơn vị hỗ trợ thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số cho hơn 20 cơ quan, đơn vị Bộ Quốc phòng, triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho trên 40 tỉnh, thành, trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) cho hơn 30 tỉnh, thành...

Với thông điệp “Công nghệ từ trái tim - Technology with heart”, Viettel Solutions luôn lấy con người làm trọng tâm gắn liền với mọi hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh. Từ đó, các giải pháp cho xã hội số được ra đời thông qua sự thấu hiểu nhu cầu của người dân và phục vụ công tác điều hành của các cơ quan quản lý.

Bảo Anh

Tin mới