Trong khi các nước lên kế hoạch đưa công dân trở về từ Vũ Hán, những người này phải chịu đựng không ít ánh mắt nghi hoặc từ đồng hương tại quê nhà.
Tại Hàn Quốc, người dân ở Asan và Jincheon biểu tình phản đối kế hoạch đưa hàng trăm công dân Hàn Quốc hồi hương từ Vũ Hán về gần nơi họ sinh sống.
Khi các công dân Hàn Quốc chuẩn bị rời khỏi Vũ Hán tối 30/1, người biểu tình ở 2 thành phố cách Seoul khoảng 80 km này huy động máy kéo tới chặn các cơ sở cách ly tại đây.
Tại Asan, người biểu tình ném trứng và hò hét ầm ĩ khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc Chin Young tới nói chuyện. Cảnh sát phải giơ ô lên làm khiên để bảo vệ ông Young và các quan chức khác.
Người dân Asan và Jincheon phản đối kế hoạch cách ly của chính phủ. (Ảnh: Yonhap)
"Nếu an toàn thì tại sao các ông không đưa họ về địa phương của các ông", một người biểu tình hét lên.
Bộ trưởng Chin nói, ông thông cảm với những lo ngại của người dân, nhưng khẳng định các cơ sở tại Asan và Jincheon được chọn bởi đây là những nơi đủ lớn duy nhất để chứa người di tản. Các cơ sở này trước đó được dùng làm trung tâm đào tạo cho các công chức.
Chin buộc phải cắt ngắn cuộc gặp mặt cư dân Jincheon sau khi bị 2 người la mắng thậm tệ. Một số thậm chí còn nằm chắn đường khi chiếc xe hơi chở ông rời đi.
Truyền thông Hàn Quốc trước đó đăng tải hình ảnh người biểu tình túm tóc, xô đẩy và hắt nước vào một Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc khi ông tới thăm người dân ở gần cơ sở cách ly vào cuối ngày 29/1.
"Tôi là bà mẹ của 2 đứa nhỏ. Tôi rất lo lắng, tôi phải gửi chúng ở nhà bố mẹ chồng", Lee Ji-hyun, một cư dân ở Jincheon nói. Những người khác cho biết họ ngừng đưa trẻ đi học hoặc gửi chúng cho người thân ở các thành phố khác.
Tình cảnh tương tự diễn ra tại đảo Natuna khi người biểu tình tập trung trước cổng căn cứ không quân Raden Sadjad, phản đối kế hoạch của chính phủ đưa 250 công dân Indonesia từ Vũ Hán về đảo này cách ly.
"Người dân địa phương lo lắng về kế hoạch cách ly họ ở Natuna. Chúng tôi lo lắng vì virus corona lây lan rất nhanh", một người biểu tình nói.
Lý giải về lý do chọn căn căn cứ quân sự trên đảo Natuna làm nơi cách ly, giới chức Indonesia cho biết, bệnh viện quân đội tại đây được trang bị đầy đủ thiết bị y tế với sức chứa khoảng 300 người. Ngoài ra, căn cứ này cũng nằm xa khu dân cư và có đường băng ngay gần khu vực bệnh viện.
Trước đó, người dân đảo Batam, tỉnh Riau hết sức giận dữ sau khi xuất hiện thông tin chính phủ đưa những người sơ tán từ Vũ Hán về đây cách ly.
Ông Yudi Kurnai, một thành viên của hội đồng lập pháp Riau khẳng định chính phủ đã sai khi chọn Batam là khu vực cách ly vì đây là điểm đến du lịch nổi tiếng.
Người dân đảo Natuna biểu tình phản đối trước cổng căn cứ không quân Raden Sadjad. (Ảnh : Republika)
"Chính phủ nên chọn một hòn đảo khác. Đó không phải là quyết định đúng đắn khi đưa họ tới Batam", ông này cho hay.
Dư luận chỉ lắng xuống sau khi người phát ngôn của Cơ quan Thương mại Tự do Batam Dendi Gustinandar cho biết hiện không có cuộc thảo luận nào về việc đưa công dân Indonesia từ Vũ Hán về đây sơ tán.
Với trường hợp của nhiều người Australia tại Vũ Hán, họ chọn ở lại thay vì lên những chiếc máy bay sơ tán để trở về quê nhà.
Lý do theo Wenbo Yu, cư dân Adelaide có vợ và 2 con sống tại Vũ Hán là bởi họ không muốn bị "cầm tù" ở đảo Giáng Sinh.
Theo kế hoạch sơ tán được Thủ tướng Scott Morrison công bố hôm 29/1, những người được sơ tán khỏi Vũ Hán sẽ bị cách ly 14 ngày trên đảo Giáng sinh, hòn đảo từng là trung tâm chuyên tạm giữ những người vượt biên.
"Chúng tôi muốn ở lại Vũ Hán hơn. So với thành phố này, đảo Giáng sinh còn khó lường hơn nhiều", Wenbo nói.
"Chúng tôi không phải tù nhân. Sao họ có thể đưa chúng tôi tới trại giam thay vì cơ sở y tế riêng biệt", Liu, một phụ nữ Sydney sống tại Vũ Hán bức xúc.
"Nó thực sự tàn nhẫn. Không nước nào có thể nghĩ đến nó. Các quốc gia khác sẽ đưa người vào bệnh viện và trung tâm y tế thích hợp và cơ sở y tế phù hợp", Rui Severino, cư dân Melbourne sống tại Trung Quốc 4 năm nói. Ông này cũng tức giận trước việc chính phủ Australia yêu cầu người dân trả 1.000 USD cho chuyến bay hồi hương.