Do tâm lý chủ quan, e ngại việc thi cử, nhiều người dân chọn mua giấy phép lái xe (GPLX) giả qua mạng thay vì thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Câu chuyện của người mua bằng lái giả
Với lý do công việc kinh doanh bận rộn, ái ngại đi thi, chị N.A (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã quyết định đặt mua giấy phép lái xe hạng B1 thông qua quảng cáo trên Facebook.
“Nhận thấy bản thân đã biết lái xe rồi, cũng không sắp xếp thời gian để đi học nên tôi đã đặt mua bằng qua một fanpage với giá 1 triệu rưỡi từ cuối năm 2019”, chị N.A kể.
Hơn 1 tuần sau khi đặt hàng và gửi thông tin cá nhân cùng ảnh, chị N.A nhận được giấy phép lái xe ô tô thông qua một đơn vị giao hàng. Trên bao bì kiện hàng không hề ghi tên cũng như địa chỉ người gửi.
Giấy phép lái xe hạng B2 giả được chị N.A đặt mua trên mạng xã hội
“Sau khi nhận, tôi so sánh với bằng lái xe của chồng tôi thấy nó giả giả, chữ in thì chỗ mờ, chỗ đậm. Đến mình nhìn còn thấy giả chứ nói gì đến cảnh sát giao thông, sợ nếu bị phát hiện sẽ bị phạt nặng nên tôi không dám dùng. Thời điểm hiện tại tôi vẫn chưa đi thi bằng, tôi cũng chỉ dám chạy xe một số đoạn đường ngắn từ nhà đến chỗ làm thôi”, chị N.A nói.
Cũng mang tâm lý e ngại việc học và đi thi, M.V.L (sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải) chọn mua giấy phép lái xe hạng A1 qua mạng.
“Trường ở quận Cầu Giấy mà tôi trọ ở khu Nhổn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - PV), đi học chủ yếu bằng xe buýt. Giữa năm 2021, khi chuẩn bị bước sang năm học thứ 2, bố mẹ có mua cho tôi chiếc xe máy để di chuyển thuận tiện hơn. Thay vì đăng ký thi thì tôi lựa chọn mua bằng với giá 800.000 đồng do ngại việc học rồi thi”, M.V.L nói.
Sử dụng giấy phép lái xe giả một thời gian, vì chưa vi phạm luật giao thông nên L. cũng không để tâm lắm đến việc này.
“Thời gian sau, một lần xem tin tức về việc cơ quan chức năng bắt giữ nhiều người sử dụng bằng lái giả, một số trường hợp không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn khởi tố hình sự vì tội sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật. Tôi mới vỡ lẽ ra, đúng là mình đang vi phạm pháp luật.
Trước đây cứ nghĩ rằng bằng giả họ làm tinh vi, công an khó mà phát hiện mà nếu bị phát hiện chắc cũng chỉ bị thu bằng thôi. Tôi lập tức huỷ chiếc bằng giả và đăng ký thi ngay”, anh L. nói thêm.
Anh N.V.M (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng là một trường hợp lựa chọn mua bằng xe máy thay vì đăng ký thi.
Nói về hoàn cảnh của mình, anh M. cho biết: “Trong một lần bất cẩn tôi làm rơi ví, tất cả giấy tờ từ chứng minh nhân dân, đăng ký xe, giấy phép lái xe… cho đến thẻ ngân hàng đều mất. Ngặt nỗi tôi cũng thất lạc luôn hồ sơ gốc nên phải thi chứ không được cấp lại bằng lái”.
Thông qua lời giới thiệu của một người bạn, anh M. liên hệ với các đối tượng cung cấp giấy phép lái xe với lời quảng cáo “cấp bằng lái xe không phải thi, bằng thật, phôi thật” với giá 1,5 triệu đồng cho hạng A1.
“Tôi cũng nghĩ so với việc làm hồ sơ thi lại hơn 800.000 đồng thì mất gần gấp đôi tiền chắc họ sẽ lo toàn bộ thủ tục cho mình. Mãi cho đến giữa năm ngoái, khi bị cảnh sát giao thông bắt, phát hiện bằng giả, tôi mới biết là mình bị lừa.
Cũng may khi đó tôi còn giữ những tin nhắn trao đổi với bên làm bằng nên các anh công an cũng thông cảm, chỉ tịch thu bằng và yêu cầu tôi sớm đăng ký thi lại để có bằng”, anh M. kể.
Xử lý người dùng bằng giả thế nào?
Kiểm tra giấy chứng minh thư của người điều khiển cùng GPLX, nếu không khớp nhau hay có dấu hiệu làm giả dấu của cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ bàn giao cho công an phường gần nhất để làm rõ”.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 6 Công an TP. Hà Nội
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 6 Công an TP. Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, việc sử dụng GPLX giả, từ GPLX mô tô đến giấy phép lái ô tô, khá phổ biến. Nguyên nhân là do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, ngại việc nộp hồ sơ học rồi đi thi, cộng với việc mời chào hấp dẫn từ các trang mạng xã hội là chỉ cần nộp ảnh, thông tin cá nhân và tiền là có thể có GPLX.
“Công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có những biện pháp, nghiệp vụ để quản lý chặt chẽ. Về việc xử lý của lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội, đa số phát hiện theo cảm giác, với những trường hợp nghi vấn chúng tôi sẽ tra cứu tại website, cổng thông tin. Kiểm tra giấy chứng minh thư của người điều khiển cùng GPLX, nếu không khớp nhau hay có dấu hiệu làm giả dấu của cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ bàn giao cho công an phường gần nhất để làm rõ”, thiếu tá Chinh nói.
Theo thiếu tá Trần Quang Chinh, sử dụng bằng giả, giấy tờ giả sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự, tùy tính chất và mức độ nghiêm trọng, vì vậy người dân khi đủ tuổi và có nhu cầu được cấp GPLX cần học, thi theo đúng quy định.
Theo một số luật sư, tài xế cố ý làm hoặc sử dụng bằng giả để qua mặt cơ quan chức năng, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 2 - 5 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 3 - 7 năm:
a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng