Ngày 10/4, đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH, Công an TP Hà Nội) cho biết, trước thực trạng nhiều tổ chức, doanh nghiệp nêu khó khăn trong việc áp dụng Quy chuẩn Việt Nam về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD), đơn vị đã đề xuất 6 giải pháp "gỡ vướng" với Bộ Xây dựng.
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội đề xuất, nghiên cứu, bổ sung quy định về khoảng cách bố trí giữa 2 thang bộ thoát nạn tính theo đường chéo đối với hành lang an toàn. Cho phép không quy định chiều rộng khe hở giữa các vế thang bộ thoát nạn trong trường hợp công trình được trang bị hệ thống họng nước chờ khô.
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho rằng, đây là một trong những giải pháp có thể tháo gỡ cho nhiều dạng công trình phù hợp với các yêu cầu kiến trúc, kết cấu.
Hàng loạt cơ sở kinh doanh karaoke ở Hà Nội phải đóng cửa vì không đủ điều kiện PCCC.
Thứ hai, nghiên cứu, cho phép áp dụng các giải pháp tăng cường đối với công trình cao đến 25m được bố trí một thang bộ thoát nạn an toàn. Cho phép chiều rộng vế thang tối thiểu 0,7m được phép áp dụng đối với một số loại công trình đặc thù có quy mô nhỏ dưới 300m2/sàn, số lượng người tập trung thấp dưới 20 người/ tầng.
Thứ ba, hướng dẫn, làm rõ quy định để cho phép sử dụng cầu thang bộ loại 3 đối với cơ sở kinh doanh karaoke (tại mục A.4.3 QCVN 06:2022/BXD quy định “lối ra thoát nạn từ mỗi tầng nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải được dẫn vào buồng thang bộ với cửa ngăn cháy loại 2”) vì đây là thang bộ an toàn.
Thứ tư, hướng dẫn, chỉnh sửa quy định ngăn hành lang thành những đoạn nhỏ hơn 60m bằng vách ngăn cháy để xác định yêu cầu bảo vệ chống khói theo Phụ lục D - QCVN 06:2022, không cần thiết phải quy định cơ cấu tự động đóng đối với cửa các gian phòng khi cửa mở vào hành lang bên khi đã được thoát khói trực tiếp.
Công an TP Hà Nội thực tập PCCC với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn.
Thứ năm, cần nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định về kích thước bãi quay xe, tránh xe quy định tại QCVN06:2022/BXD phù hợp với thực tế thông số phương tiện xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện nay được trang bị cho các địa phương.
Thứ sáu, nghiên cứu, chỉnh sửa quy định yêu cầu trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các công trình độc lập theo hướng không quy định cơ sở phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà. Chỉ quy định cấp nước chữa cháy bên ngoài đối với hạ tầng khu đô thị, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, gắn với quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, cải tạo theo hạ tầng cơ sở chung.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, sau khi đề xuất 6 giải pháp, đại diện Bộ Xây dựng ghi nhận, đồng thời giao Vụ Khoa học Công nghệ sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn khẩn trương tập hợp, nghiên cứu.
Trước mắt sẽ có hướng dẫn về việc triển khai, áp dụng QCVN 06:2022 và tiếp tục nghiên cứu những quy định còn bất cập để chỉnh sửa, bổ sung trong thời gian tới để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng.