- Ông Chử Văn Đỗ phải không? Đồng chí Chử Văn Khánh trên đường đi làm nhiệm vụ đã xảy ra tai nạn, bị thương rất nặng. Mời gia đình lên ngay Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Tôi không thể nào quên hôm đó, lúc 16h30 ngày 18/3/2018. Khi gia đình đang chuẩn bị cơm tối, chiếc điện thoại đổ chuông liên hồi. Số máy lạ. Tôi nhấc máy, đầu dây bên kia giọng nói gấp gáp.
Tôi như chết lặng. Vợ tôi cũng không thể đứng vững.
Trấn tĩnh lại, vợ chồng chạy ra đầu đường, vẫy vội taxi đến viện. Tôi thầm mong đó chỉ là thông tin nhầm lẫn thôi.
Quãng đường từ nhà (xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội - PV) đến Bệnh viện Bạch Mai hơn 10 km nhưng tôi cảm tưởng dài bằng cả cuộc đời. Những hình ảnh của Khánh hiện trước mắt như một thước phim.
Khánh đen nhất nhà nên hồi bé được gọi là "cu đen". Nhà nghèo, làm lụng có khi chẳng đủ ăn nên anh em nó thiệt thòi nhiều lắm. Nhưng may mắn là Khánh luôn khoẻ mạnh, chả mấy khi ốm đau. Lên 6 tuổi, con đã biết phụ giúp bố mẹ, anh chị chuyện nhà cửa rồi.
Tuổi thơ của Khánh cứ thế trôi qua bình lặng, luôn là đứa ngoan ngoãn, chịu khó và chăm chỉ học hành.
Sau khi học hết cấp 3, thay vì lựa chọn một trường đại học danh tiếng, Khánh theo học Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, cũng vì lo cho bố mẹ, vì "nhà mình nghèo". Hoàn thành chương trình cao đẳng, lúc con đang chờ xin việc, gia đình động viên học liên thông lên đại học nhưng cháu từ chối, sợ bố mẹ lại vất vả thêm.
Giữa năm 2015, đúng dịp tuyển nghĩa vụ công an, Khánh xin bố mẹ đăng ký và mong muốn vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa ôn luyện để thi vào trường cảnh sát, công việc ổn định, đỡ đần được bố mẹ.
Tháng 9/2015, Khánh đăng ký thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân và được Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội tuyển vào làm chiến sĩ nghĩa vụ K52. Sau 5 tháng huấn luyện, đến tháng 1/2016, Khánh được phân công công tác tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 12, Công an TP Hà Nội.
Một lần, con gọi về cho gia đình kể vừa đi trục vớt thi thể chết đuối dưới ao. Tôi hỏi không sợ à? Cháu đáp: "Sợ lắm bố, nhưng nhiệm vụ mà. Nếu mình không làm thì ai làm". Tôi tự nhủ con trai của bố đã trưởng thành thật rồi.
Liệt sĩ Chử Văn Khánh giành được nhiều bằng khen trong thời gian công tác tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 12, Công an TP Hà Nội.
Trong suốt thời gian công tác tại đơn vị, Khánh là chiến sĩ gương mẫu trong học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2016, Chử Văn Khánh đạt danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” và năm 2017 là “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Cùng đó, con tôi nhiều lần được Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội và UBND huyện Thường Tín khen thưởng bởi thành tích xuất sắc trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn 2 huyện Thường Tín, Phú Xuyên...
Dòng suy nghĩ đứt đoạn khi chiếc taxi dừng trước Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Vừa đặt chân xuống xe, một người mặc quần áo công an đứng chờ sẵn, dẫn vợ chồng tôi đến phòng cấp cứu. Tới nơi, rất đông đồng đội của Khánh có mặt ở đó. Con tôi nằm trên giường bệnh, máu đầy người. Dù mê man nhưng khi bố đến cầm tay, con đã cử động một chút.
Quay sang nắm tay bác sĩ đang đứng cạnh, tôi nói, giọng run rẩy: "Mong bác sĩ hãy cứu lấy con tôi, dù bất cứ giá nào. Vợ chồng tôi bán hết đất cát, nhà cửa cũng được, phải cứu được Khánh".
Nhưng đáp lại người cha đang lo lắng là tiếng thở dài cùng ánh mắt chia sẻ, thương cảm. Tôi biết con sắp bỏ vợ chồng mình mà đi mãi mãi.
Chuyện gì đến cũng phải đến. 0h45 ngày 19/3/2018, mặc dù được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai tận tình cứu chữa, do vết thương quá nặng, Khánh ra đi trong vòng tay của gia đình, đồng đội.
Sáng 20/3/2018, lễ tang con trai tôi được tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai. Hôm đó, rất đông người thân, đồng đội có mặt. Dọc lối vào nhà tang lễ xếp kín hai hàng hoa trắng.
15h30 hôm ấy, con tôi an nghỉ tại nghĩa trang nhân dân xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Mất con! Thế là mất tất cả!
Từng ngày trôi qua, với tôi, cảm tưởng như địa ngục trần gian. Không ăn. Không ngủ. Suốt ngày chỉ quệt nước mắt và nén tiếng thở dài. Vợ tôi cũng đau đớn lắm. Nỗi đau quá lớn làm bà ấy như già đi cả chục tuổi.
Có lẽ, hai vợ chồng khó mà trụ vững nếu không có sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần từ phía anh em, đồng đội của Khánh.
Năm 2019, từ thực trạng hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hà Nội, đã trao tặng 100 triệu đồng. Bên cạnh sự giúp đỡ về mặt vật chất, điều làm tôi trân quý nhất là cứ đến dịp lễ, Tết, giỗ chạp, đồng đội của con trai đều ghé thăm, thắp cho Khánh nén hương tưởng nhớ. Những thứ chúng tôi chưa làm được, các cháu cũng xắn tay áo lên giúp đỡ gia đình, khi thì sửa mái bếp, lúc lại đóng cánh cửa đã cũ...
Trước đây, gia đình ở trong căn nhà cấp 4 xây dựng lâu năm, đã xuống cấp, dột nát. Dịp Tết năm 2022, lãnh đạo Công an thành phố đến, các anh bảo sẽ vận động, giúp đỡ vợ chồng tôi có căn nhà mới, chỗ đặt ban thờ của Khánh sẽ khang trang hơn.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội (thứ ba từ trái qua) cùng lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì và các cán bộ, chiến sĩ dự lễ khánh thành nhà tình nghĩa, tặng gia đình liệt sĩ Chử Văn Khánh. (Ảnh: Báo Công an nhân dân).
Công an thành phố Hà Nội đã vận động cán bộ, chiến sĩ ủng hộ 200 triệu đồng, số còn lại gia đình được các mạnh thường quân hỗ trợ và vay mượn anh em, bạn bè. Nhà mới được khánh thành hôm 18/7, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an thành phố - đến dự.
Ngày hôm đó, trước bàn thờ Khánh, tôi khấn: “Con ơi! Đã có nhà mới rồi, lãnh đạo các cấp, đồng đội luôn ở bên con, giúp đỡ bố mẹ. Mong con an lòng. Hãy phù hộ cho anh em, đồng đội luôn mạnh khoẻ, công tác tốt”.
Bên cạnh căn nhà khang trang, năm nay, vợ chồng tôi còn nhận thêm nhiều niềm vui. Đó là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với sự hy sinh của con trai.
Sáng 23/1, Công an thành phố Hà Nội tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng và trao bằng Tổ quốc ghi công đối với Liệt sĩ Công an nhân dân Chử Văn Khánh. Sau đó vài hôm, biển tên Khánh cũng được đặt tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Công an thành phố Hà Nội.
Vợ chồng ông Chữ Văn Đỗ xem lại những hình ảnh kỷ niệm về con trai - liệt sĩ Chử Văn Khánh.
Chiếc tủ ngay cạnh bàn thờ Khánh, nơi đựng những món đồ mà vợ chồng tôi coi như báu vật - là những vật dụng của con trai khi còn sống. Từ những bộ quần áo hàng ngày, sách vở hồi cấp 3, cho đến bộ cảnh phục.
Người ta bảo đồ đạc của người mất không nên giữ lại, nhưng con mình mà, mình dứt ruột đẻ ra mà bỏ hết đi cũng không đành. Giữ lại để thi thoảng lấy ra ngắm cho đỡ nhớ, để vẫn cảm giác như con vẫn còn đâu đây. Người ta chỉ thực sự chết đi khi bị lãng quên, còn Khánh luôn trong trái tim của vợ chồng tôi và anh em, đồng đội.
Trên đây là tâm sự về con trai - liệt sĩ Chử Văn Khánh - được ông Chử Văn Đỗ chia sẻ với phóng viên VTC News vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8).
Liệt sĩ Chử Văn Khánh sinh năm 1993, quê quán thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì. Tháng 9/2015, anh tình nguyện đăng ký nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an thành phố Hà Nội.
Ngày 18/3/2018, chiến sĩ Chử Văn Khánh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ cấp bách cứu người bị nạn. Trên đường thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, chiến sĩ Chử Văn Khánh hy sinh.