"Tôi gần như kiệt sức và luôn trong trạng thái căng thẳng đầu óc", chị Nguyễn Thuý My (Hà Đông, Hà Nội) thốt lên sau hơn một tuần con học online năm học mới 2021 - 2022.
Do đặc thù công việc nên trong khoảng thời gian Hà Nội giãn cách xã hội chị My luân phiên vừa đi làm, vừa kết hợp với xử lý công việc online hàng ngày để tiện trông con. Bố hai đứa nhỏ đang kẹt lại miền Trung, chị phải lo tất cả công việc trong nhà.
Từ ngày 2 con vào năm học mới online, sinh hoạt gia đình chị xáo trộn hoàn toàn. Những ngày đầu giãn cách, hai đứa có thể tự trông nhau để mẹ đi làm, nhưng khi học online thì luôn cần phụ huynh theo sát mỗi ngày.
Năm nay, con gái lớn lớp 6 và cậu út lớp 1 cùng học online từ 19h mỗi ngày. Do cả hai con đều bắt đầu học chương trình, sách khoa mới, nên mẹ luôn "phân thân" để ngồi cạnh, theo dõi hay kịp thời xử lý những trục trặc máy móc, phần mềm khi cần. Mỗi chị em được mẹ sắp xếp cho ngồi học ở phòng riêng để không bị tiếng ồn làm ảnh hưởng.
Tuy nhiên, "cuộc chiến" thực sự bắt đầu khi đang trong giờ học, con gái lớn réo gọi mẹ trợ giúp mất kết nối mạng, đứa nhỏ lại gọi mic cô nói con không nghe thấy gì. Hay mỗi lúc cô giáo giao bài tập cần sự trợ giúp của phụ huynh. Khi đó chị lại đọc sách giáo khoa để hiểu và hướng dẫn con mà vô tình bỏ lơ đi việc học của bé còn lại.
Mỗi buổi học online, chị luôn mong có "ba đầu, sáu tay" để có thể trợ giúp hai con. Chị lo ngại, việc học online không thể mang lại chất lượng như trên lớp, nếu không kèm đúng thì kết quả không đáng là bao.
Đến 21h, khi các con kết thúc buổi học, cũng là lúc chị kiệt sức và đau đầu. Đợi đến khi hai con lên giường ngủ hết, chị mới tranh thủ mở máy tính, xử lý nốt việc công ty.
"Nhiều lúc, tôi từng nghĩ để cho bé nhỏ tạm nghỉ một năm, tập trung cho bé lớn trước. Nhưng ngẫm lại, làm như vậy sẽ rất có lỗi cho tương lai của con, tôi lại tự động viên mình cố gắng", chị My giãi bày tâm sự.
Học sinh học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ)
Đây là tuần học online thứ hai của cô con gái lớp 5 nhà chị Lê Thị Mai Anh (Hoàng Mai, Hà Nội). Hằng ngày giáo viên lớp sẽ gửi bài giảng và bài tập lên nhóm chat Zalo để hướng dẫn phụ huynh dạy con tự học trước những kiến thức cơ bản trước mỗi buổi học trực tuyến. Chị luôn cẩn thận ghi chép lịch học và những yêu cầu của cô giáo với con.
Mỗi ngày, chị Mai Anh dạy sớm vừa tranh thủ xử lý việc cơ quan vừa đọc hiểu và in bài tập Toán, Tiếng Việt và đề Tập làm văn cho con kịp 8h ngồi vào bàn học.
Việc dạy con học không dễ như chị nghĩ. Chị lúng túng khi gặp những bài toán của học sinh lớp 5, không đơn giản là cộng trừ nhân chia mà có nhiều đánh đố và cách giải khác nhau. Mỗi lúc như vậy, chị đều nhắn tin hỏi cô trên nhóm phụ huynh để được giải đáp, hiểu và hướng dẫn lại con học.
Vừa dạy con, vừa phải hoàn thành công việc cơ quan, chị luôn thấy căng thẳng và mệt mỏi. Thời lượng chị dành để hướng dẫn con học luôn nhiều hơn cho công việc. Nhiều khi dealine sếp giao ban ngày không kịp hoàn thành, chị phải cả đêm để xử lý công việc.
Dù không đặt nặng thành tích học tập của con nhưng chị không muốn con bị hụt kiến thức trong kỳ nghỉ kéo dài mà chưa biết khi nào đi học lại. Do đó, dù có chút mệt mỏi nhưng chị vẫn động viên bản thân cố gắng để con được học tốt nhất.
Chị Trần Quỳnh Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Nhà chị có hai bé trai cách nhau hai tuổi, chỉ giải quyết tranh cãi giữa chúng đã hết ngày chưa kể chuyện hướng dẫn học, lo ăn uống. Ban ngày, bạn lớp 3 học online; tối đến chị lại phải tất tả cơm nước rồi vào học online cùng bạn lớp 1.
Rồi ban ngày vừa làm việc vừa trông bạn lớn học online, vừa hướng dẫn bạn lớp 1 tập viết. Buổi tối thì ngược lại, vừa ngồi học online với bạn lớp 1, vừa tranh thủ nhắc nhở bạn học lớp 3 hoàn thành bài tập cô giáo giao, từ làm toán, viết chính tả tới dạy cả tiếng Anh tới tập thể dục.
Chị Hoa chia sẻ: "Công việc của tôi đòi hỏi sự tập trung cao. Áp lực về thời gian, về độ chính xác của thông tin luôn đè nặng. Bình thường trong những ngày làm việc ở nhà, tôi cũng phải đóng kín cửa để tập trung cho công việc. Nay hai con học online tôi không thể nào tập trung được. Có những thời điểm dù sắp phải hoàn thành yêu cầu của sếp nhưng trong đầu tôi chẳng chỉ văng vẳng những lời dạy của cô giáo con và sự tức giận với thái độ học miễn cưỡng của con".