Artemis 1 là bước đầu tiên trong tham vọng của NASA nhằm đưa con người trở lại mặt trăng vào cuối thập kỷ này. Nếu không có bất kỳ trục trặc nào, một siêu tên lửa sẽ cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy 19h33 ngày 29/8, quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng trong 42 ngày trước khi quay trở lại Trái Đất.
Artemis 1 được xem là dấu mốc cực kỳ quan trọng đối với NASA nói riêng và ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu nói chung. Đây là sự hợp tác của nhiều cái tên “máu mặt” trong lĩnh vực này như Boeing đảm nhận bộ phận tên lửa phóng thế hệ mới (Space Launch System - SLS), Lockheed Martin tham gia chế tạo khoang chứa phi hành đoàn Orion và một phương tiện hạ cánh trong tương lai gần sẽ được hoàn thiện bởi Space Exploration Technology.
Có thể thấy, NASA và các bên hợp tác đã đặt cược cực lớn cho sứ mệnh Artemis, bởi đây là nhiệm vụ đầu tiên với những phương tiện được nghiên cứu và phát triển hoàn toàn bởi NASA kể từ khi cơ quan này ngừng khai thác các tàu con thoi từ hơn một thập kỷ trước.
Sau khi các tàu con thoi lần lượt bị cho nghỉ hưu, NASA đã buộc phải phụ thuộc vào tên lửa đẩy Soyuz của Nga và gần đây là bộ đôi tên lửa Falcon 9 và khoang phi hành đoàn Dragon từ SpaceX.
Để hiện thực hóa giấc mơ quay trở lại Mặt Trăng, NASA đã phải trải qua một chặng đường dài đầy gian nan. Bởi lẽ sau chương trình Apollo đầy đắt đỏ, nhiều chính phủ trên thế giới đã phải lên tiếng phản đối và yêu cầu hoãn vô thời hạn các sứ mệnh vũ trụ tương tự vì nguồn ngân sách khổng lồ mà chúng yêu cầu.
Được đặt tên theo người chị sinh đôi của thần Mặt Trời Apollo, sứ mệnh Artemis cũng đã tiêu tốn của NASA và chính phủ Mỹ không ít tiền của. Theo Bloomberg, hệ thống phóng SLS thế hệ mới đã được nghiên cứu và phát triển suốt một thập kỷ qua nhưng đã không ít lần phải dừng hoạt do các khó khăn về kỹ thuật cũng như ngốn quá nhiều ngân sách.
Thế hệ tên lửa đẩy mới của NASA hiện đã chậm 5 năm so với kế hoạch ban đầu và tiêu tốn của người Mỹ đến 23 tỷ USD, trong khi ước tính ban đầu chỉ rơi vào khoảng 7 tỷ USD. Boeing, đối tác lớn nhất của NASA, đã chỉ trích cơ quan hàng không vì SLS và chỉ ra hàng loạt thiếu sót trong quá trình phát triển và thử nghiệm hệ thống tên lửa này.
Do sức ép từ nhiều phía, cả NASA và Boeing đều đang cố gắng nhấn mạnh rằng Artemis 1 hiện chỉ là thử nghiệm đầu tiên của cả chương trình. “Chắc chắn là có nhiều rủi ro. Do đó, chúng tôi đang cố gắng hết sức để giảm thiểu những nguy cơ này”, Jim Free, Phó Giám đốc Phát triển Hệ thống Thăm dò NASA, chia sẻ.
Nhưng ngay cả khi thử nghiệm thành công, động cơ đẩy thế hệ mới của Boeing và NASA khả năng cao vẫn không thể thỏa mãn giới chuyên gia toàn thế giới. Bởi lẽ, SLS có chi phí vận hành quá đắt đỏ và hoạt động rất thiếu hiệu quả.
Trong khi đó, đối thủ của nó là tên lửa đẩy Starship của SpaceX lại có sức mạnh vượt trội và chi phí phát triển, vận hành rẻ hơn hẳn. Bên cạnh đó, tên lửa của SpaceX có thể được tái sử dụng, còn SLS sẽ nổ tung mỗi lần phóng. Tuy nhiên Starship hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ mất thêm nhiều năm để có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên. Hơn nữa, NASA cũng đã đàm phán với SpaceX để sử dụng Starship làm động cơ đẩy cho phi thuyền trong quá trình cất và hạ cánh trên Mặt Trăng. Do đó, ngoài việc là đối thủ của nhau, Starship và SLS hiện cũng đều đang cùng phục vụ trong sứ mệnh Artemis.
Dự kiến tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion sẽ được phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào ngày 19h33 tối nay theo giờ Việt Nam. Theo kế hoạch, 2 giờ sau khi phóng, tầng trên của SLS sẽ được kích hoạt để đẩy khoang Orion lên Mặt Trăng.
Tàu vũ trụ này sẽ tiếp cận bề Mặt Trăng trong phạm vi 95km và lợi dụng trọng lực để quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng. Nhiệm vụ sẽ kéo dài tổng cộng 42 ngày cho đến khi quay trở lại Thái Bình Dương vào ngày 10/10. Con tàu sẽ được trục vớt bởi thuyền của Hải quân Mỹ.
Mục tiêu của sứ mệnh Artemis 1 lần này là chứng minh rằng tàu vũ trụ Orion “không người lái” hoàn toàn có thể phóng thành công và trở lại trước khi thực hiện nhiệm vụ đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng. Nếu thành công, đây sẽ là quãng đường xa nhất mà bất kỳ tàu vũ trụ chở người nào từng thực hiện, NASA cho biết.