Lo lắng, tránh né các hoạt động tập thể có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu. Đây là bệnh tâm lý phổ biến nhất ở thanh thiếu niên, trong đó, 32% người bị chứng này từ khi còn nhỏ. May mắn, bệnh có thể điều trị nếu cha mẹ biết cách.
Cân nhắc các phương pháp điều trị
Nếu không được điều trị dứt điểm, chứng rối loạn lo âu sẽ kéo dài. Các nhà trị liệu tâm lý và bác sĩ tâm thần sẽ giúp bạn biết rằng con của mình có đang gặp phải bệnh này hay không và chọn phương pháp điều trị thích hợp. Trong số đó, tâm lý trị liệu là phương pháp hiệu quả đối với trẻ em. Đứa trẻ sẽ phải tiếp xúc với các tình huống gây ra trạng thái lo âu và được dạy cách để điều chỉnh tâm trạng của mình.
Hãy tìm bác sĩ trị liệu phù hợp nhất với gia đình bạn. Phương pháp trị liệu này sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi bạn hiểu rõ, tham gia vào việc xây dựng các phương pháp trị liệu, phản hồi kết quả trị liệu cho bác sĩ tâm lý. Trước khi bắt đầu điều trị, hãy hỏi bác sĩ một số câu hỏi như: "Bác sĩ nghĩ phương pháp nào là phù hợp để điều trị cho con của tôi?", "Chúng tôi có thể làm gì để phối hợp với bác sĩ?" hoặc "Tôi nên làm gì nếu tình hình của con không được cải thiện?"
Bên cạnh phương pháp tâm lý trị liệu, thuốc hướng tâm thần (một chất hóa học làm thay đổi chức năng não sẽ dẫn đến sự thay đổi về nhận thức, hành vi, tâm trạng) cũng được một số cha mẹ sử dụng để chữa trị chứng rối loạn lo âu. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho con mình sử dụng.
Lập kế hoạch để con tiếp cận với những vấn đề gây ra sự lo lắng
Chứng rối loạn lo âu bao gồm sự lo lắng và cả sợ hãi khi tiếp xúc với một vật hay hoàn cảnh nào đó mà trên thực tế không hề nguy hiểm. Thông thường, cha mẹ sẽ tránh để con cái gặp phải những tình huống như vậy. Cách phổ biến nhất cha mẹ thường dùng là: để chúng ngủ trên giường của mình, cho phép chúng nghỉ học và không tham gia các hoạt động cộng đồng.
Cách này giúp đứa trẻ tránh được sự lo lắng trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng về lâu về dài, đó lại là phương pháp kém hiệu quả. Khi đứa trẻ càng tránh những tình huống khiến chúng lo lắng, chứng rối loạn lo âu sẽ càng nặng thêm. Giúp trẻ đối diện với sự lo lắng đồng nghĩa với việc bạn đang tạo cơ hội để chúng nhận ra sự lo lắng ấy là không có cơ sở.
Khuyến khích trẻ đối diện với nỗi sợ là một quá trình không hề đơn giản. Đứa trẻ sẽ có phản ứng quyết liệt khi bị buộc phải đối mặt với nỗi sợ đó. Hãy lập ra một kế hoạch lâu dài để giúp đứa trẻ thay đổi từng ngày. Sự hỗ trợ từ những thành viên khác trong gia đình, từ bác sĩ tâm lý, thầy cô giáo,...sẽ giúp bạn thực hiện kế hoạch thành công.
Khen ngợi con khi chúng đạt được thành công
Tâm trạng lo lắng không phải lúc nào cũng xuất hiện. Tìm kiếm những khoảnh khắc con bạn gặp hoàn cảnh gây sợ hãi mà vẫn kiểm soát được cảm xúc của mình và khen ngợi chúng. Phát hiện ra sự tiến bộ và khen ngợi sẽ làm tăng hy vọng, sự tự tin, động lực cho đứa trẻ. Bạn có thể nói: "Mặc dù còn hơi lo lắng, nhưng con đã tiến bộ rất nhiều. Biểu hiện ở trường của con hôm nay thật tuyệt vời. Con đã làm thế nào vậy?"
Luôn giữ bình tĩnh
Cha mẹ thường cảm thấy căng thẳng và áp lực khi chứng kiến sự lo âu của con cái. Hãy tìm cách kiểm soát cảm xúc và luôn giữ bình tĩnh khi giúp đỡ con vượt qua nỗi sợ. Khi bạn làm được, con cái sẽ lấy đó làm gương để học theo. Giữ bình tĩnh sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định thông minh để hỗ trợ đứa trẻ.
Phối hợp với người có chuyên môn giáo dục
Những người này có thể là gia sư, hiệu trưởng, giáo viên, nhà tâm lý học. Nhờ vào sự giúp đỡ của họ, bạn có thể lên kế hoạch để giúp đỡ con giải quyết vấn đề. Kế hoạch đưa ra cần có sự hợp lý, khả thi giúp đứa trẻ tham gia hoạt động ở trường, lớp các nhiều càng tốt.