Một sáng thứ 5 của tháng 6, hàng trăm người đàn ông bỏ dở công việc, chạy tới một phòng khám sức khỏe ở Manhattan. Cuối cùng, một tháng sau khi bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở New York, người dân Mỹ cũng được tiếp cận với vaccine chống lại căn bệnh đang lây lan chóng mặt này.
Nhưng lúc đó mới chỉ có sẵn 1.000 liều vaccine. Trong vòng 2 giờ, phòng khám duy nhất cung cấp các mũi tiêm bắt đầu nói không với người dân.
Cùng thời điểm đó, khoảng 300.000 liều vaccine đậu mùa khỉ được lưu trữ tại một cơ sở ở Đan Mạch. Nhiều tuần sau khi virus lây lan ở New York và xa hơn nữa, số vaccine này mới được chuyển về Mỹ.
Nhưng kể cả lúc đó, mọi chuyện dường như cũng không quá khẩn cấp. Vì thế, các liều vaccine này được chia thành từng lô, gối theo từng đợt chuyển về Mỹ.
Nhiều trong số này không thể cập bến trước tháng 7, hơn 6 tuần sau khi trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên được xác nhận ở New York.
Vuột mất cơ hội vàng
Theo New York Times, với liều lượng vaccine hạn chế, cơ hội sớm để ngăn hoặc làm chậm đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất dường như đã trôi qua.
Đám đông biểu tình tuần hành ở Manhattan yêu cầu chính phủ phản ứng mạnh mẽ trước bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: New York Times)
Cuối tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu.
Ít nhất 16.000 ca bệnh được ghi nhận trên khắp thế giới. Riêng Mỹ ghi nhận 3.000 ca bệnh với 1/3 trong số này ở thành phố New York.
Chưa kể với số lượng xét nghiệm hạn chế, con số thực tế còn thể còn cao hơn rất nhiều.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện tại mới chỉ đang cân nhắc tuyên bố dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
New York Times đánh giá, phản ứng của chính quyền liên bang với bệnh đậu mùa khỉ dường như đang lặp lại kịch bản ban đầu thời kỳ COVID-19 bùng phát.
Nhưng khác với virus SARS-CoV-2, chính quyền liên bang có trong tay một công vụ mạnh mẽ hơn làm chậm sự lây lan của dịch bệnh ngay từ đầu: một loại vaccine hiệu quả.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ lại chậm triển khai loại vaccine này, vốn được phát triển và dự trữ để sử dụng chống bệnh đậu mùa.
Bất chấp các chỉ trích, Gary Disbrow - quan chức liên bang phụ trách cơ quan quản lý nguồn cung cấp vaccine của Mỹ khẳng định chính phủ "ứng biến rất nhanh vì chúng tôi coi trong vấn đề này".
'Chúng tôi cho rằng cần thận trọng khi nhận được liều lượng mà chúng tôi có sẵn ở đây", ông Disbrow cho biết, nói thêm rằng giới chức y tế cần phải cân nhắc giữa việc sử dụng các liều vaccine này cho bệnh đậu mùa hay bệnh đậu mùa khỉ.
Vaccine mà ông Disbrow đang nói tới là Jynneos, có hiệu quả trong việc chống lại bệnh đậu mùa, thường có tỷ lệ tử vong là 30% và bệnh đậu mùa khỉ với tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều.
Khi bệnh đậu mùa khỉ lần đầu được phát hiện tại Mỹ vào giữa tháng 5, kho dự trữ chiến lược của chính quyền liên bang Mỹ chỉ trữ khoảng 2.400 liều vaccine. Chúng chủ yếu được sử dụng để bảo vệ nhân viên phòng thí nghiệm và nhân viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tham gia nghiên cứu.
Mỹ là bên sở hữu 1 triệu liều vacicne Jynneos đóng sẵn trong lọ và hàng triệu liều vaccine chưa đóng lọ được lưu trữ tại Đan Mạch, nơi đặt trụ sở chính của Bavarian Nordic - nhà sản xuất vaccine này.
Số vaccine này bị chuyển tới Mỹ chậm trễ phần lớn là do Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa hoàn thành kiểm tra và chứng nhận một cơ sở mới của Bavarian Nordic ở bên ngoài Copenhagen.
Dù vậy, 372.000 liều vaccine trong số này đã sẵn sàng xuất xưởng. Chúng được lưu trữ tại trụ sở chính của công ty và đã được FDA phê duyệt.
Tuy nhiên, thay vì nhanh chóng chuyển các lô vaccine trên về Mỹ, chính phủ liên bang lại chần chừ. Trong vài tuần đầu tiên sau khi bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện ở Mỹ, chỉ 72.000 liều trong hơn 372.000 liều được sử dụng.
Cơn khát vaccine
Theo Tiến sĩ Disbrow, quan chức cấp cao tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, lý do các quan chức liên bang không muốn chuyển toàn bộ số vaccine sẵn có trở về Mỹ liên quan tới vấn đề bảo quản lạnh và thời hạn sử dụng.
Ông này cho biết các cơ sở bảo quản ở Mỹ không thể lưu trữ tốt vaccine như ở Đan Mạch.
Joseph Osmundson, một nhà vi sinh vật học đánh giá đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ không phải là trường hợp khẩn cấp mà chính phủ liên bang đã chuẩn bị nhưng "đây là một trường hợp khẩn cấp".
Ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở Mỹ được ghi nhận ở Massachusetts hôm 18/5. Thành phố New York ghi nhận một trường hợp ngay ngày hôm sau.
Tới 20/5, BARDA - cơ quan chịu trách nhiệm phát triển các loại thuốc và vaccine chống COVID-19 của Mỹ yêu cầu Bavarian Nordic gửi hơn 36.000 liều vaccine. 5 ngày sau, số vaccine này có mặt trên đất Mỹ.
Một tuần sau đó, BARDA yêu cầu Bavarian Nordic gửi thêm 36.000 liều nữa. Số vaccine trên tới Mỹ sau 2 tuần.
Nhân viên làm việc tại một cơ sở của công ty Bavarian Nordic. (Ảnh: Reuters)
Tới lúc này, khoảng 30 ca mắc đậu mùa khỉ được phát hiện ở Thành phố New York, 14 tiểu bang khác và Quận Columbia.
Ông Disbrow giải thích chỉ có thể vận chuyển từng đó vaccine trên một chuyến bay.
Trong một email, một phát ngôn viên của Bavarian Nordic cho biết mỗi đơn đặt hàng lớn cần một thời gian để xử lý. Trước tiên, công ty phải nhận các thùng chứa, được gọi là kén từ các chủ hàng và sau đó "đông lạnh chúng trong năm ngày" trước khi đóng gói vaccine vào trong đó.
Tới ngày 10/6, vài nghìn liều vaccine được phân phối cho các bang. Thời điểm đó, Dawn O’Connelll - một quan chức cấp cao về Y tế và Dịch vụ Nhân sinh khẳng định Mỹ sẽ nhận được 300.000 liều Jynneos “trong vài tuần tới”.
Nhưng nhiều lô vaccine trong số này không tới trước tháng 7. Bavarian Nordic cho biết một số chuyến bay vận chuyển vaccine bị hoãn do phi công đình công.
Ông Krellenstein, người đứng đầu một nhóm hoạt động kêu gọi tăng cường khả năng tiếp cận với thuốc ngăn ngừa H.I.V là một trong những người đầu tiên được tiêm vaccine đậu mùa khỉ ở New York. Nhưng rất nhiều người bạn của Krellenstein nhắn tin than phiền với ông rằng họ vẫn chưa được chủng ngừa.
Krellenstein sau đó cố gắng liên hệ với các quan chức liên bang để tìm hiểu về tình trạng chậm trễ này.
“Số vaccine đó có thể đã đủ để ngăn chặn đợt bùng phát ban đầu nếu chúng được huy động và quản lý ở Mỹ”, ông Krellenstein viết trong email gửi cho một số quan chức chính quyền Biden vào giữa tháng 7.
Tới ngày 23/6, chính quyền thành phố New York quyết định mở rộng đối tượng được tiêm vaccine thay vì chỉ cung cấp cho những người tiếp xúc với các ca bệnh như trước đó. Chính quyền liên bang đưa ra quyết định tương tự 5 ngày sau đó.
Sergio Rodriguez, 39 tuổi, tới từ New York cho biết bản thân đã cố tiêm vaccine nhưng bị từ chối. Không lâu sau, anh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bệnh.
"Tôi đã cố gắng làm những việc có thể để bảo vệ bản thân vì tôi biết mình sẽ gặp rủi ro cao. Thực bực bội khi chính phủ không tính toán để đáp ứng đủ nhu cầu", ông này nói.
Vào cuối tuần đầu tiên của tháng 7, có hơn 200 ca bệnh được xác nhận ở thành phố New York. Thời điểm đó, thành phố này mới chỉ được phân bổ 7.000 liều vaccine.
Khi New York nhận được thêm 14.500 liều vào tuần sau, danh sách đăng ký tiêm được lấp đầy chỉ sau 7 phút.
Các lô vaccine chuyển tới New York những tuần qua đã tăng lên. Nhưng trang web đăng ký tiêm chủng luôn trong tình trạng quá tải. Tới hiện tại, bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng tới mức các nhà dịch tễ học lo ngại sẽ phải mất một thời gian dài để dập tắt nó.