Châu Âu chật vật chống chọi với muôn vàn khó khăn từ tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Giá năng lượng liên tục tăng, lạm phát lập kỷ lục, kinh tế nhiều quốc gia rơi vào cảnh suy thoái… Khu vực này đề ra loạt giải pháp song vẫn chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề, tìm nguồn thay thế khí đốt, dầu mỏ thiếu hụt từ Nga. Sau nhiều phiên thảo luận liên tục thời gian qua, đến nay các thành viên EU vẫn chưa đạt đồng thuận về việc áp trần giá dầu Nga vận chuyển bằng đường biển. Nguyên nhân được cho là một số nước không đồng ý áp giá trần dầu Moskva bởi điều đó sẽ gây thiệt hại nặng nề cho lợi ích kinh tế của họ.
Theo cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) - Eurostat, giá tiêu dùng tại khu vực đồng euro tăng kỷ lục 10,7% trong tháng 10, trong khi tháng 9 ở mức 9,9%. Số liệu này gây ngạc nhiên cho các nhà kinh tế tại ngân hàng Bank of America (BoA) bởi trước đó họ dự báo mức lạm phát sẽ giảm xuống mức 9,8%.
Chưa hết, bất chấp nỗ lực của EU nhằm tăng nguồn cung năng lượng, cũng như giảm lạm phát, giá năng lượng tại châu Âu tăng 41,9% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái.
Châu Âu đã phải đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2. Xung đột Nga - Ukraine bùng phát ngay sau khi các quốc gia châu Âu quyết định chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Chính điều này khiến châu Âu bị ảnh hưởng bởi cú sốc lạm phát, không kịp trở tay khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên trong năm nay.
Trước xung đột Nga - Ukraine, 27 quốc gia thành viên của EU dựa vào nguồn cung từ Nga với 40% khí đốt tự nhiên và 30% dầu thô. Do nguồn cung năng lượng giảm, hóa đơn tiền điện tăng gấp ba lần ở nhiều nơi trên khắp châu Âu. EU hiện đã lấp đầy khí đốt tự nhiên trong kho lưu trữ tới hơn 90% trong năm nay, cao hơn so với mức trung bình trong 5 năm qua.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu gần đây giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng, khiến nhiều người tin rằng cuộc khủng hoảng năng lượng có thể sắp kết thúc. Tuy nhiên, Henning Gloystein, giám đốc năng lượng của công ty tư vấn Eurasia Group, cho rằng điều đó khó xảy ra.
“Một khi trời trở lạnh, hàng lưu trữ sẽ giảm xuống. Nếu có đợt lạnh vào cuối mùa đông khi dự trữ giảm, mọi thứ có thể trở nên khan hiếm vào đầu năm 2023. Điều đó có nghĩa là giá có thể tăng đột biến và tiềm ẩn nguy cơ thiếu năng lượng”, ông nói với CNBC.
Theo ông Jay Hatfield - CEO của Infrastructure Capital Management, thị trường năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên “sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết vào mùa đông”. “Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trong bối cảnh tình hình khí đốt châu Âu diễn biến phức tạp”, ông nói với Fortune.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư toàn cầu có trụ sở tại New York - Goldman Sachs, dự báo tình hình năng lượng năm tới có thể còn tồi tệ hơn đối với châu Âu. Trong nghiên cứu hồi tháng 10, ngân hàng Goldman Sachs chỉ ra rằng tổng chi phí năng lượng trên khắp lục địa có thể tăng vọt 2 nghìn tỷ USD vào năm 2023.
Nếu nhận định của Goldman Sachs đúng, điều đó có nghĩa là một hộ gia đình châu Âu sẽ phải chi tới 500 euro mỗi tháng để thắp sáng điện trong nhà. Con số này sẽ tăng hơn gấp ba lần so với mức trung bình chỉ 160 euro năm ngoái.
Tatiana Mitrova, nhà nghiên cứu tại trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia, từng nhận định “dường như chắc chắn diễn biến năng lượng tại châu Âu năm tới sẽ tồi tệ hơn”.
Trong khi sự “nhảy múa” của giá năng lượng khiến lạm phát châu Âu gia tăng, dữ liệu mới nhất cho thấy giá tiêu dùng cũng tăng mạnh. Theo đó, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 13,1% trong tháng 10 và lạm phát cơ bản tăng 5%, so với mức 4,8% trong tháng 9.
Bất chấp lạm phát cao, nền kinh tế khu vực đồng euro vẫn tiếp tục tăng trưởng trong quý trước. Tuy nhiên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 0,2%, so với 0,8% trong quý II và hầu hết các chuyên gia tin rằng suy thoái kinh tế ở châu Âu gần như chắc chắn sẽ xảy ra.
Chris Williamson, nhà kinh tế tại S&P Global, nói với Bloomberg rằng “nền kinh tế khu vực đồng euro có vẻ sẽ bị thu hẹp trong quý IV… làm tăng thêm suy đoán về một cuộc suy thoái ngày càng khó tránh khỏi”.
Thống đốc ngân hàng trung ương Tây Ban Nha Pablo Hernández de Cos cũng cho biết “rủi ro suy thoái đang lan rộng”. “Thật vậy, triển vọng kinh tế đã xấu đi đáng kể trong những tháng gần đây. Chúng tôi đang phải đối mặt với lạm phát cao hơn, điều kiện tài chính thắt chặt hơn và tăng trưởng toàn cầu chậm lại”, ông Pablo Hernández de Cos cho hay.
Châu Âu đang loay hoay giải bài toán thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga. (Ảnh: Alamy)
Châu Âu hối thúc công ty hoạt động trong ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh chi phí tăng cao và nguồn cung năng lượng ngày càng hạn chế. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu khí đốt tự nhiên và điện năng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này giảm trong quý vừa qua.
Tuy nhiên, còn quá sớm để lạc quan về điều này. Bởi sự sụt giảm nhu cầu từ các công ty trong ngành công nghiệp không chỉ đơn thuần là họ thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, mà đáng lo hơn, là do xuất phát từ thực tế nhiều nhà máy quyết định đóng cửa, thậm chí có thể đóng cửa vĩnh viễn.
Năng lực cạnh tranh của các cơ sở công nghiệp ở châu Âu bị đặt dấu hỏi trước bối cảnh thiếu hụt nguồn cung năng lượng nghiêm trọng, trong khi giá cả tăng vọt.
Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như nhôm, phân bón và hóa chất… đối mặt nhiều khó khăn, nguy cơ khiến nhiều công ty chuyển sản xuất sang những địa điểm vốn chi phí năng lượng giá rẻ, trong đó có Mỹ.
Ông Patrick Lammers - thành viên hội đồng quản trị của công ty năng lượng E.ON cho biết: “Rất nhiều công ty đang ngừng sản xuất. Họ buộc phải tuyên bố phá sản”.
Hoạt động sản xuất của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng này ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Điều này báo hiệu châu Âu đang hướng tới một cuộc suy thoái.
Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính, nhu cầu khí đốt công nghiệp của châu Âu đã giảm 25% trong quý III so với một năm trước đó. Các nhà phân tích cho rằng việc ngừng hoạt động trên diện rộng được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này.
Ủy ban châu Âu (EC) “đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn việc giảm hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp”. Tuy nhiên, cuộc khảo sát được công bố mới đây cho thấy các công ty ở cường quốc công nghiệp Đức buộc phải thu hẹp quy mô vì chi phí năng lượng cao.
Cuộc khảo sát đối với 24.000 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho thấy, hơn 1/4 doanh nghiệp trong lĩnh vực hóa chất và 16% trong lĩnh vực ô tô buộc phải cắt giảm sản xuất, trong khi 17% các công ty trong lĩnh vực ô tô đang có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài.
“Các tác động có thể thấy rõ. Các nhà sản xuất hàng hóa trung gian, sử dụng nhiều năng lượng đang cắt giảm sản xuất”, Giám đốc điều hành DIHK Martin Wansleben cho biết.
Các nhà phân tích cho rằng, ngành công nghiệp châu Âu đã chuyển sản xuất sang các địa điểm có lao động rẻ hơn và các chi phí khác thấp hơn trong nhiều thập kỷ, và cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay góp phần đẩy nhanh quá trình dịch chuyển này.
Nhiều người dân châu Âu sưởi ấm bằng bếp củi trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung năng lượng. (Ảnh: Getty)
Daniel Kral, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết: “Nếu giá năng lượng tiếp tục tăng cao sẽ khiến năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu suy giảm. Khi đó, các nhà máy sẽ đóng cửa và chuyển đến Mỹ - nơi có nguồn năng lượng đá phiến giá rẻ dồi dào”.
Số liệu thương mại do Reuters tổng hợp cho thấy, tất cả 9 nhà máy luyện kẽm trong EU đã cắt giảm hoặc ngừng sản xuất. Nguồn hàng này giờ được thay thế bằng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Chris Heron đến từ hiệp hội công nghiệp Eurometaux cho biết, việc mở lại một nhà máy luyện nhôm có chi phí lên tới 400 triệu euro và khó có thể xảy ra do triển vọng kinh tế không mấy lạc quan của châu Âu.
Giá năng lượng cao không chỉ ảnh hưởng đến nỗ lực của phương Tây nhằm đảm bảo nguồn cung cấp với năng lượng mà còn với khoáng sản quan trọng được sử dụng trong sản xuất xe điện và cơ sở hạ tầng tái tạo.
Brussels dự kiến sẽ đề xuất luật mới vào đầu năm tới - Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng của châu Âu, nhằm thiết lập trữ lượng khoáng sản không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, chẳng hạn như lithium, bauxite, niken và đất hiếm.
Emanuele Manigrassi, quản lý cấp cao về khí hậu và năng lượng tại European Aluminium, cảnh báo nếu không có nhiều năng lượng tái tạo hơn và chi phí thấp hơn, các công ty khó có thể đầu tư vào châu Âu.
Ngành công nghiệp ở châu Âu đang chật vật để tồn tại. Hội đồng Công nghiệp hóa chất châu Âu (Cefic) cho biết lần đầu tiên trong năm nay, châu Âu trở thành nhà nhập khẩu ròng hóa chất.
Theo Hiệp hội phân bón quốc tế, hơn một nửa sản lượng amoniac của châu Âu, một thành phần quan trọng trong phân bón, đã dừng sản xuất và được thay thế bằng hàng nhập khẩu. Nhà sản xuất phân bón Na Uy Yara đã cắt giảm 2/3 sản lượng amoniac ở châu Âu và không có kế hoạch tăng cường sản lượng trở lại ngay lập tức.
Tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới BASF lo lắng về khả năng duy trì kinh doanh cho các nhà máy mới ở châu Âu. BASF cũng đã cảnh báo về việc sẽ phải đóng cửa nhà máy sản xuất chính của họ tại Ludwigshafen nếu nguồn cung cấp khí đốt giảm xuống dưới một nửa nhu cầu..
Trong khi đó, tại Hy Lạp, Selected Textiles - nhà sản xuất sợi bông nhỏ, cắt giảm sản lượng do các đơn đặt hàng chủ yếu từ Bắc Âu giảm mạnh. Còn tại nhà máy ở Farsala, miền trung Hy Lạp, Giám đốc điều hành Apostolos Dontas ước tính sản lượng sẽ giảm 30% trong năm nay.
Hình ảnh tại nhà máy amoniac Yara ở Porsgrunn, Na Uy. (Ảnh: Reuters)