Nhiều người thường ít nhận ra tình cảm của bố mẹ dành cho mình to lớn đến nhường nào khi còn ở chung một mái nhà. Phải đến khi rời xa vòng tay gia đình, chúng ta mới giật mình nhận ra sự thật rằng, khi con cái càng háo hức muốn tự do khám phá cuộc sống, cha mẹ lại càng lo lắng, quyến luyến không muốn xa rời.
Câu chuyện về khoảnh khắc chia tay tiễn con đi du học của một gia đình từng được chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến không ít người sụt sùi, đặc biệt là những bạn trẻ đã và đang sống xa gia đình.
“Con em gái đi du học, bà cụ không ra tiễn, nó rủ mẹ ra sân bay chung nhưng chỉ nghe mẹ nạt: “Mày đi luôn đi!”. Nó đi rồi thì ngồi như này đây, tôi sợ bà cụ tụt huyết áp nên ở nhà nịnh mãi, 2 con pet cũng buồn theo!
Khuyên các em, có thể em chưa nhận ra hiện tại tình cảm của bố mẹ như nào, cứ cố gắng lên để họ nở mày nở mặt”, dòng tâm sự của chủ bài viết.
Người mẹ quyết không chịu ra sân bay tiễn con gái.
Theo như những thông tin được chia sẻ, em gái của chủ bài viết có kế hoạch du học Nhật 3 năm. Thời điểm tiễn em ra sân bay, cả gia đình đều đi rất đông, nhưng chỉ riêng người mẹ là dứt khoát đòi ở nhà. Trong bức ảnh có thể thấy người phụ nữ lớn tuổi ngồi trầm ngâm quay mặt về góc phòng, dường như đang muốn che giấu cảm xúc của mình với mọi người.
Sau khi mọi người lên taxi rời đi, thì người mẹ lúc này mới bắt đầu âm thầm khóc một mình, phải dỗ mãi mới chịu đi ngủ.
Nhưng đến khi cả nhà đi hết rồi thì lại lặng lẽ khóc.
Và chúng ta, những người xa lạ, nhìn thấy được hình ảnh của cha mẹ mình qua khoảnh khắc của người mẹ trong câu chuyện.
Đó là những người đàn ông, người phụ nữ không quen nói lời yêu thương ngọt ngào nhưng chỉ cần con gặp khó khăn, vấp ngã, họ luôn là người đầu tiên có mặt, lo lắng cho con cái bất kể ngày đêm. Cách thể hiện tình yêu thương của họ dù có vụng về, nhưng nếu lấy ra đong đếm, chắc chắn không thể có thứ tình yêu nào to lớn hơn của bậc sinh thành dành cho con cái.
Chính vì vậy, câu chuyện ngay khi được chia sẻ đã nhận về rất nhiều sự đồng cảm của dân mạng. Một số khác còn bồi hồi kể lại những kỷ niệm tương tự của mình với bố mẹ.
“Hôm rồi về thăm nhà, lúc đi tôi nói là tự ra sân bay được, không cần bố mẹ đưa ra rồi đợi chờ chi cho khổ cực đâu! Bố mẹ tôi vẫn nhất định đi, đợi chờ vật vờ từ 10 giờ tối hôm trước đến 12 giờ trưa hôm sau, xong mẹ tôi bảo: “Dù có thế nào thì bố mẹ vẫn luôn sát cánh bên con!”.
“Ngày lên đường đi học, ba ôm chặt nhưng không khóc. Nghe mọi người kể lại, trên đường về ba khóc nức nở. Và rồi… đó là lần cuối tôi được ông ấy ôm chặt như thế”.
“Sinh nhật năm nhất đi học xa nhà, gọi điện cho mẹ cười nói vui vẻ, tắt máy là khóc tu tu. Mẹ ơi, cơm ngoài hàng không ngon tí nào cả, dù là một cái trứng mà được mẹ chiên cho ăn thì con cũng cảm thấy nó mỹ vị nhất thế gian này”.