Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Con đường tơ lụa' của ông Tập Cận Bình có nguy cơ tan vỡ

những khó khăn không dễ tháo gỡ mà Bắc Kinh đang gặp phải trên con đường hiện thực hóa giấc mơ ‘Con đường tơ lụa’

(VTC News) -  Tác giả Moritz Rudolf có bài bình luận trên tạp chí The Diplomat về những khó khăn không dễ tháo gỡ mà Bắc Kinh đang gặp phải trên con đường hiện thực hóa giấc mơ ‘Con đường tơ lụa’.

Trung Quốc đang tìm cách kết nối hơn 20 quốc gia dọc theo ‘Con đường Tơ lụa’ trước đây dựa trên một dự án quy mô lớn có tên “một vành đai, một con đường” nhằm khôi phục sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Mới đây, tác giả Moritz Rudolf có bài bình luận trên tạp chí The Diplomat về những khó khăn không dễ tháo gỡ mà Bắc Kinh đang gặp phải trên con đường hiện thực hóa giấc mơ ‘Con đường tơ lụa’.

Bản đồ con đường tơ lụa mới của Trung Quốc 

Theo bài phân tích của tác giả, ‘Con đường tơ lụa’ là dự án lớn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong mỗi  chuyến thăm cấp nhà nước và tham dự diễn đàn ngoại giao, ông Tập luôn muốn thúc đẩy ý tưởng ‘một vành đai, một con đường’ (OBOR). 

Bắc Kinh luôn muốn thực hiện một tầm nhìn địa chiến lược đầy tham vọng, tạo ra một mạng lưới cơ sở hạ tầng mà ở đó Trung Quốc là trung tâm để mở rộng ảnh hưởng chính trịkinh tế trong khu vực Á – Âu.

Tuy nhiên đã qua rồi thời kỳ nước này có thể chi ra các khoản đầu tư phi lợi nhuận về kinh tế dựa trên những động cơ chính trị. Bắc Kinh từng có ý định đầu từ hơn 900 tỷ USD vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng trên khắp lục địa Á – Âu.

Thế nhưng, giờ đây nước này lại đang cần khoản tiền lớn để ổn định nền kinh tế đang trì trệ và thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn. Trong tháng 8, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm mạnh.

Vì những khó khăn về tài chính mà một số dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang bị đóng băng.

Chẳng hạn như tuyến đường ống dẫn dầu ‘Sức mạnh Siberia’, một hợp đồng thỏa thuận giữa Nga và Trung Quốc hồi tháng 5/2014, đang có nguy cơ bị gián  đoạn. 

Thêm vào đó, dự án xây dựng đường ống ‘Altai’ cũng đã bị trì hoãn vô thời hạn mà nguyên nhân được cho là do nhu cầu khí đốt ở Trung Quốc giảm mạnh do tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Ở một khía cạnh khác, dự án ‘con đường tơ lụa’ hay còn gọi là ‘một vành đai, một con đường’ tượng trưng cho bước tiến kinh tế ngược. Thay vì tập trung vào nhu cầu trong nước thì Bắc Kinh lại ‘toan tính’ về thị trường xuất khẩu mới ở những khu vực bất ổn, chẳng hạn như Pakistan.

Tình trạng dư thừa công suất của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết mà chỉ đơn giản là xuất khẩu ra nước ngoài. 

Như vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang vô tình làm hạn chế khả năng vượt qua khủng hoảng cấu trúc trong mô hình phát triển của nước này.

Tạm thời ý tưởng OBOR vẫn là một ‘bong bóng đầu cơ’. Một phần của dự án này là tạo ra một Khu vực kinh tế đặc biệt (SEZ) đi qua biên giới của khoảng 20 quốc gia. 

Tuy nhiên, dường như Trung Quốc vẫn đang phải ‘chiến đấu’ một mình cho dự án OBOR. Họ vẫn đang thiếu đi những đối tác tin cậy để cùng thực hiện dự án này. 

Cho đến nay, giới chức Trung Quốc mới chỉ đạt được một số thỏa thuận ‘chưa chắc chắn’ với Nga và Hungary.

Với những động thái thể hiện sự bành trướng, ngang ngược trong khu vực Biển Đông hay như gần đây việc phô trương sức mạnh quân sự trong lễ diễu binh kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến II, các lãnh đạo Trung Quốc dường như còn làm mất đi điều cần thiết nhất từ các nước láng giềng trong khu vực để biến giấc mộng ‘con đường tơ lụa’ thành hiện thực. Đó chính là niềm tin.

Thêm vào đó là thời điểm thế giới có nhiều biến động và có thể làm cho kế hoạch của ông Tập bị sụp đổ.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine, triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc –Nga – châu Âu gặp khó khăn, cộng thêm sự hoành hành của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang lan rộng sang cả Trung Á, khu vực được xem là ‘chìa khóa’ quan trọng cho sự thành công của OBOR.

Minh Lý (Theo The Diplomat)

Nguồn:

Tin mới