Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Con đường báo chí đang đi chắc chắn đồng hành với trí tuệ nhân tạo'

Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ các tòa soạn phân tích dữ liệu độc giả, sáng tạo nội dung, giảm bớt những công việc lặp lại, tốn công sức.

Sáng 18/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn”.

Chủ động đổi mới phương thức truyền tải, mang đến trải nghiệm mới cho bạn đọc

Phát biểu đề dẫn hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay.

Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông phải đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: Thành Đạt).

Trong bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức truyền tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Trước sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí, truyền thông sẽ dần quá tải nếu vẫn duy trì cách truyền thống.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung bằng các hình thức phong phú, thông minh hơn. Tuy nhiên, những ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT đã, đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.

Trí tuệ nhân tạo đặt ra nhiều vấn đề quan ngại đối với báo chí

Trong bài thuyết trình mở đầu hội thảo về chủ đề “AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn - Xu hướng trên thế giới và định hướng ứng dụng tại Việt Nam”, nhà báo Lê Quốc Minh nêu một số công nghệ AI nổi bật được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2023 như sản sinh ngôn ngữ tự nhiên (natural language generation), nhận dạng giọng nói (speech recognition), trợ lý ảo (virtual assistant), sinh trắc học (biometrics), học máy (machine learning), học sâu (deep learning), phần cứng tối ưu hóa cho AI…, song nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo cũng gây ra nhiều vấn đề đáng quan ngại cần được giải quyết, trước hết là vấn đề quyền sở hữu liên quan đến những sản phẩm bài viết mà trí tuệ nhân tạo làm ra.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh thuyết trình tại Hội thảo. (Ảnh: Thành Đạt).

Hiện nay, một số nước có quy định nếu người dùng chỉ nhập các câu lệnh mà không đóng góp nhiều công sức thì quyền sở hữu sản phẩm thuộc về chủ sở hữu của hệ thống trí tuệ nhân tạo. Nếu người dùng đóng góp nhiều hơn thì họ sẽ là đồng sở hữu của những sản phẩm như vậy. Tuy nhiên, đây là câu chuyện vẫn còn rất nhiều tranh cãi”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.

Đề cập đến nguy cơ của hoạt động xuất bản nội dung AI, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, trí tuệ nhân tạo có sự tổng hợp rất nhiều nội dung trên toàn cầu, trong trường hợp nó cung cấp những nội dung sai lệch, xấu độc thì cơ quan báo chí sẽ phải chịu trách nhiệm khi xuất bản ra những thông tin sai lệch, xấu độc này.

Thời gian qua tin giả được lan truyền rất nhiều trên không gian mạng. Thậm chí, gần đây bắt đầu xuất hiện những thông tin giả do các đối tượng sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra với tốc độ rất nhanh, sức thuyết phục rất cao, khiến nhiều người dùng vô tình trở thành nạn nhân tiếp tay lan truyền những thông tin này.

Trí tuệ nhân tạo đang đe dọa nguồn thu của báo chí, đây là vấn đề sống còn của báo chí hiện nay. Kinh tế báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.

Nền kinh tế của sự chú ý (attention economy) vốn là cơ bản của báo chí, nhưng khi lên môi trường số (digital) lại là câu chuyện hoàn toàn khác biệt, không còn là câu chuyện về mặt chất lượng nội dung nữa mà là câu chuyện về trending keywords (từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất) hay SEO.

Nhà báo Lê Quốc Minh thông tin, những công cụ tìm kiếm đang mang lại khoảng 50% traffic cho các cơ quan báo chí, trong khi đó các nền tảng mạng xã hội mang lại trung bình 15-20%. Tuy nhiên, với sự ra đời của AI, cách thức trả kết quả của các công cụ tìm kiếm đã hoàn toàn khác. Nguy cơ các cơ quan báo chí mất 50% lượng traffic từ các công cụ tìm kiếm là hiện rõ, kèm theo đó là mất doanh thu từ quảng cáo.

Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: Thành Đạt).

Cần kiểm soát AI thay vì lệ thuộc vào nó

Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào AI trong báo chí. Theo đó, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của các công nghệ AI như ChatGPT, các cơ quan báo chí nên có cái nhìn rộng hơn, đầu tư AI không phải đơn giản chỉ là có những công cụ để viết bài, mà còn để ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, đơn cử như là để nắm bắt hành vi của người dùng. Các cơ quan báo chí cần hiểu rõ hành vi của người dùng để cá nhân hóa nội dung, đưa nội dung đến từng người đọc dựa vào sự nắm bắt về sở thích của họ.

Cách thức lôi cuốn người dùng và đo đạc trên website giờ không còn dựa vào lưu lượng truy cập (traffic), mà đo đạc bằng độ sâu của người dùng, tức là thời gian người dùng lưu lại trên website (time on site).

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định con đường của báo chí đang đi chắc chắn là đồng hành với công nghệ, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ chúng ta làm được rất nhiều việc, giảm bớt những việc lặp đi lặp lại tốn nhiều công sức.

Nhưng ở góc độ sáng tạo, làm những thứ đòi hỏi cảm xúc, những công việc cụ thể hơn như phỏng vấn đối tượng, trong thời gian trước mắt trí tuệ nhân tạo vẫn chưa thể làm được, nhưng nó có thể trong tương lai. Do đó, cần kiểm soát AI để nó phục vụ công việc, cuộc sống của chúng ta thay vì lệ thuộc vào nó.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Tin mới