Vụ việc vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp (SN 1932, trú phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) bị con dâu khai báo đã chết cách đây 10 năm trong khi 2 ông bà vẫn đang sống khỏe mạnh, hàng tháng vẫn nhận chế độ lương trợ cấp người cao tuổi đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Qua xác minh của PV VTC News, từ năm 1998, vợ chồng ông Hợp mua cho con trai cả là anh Đỗ Mạnh Tiến và vợ là chị Vũ Thị V. một mảnh đất rộng khoảng 200m2.
“Trước kia, khu đất tôi mua cho con trai là số 70 + 70A, tổ 7, Cụm 1, Phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) nay là số 62A, ngõ 399, đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội)” – ông Hợp nói.
Ông Đỗ Văn Hợp chia sẻ với PV về câu chuyện của gia đình mình.
Sau đó, đến năm 2005, anh Tiến chết vì bệnh hiểm nghèo. Lúc này, chị V. đã tới Phòng Công chứng số 3 Hà Nội thực hiện thủ tục kê khai để nhận di sản thừa kế gồm chị V. và 2 con gái.
Trong thông báo về việc khai nhận di sản ngày 4/7/2006 do công chứng viên Nguyễn Thanh Tú – Phòng Công chứng số 3 Hà Nội ký duyệt nêu rõ: “Người để lại di sản: Ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết ngày 8/1/2005 theo Giấy chứng tử số 3, quyển số 1 do UBND phường Nhật Tân cấp ngày 21/1/2005. Cha, mẹ đẻ ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết”.
Được biết, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế, trong đó có sự việc vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An đã chết.
Tiếp đó, đến tháng 5/2015, vợ chồng ông Hợp phát hiện chị V. đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ mảnh đất trên cho người khác tại Phòng Công chứng số 1 Hà Nội theo các giấy tờ có thông tin không đúng sự thật đã được niêm yết tại UBND phường Nhật Tân và được Phòng Công chứng số 3 Hà Nội chứng thực.
Liên quan đến "số phận" của mảnh đất mà chị V. đã chuyển nhượng cho người khác, theo luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Luật Quốc Tế Thiên Việt (VIETSKY LAW FIRM), vấn đề này là lỗi sai từ cả 2 phía.
Lỗi sai đầu tiên thuộc về người đi khai báo đã khai những thông tin không chính xác, khai man để có thể nhận khối tài sản thừa kế. Thứ 2 là lỗi sai từ Phòng Công chứng.
Theo nguyên tắc, Phòng Công chứng phải căn cứ vào những hồ sơ, tài liệu để chứng minh những thông tin mà người dân cung cấp là thật. Ở đây, Phòng Công chứng đã không kiểm chứng thông tin, dẫn đến việc xảy ra những thông tin sai.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, giao dịch bán đất này dựa trên một thông tin sai lệch, một thông tin bị lừa dối. Do vậy, đương nhiên giao dịch này là vô hiệu.
Video: Nỗi lòng cặp vợ chồng già ở Hà Nội bị con dâu 'khai tử' để bán nhà
"Trong trường hợp này, bố mẹ chồng của chị V. có thể yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu và yêu cầu khôi phục lại tài sản của mình. Thậm chí, trong một số trường hợp, bố mẹ chồng của chị V. còn có thể yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự với cô con dâu của mình, làm rõ hành vi cung cấp thông tin sai lệch của cô gái này tại Phòng Công chứng số 3 Hà Nội", Luật sư Nguyễn Quang Ngọc cho biết.