Một họa sỹ nổi tiếng nhắc tôi nên đến xem triển lãm của con dâu Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trên đường đến Bảo tàng Mỹ thuật, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, tôi hình dung triển lãm với loạt tranh tĩnh vật, phong cảnh kiểu xinh xinh, hiền hiền. Nhưng không, “Rock Ballad Màu” của Phan Minh Châu phóng khoáng, nổi loạn, mang hơi hướng trừu tượng.
Bỏ nghiệp cầm ca theo nghiệp cầm cọ
"Ngày xưa ấy... vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, người yêu nhạc từng mê say giọng nữ trung đầy nội tâm của Minh Châu “Mimosa” vụt sáng trên sân khấu nhạc nhẹ Hà Thành qua những bản tình ca trĩu nặng ưu tư… rồi giọng ca có sức mê hoặc ấy biến mất cũng nhanh và đột ngột như lúc hiện ra.
Tranh: Kim Duẩn
Ngày qua ấy… trong cữ Thăng Long ngàn năm tuổi, công chúng ngỡ ngàng gặp lại một Minh Châu người vẽ tràn đầy năng lượng qua loạt tranh phá cách nghiêng ngả cầu… báo hiệu một sắc thái biểu hiện mới dù đang rối bời với hiện thực song đã chực ngả về miền trừu tượng”. Đó là vài lời giới thiệu về Phan Minh Châu của nhà phê bình Phạm Long trước thềm triển lãm.
Từ ngày xưa ấy đến ngày qua ấy là mấy chục năm vật lộn, chuyển mình của Phan Minh Châu. Chị nhận ngay: “Tôi nghiệp dư không được học trường lớp nghiêm túc, chỉ học thầy bên ngoài, học trong sách”.
Phan Minh Châu là học trò của họa sỹ Thẩm Đức Tụ. Người nhận mình nghiệp dư trong hội họa nhưng lại dám chắc bản thân nghiêm túc với nghề, chịu khó đào sâu. Người đàn bà hát một thời thích tranh của cố họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm: “Ở ngoài đời anh ấy quậy nhưng tranh lại trong sáng, ấm áp làm sao. Tôi bị cuốn hút bởi những người như thế”.
Vài tác phẩm của Phan Minh Châu
Hỏi Phan Minh Châu: “Vì sao chị dấn thân vào hội họa, có sung sướng gì đâu?”. Chị cười, nhắc lại câu nói của Simone Balli, họa sỹ người Ý, thế kỷ 17: "Khi đứng trước tấm toan, tôi là Chúa Trời nhưng khi lao động tôi như nô lệ khổ sai".
Chị nói tiếp: “Tôi biến thành nô lệ khổ sai như thế bắt đầu từ 1/6/2004, khi giúp chị bạn tên Thu, phụ trách mảng hội họa thiếu nhi của Cung Văn hóa Hữu nghị Việt- Xô, làm triển lãm tranh. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến hội họa, trước kia tôi chỉ tập trung mảng ca hát. Không cưỡng được sức hấp dẫn của hội họa, tôi nghỉ ca hát, đi học vẽ”.
Chuyển nghề quyết liệt song mãi 18 năm sau, Phan Minh Châu mới có triển lãm cá nhân đầu tiên. Có vẻ quá chậm chạp! Chị thú nhận: “Tôi mất 10 năm cho cơm áo gạo tiền. Đến năm 2020, tôi buông bỏ hết, tập trung cho hội họa”.
Những tác phẩm trong “Rock Ballad Màu” chủ yếu ra đời trong thời đại dịch COVID-19 nhưng vẫn mang sắc màu tươi tắn, nồng nàn. Minh Châu tâm sự: “Trong cuộc sống tôi ít nhìn thấy điểm xấu của người khác, khi nhìn thấy là né luôn, chỉ muốn nhìn nét hay, nét đẹp của người, của đời. Không phải tôi diễn, hay cố, mà sinh ra đã như vậy”.
Tuy không còn đứng trên sân khấu từ rất lâu song duyên âm nhạc của Minh Châu chưa tắt. Ngay cái tên triển lãm cũng bắt nguồn từ âm nhạc: “Gần đây, tôi nghe Dimash, người Kazakhstan. Bạn ấy như người từ hành tinh khác về, sinh năm 1991, cao 1,95m, giọng hát phải đến 5 quãng 8. Tên triển lãm lấy cảm hứng từ giọng ca của 'người từ hành tinh khác”.
Minh Châu có thói quen bật nhạc to trong xưởng vẽ rộng với chiều cao 6m. Chị vẽ như người say, thích tung hứng ở những kích thước lớn nên nhiều lúc phải bắc thang để hoàn thành tác phẩm. Minh Châu đã có gần chục bức kích thước “siêu to” song tại “Rock Ballad Màu”, chị chỉ khoe mỗi tác phẩm “Giận dỗi”, với kích thước 170 cmx630 cm.
Tại triển lãm lần này, chị chủ yếu giới thiệu những tác phẩm bằng chất liệu acrylic, dù sở trường của chị là sơn dầu: “Vẽ sơn dầu bị mùi, vì tôi vẽ trong phòng máy lạnh. Gần đây, tôi chuyển sang acrylic, chúng giúp tôi chuyển tải cảm xúc dạt dào”. Âm nhạc chị hay nghe khi vẽ chính là giao hưởng: “Mỗi tác phẩm giao hưởng được tạo nên bởi nhiều nhạc cụ, âm nhạc ngấm sang tôi, nên tôi vẽ rất nhiều lớp màu chồng lên nhau, như bản giao hưởng màu sắc”.
Xem “Rock Ballad Màu” ai cũng nhận ra, một trong những đề tài mê hoặc nữ ca sỹ cầm cọ chính là cầu Long Biên. Chị tiết lộ đã vẽ hơn 200 bức tranh về cầu Long Biên mà chưa cạn hứng. Minh Châu sinh cuối năm 1962, tại phố Giảng Võ, Hà Nội. Với chị, cầu Long Biên chính là một biểu tượng của Hà Nội: “Trong mắt tôi, cầu Long Biên như người đàn bà kiêu hãnh, ấm áp, bao bọc dù đã già rồi”.
Minh Châu tiết lộ, chị có bức tranh khổng lồ vẽ cầu Long Biên với kích cỡ 7mx8m. Ngoài cầu Long Biên, chị còn mê vẽ hoa sen. Người Hà Nội lại “phá” cách cắm hoa của chính mình: “Người ta hay cắm khoảng chục cành sen trong một cái bình lớn. Tôi thấy chi chít, tội nghiệp cho hoa nên khi vẽ tôi để chúng bung ra, không cần nghiêm túc, chỉn chu thế”.
Không áp lực khi làm dâu nhà Cố Thủ tướng
Phá cách, ít nhiều nổi loạn trong tranh nhưng khi nói về bố chồng, vị Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Minh Châu không còn “bay” như khi nói về đam mê hội họa. Tôi hỏi chị: “Một người nội tâm phức tạp, bùng nổ như chị làm con dâu của một chính trị gia nổi tiếng có áp lực không?”. Chị cười: “Tôi không áp lực gì, cứ hồn nhiên sống”.
Minh Châu tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội (một trong ba trường đại học hình thành nên Đại học Quốc Gia Hà Nội hôm nay). Chị tự hào vì đã dạy các con nên người: “Hai con của tôi, một trai, một gái đều là những doanh nhân trẻ. Ai gặp các cháu cũng phải công nhận, các cháu nối dõi được ông nội, vì các cháu không những học giỏi, lịch sự mà rất hiếu thảo, giản dị”.
Chị kể, các con của chị đi du học bằng học bổng: “Tài sản ông để lại cho con cháu về mặt vật chất chỉ là 2 chỉ vàng, không sổ tiết kiệm, không đồ quý giá. Ông nói: Ông không có tài sản gì cho các con, các cháu, chỉ có sự nghiệp để lại. Chính vì câu nói đó, chúng tôi đã quyết tâm làm không gian văn hóa Phạm Văn Đồng”.
Minh Châu và chồng chị sẽ theo đuổi công việc này đến tàn hơi thở: “Chúng tôi sưu tập những tư liệu ảnh, phim, những bài viết về ba của chúng tôi cùng những đồng chí của ông, như cụ Võ Nguyên Giáp, cụ Trường Chinh… Công việc này đòi hỏi chúng tôi phải gặp gỡ các bậc tiền bối, các chính trị gia, những nhà sử học, nhà văn hóa… Dù mất thời gian, công sức nhưng đây là một việc cần làm để sau này các con cháu có đường về quá khứ. Hiểu quá khứ mới trân trọng hiện tại, hướng tới tương lai”.
Ký ức của chị về người cha nổi tiếng vừa ấm áp, vừa đời thường: “Ông là người lịch thiệp. Ngày tôi sinh đứa con đầu lòng, ông đến bệnh viện xin phép được hôn tay tôi. Ông bảo, con là người duy nhất cho ba được 'lên chức', ba cảm ơn con. Những lần gặp tôi, ông đều thơm nhẹ lên hai má, cười khà khà. Khi tôi ngồi cạnh ông, ông xin phép được cầm tay tôi vì 'ba không được nhìn mặt con, cho ba cảm nhận được có con ở bên cạnh'. Vì có vấn đề thị lực, nên ông nói với tôi: 'Ba nghe mọi người khen con xinh lắm, tóc con dài, da con trắng, mắt con ngây thơ đúng không?''.
Mấy chục năm làm dâu, bố chồng chưa từng nặng lời với chị, dù nửa câu, lúc nào cũng ông lịch sự và dịu dàng trong ứng xử: “Ông đối với bạn đời vô cùng ân cần, tình cảm. Bà bệnh, mỗi tuần ông đều ra thăm bà, ôm hôn bà, cầm tay bà nói chuyện”.
Theo Phan Minh Châu, Cố Thủ tướng minh mẫn đến cuối đời: “Lúc 94 tuổi, đã nằm liệt giường, ông vẫn nói chuyện được. Một người bạn Thụy Điển sang thăm ông, ông vẫn hỏi về cậu con trai của bạn còn làm việc ở chỗ cũ không?”. Cố Thủ tướng sống giản dị và duy trì cách ăn uống khoa học: “Ngày nào ông cũng ăn 3 củ tỏi tươi, cháo vừng đen, bất di, bất dịch. Ông tập 2 tiếng một ngày, tập vẩy tay và đi bộ ở đường xoài, 'Đường xoài hoa trắng nắng đu đua' trong thơ Tố Hữu đó”.
Khi bố chồng còn sống, chị vẫn hát cho ông nghe. Ông thích nghe con dâu hát: “Chỉ tiếc khi tôi bắt đầu với hội họa thì ba tôi không còn nữa”, Phan Minh Châu bùi ngùi. Hiện nay, tại không gian văn hóa Phạm Văn Đồng đã có bức sơn mài trên toan với kích cỡ 2,8 m x 1,6 m của họa sỹ Bùi Hữu Hùng. Phan Minh Châu đang ấp ủ vẽ bức chân dung về bố chồng. “Đó là bức chân dung đặc biệt nhất trong nghiệp cầm cọ của tôi”, chị nói.
Nghệ sỹ Phan Minh Châu
Đêm - khoảng thời gian hạnh phúc
Phan Minh Châu kể: “Tôi còn mẹ già và em trai bị tai nạn ô tô từ bé, mất khả năng lao động, nên phải chăm sóc. Thành ra, tôi vẫn phải lo toan mọi thứ. Cứ xong xuôi mọi việc của gia đình tôi mới lao vào vẽ”. Chị mới có xưởng vẽ, ngồi trong không gian của riêng mình, bật nhạc và vẽ trong đêm, đó là khoảng thời gian hạnh phúc trong ngày của chị.
Nói về chồng, con trai của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chị vui vẻ phác họa chân dung: “Anh ấy trẻ trung lắm, trông bên ngoài chỉ như khoảng 35 tuổi”. Chị cảm ơn vì anh đã cho chị được tự do với hội họa.