Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Cóc núi tiểu yêu tinh' trong truyện cổ tích được tìm thấy tại Việt Nam

"Cóc núi tiểu yêu tinh" là một trong 58 loài được tìm thấy tại Việt Nam sau nghiên cứu công phu được thực hiện bởi Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) về các loài mới tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Tháng 12/2018, báo cáo về các loài mới phát hiện do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) thực hiện trong năm 2017 mới công bố tại Bangkok, Thái Lan. Theo đó, các nhà khoa học trên thế giới phát hiện thêm 157 loài mới tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong đó 58 loài được tìm thấy tại Việt Nam. 

Tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, nhóm nghiên cứu phát hiện ra ba loài động vật có vú, 23 loài cá, 14 loài động vật lưỡng cư, 26 loài bò sát và 91 loài thực vật. Sau cuộc điều tra, Myanmar ghi nhận 39 loài mới. Kết quả này là tín hiệu tích cực cho các nghiên cứu và bảo tồn thực địa ở nước này. Ngoài ra, tại Thái Lan ghi nhận 35 loài mới, Lào 24 loài và Campuchia 8 loài.

"Một loài cóc nhỏ với hai cặp sừng nhọn được đặt tên theo một loài yêu tinh của phương tây - 'Cóc núi tiểu yêu tinh' do chúng được phát hiện tại các khu rừng trên núi cao mù sương và đầy rêu của Việt Nam - sinh cảnh phù hợp với nơi ẩn náu của các loài “yêu tinh” trong truyện cổ tích", là những mô tả trong báo cáo về loài cóc mới được phát hiện tại Việt Nam.

Một loài cóc nhỏ với hai cặp sừng nhọn được đặt tên theo một loài yêu tinh của phương tây: “Cóc núi tiểu yêu tinh” do chúng được phát hiện tại các khu rừng trên núi cao mù sương và đầy rêu của Việt Nam. (Ảnh: WWF)

Trong danh sách cũng mô tả rất rõ đặc điểm của loài dơi và cá da trơn được phát hiện ở Myanmar, tre tìm thấy ở Campuchia, một loài thảo mộc Thismia mới được phát hiện tại Lào; một loài thằn lằn có ngón hình lá được tìm thấy tại Khao Sam Roi Yot, Thái Lan.

Loài rắn bùn tại lưu vực sông Salween, Myanmar, tuy mới được phát hiện nhưng đang bị đe doạ bởi sinh cảnh bị xâm lấn từ các hoạt động nông nghiệp; loài vượn Skywalker Hoolock nằm trong danh sách 25 loài động vật linh trưởng bị đe doạ nhất trên thế giới.

Ông Stuart Chapman, Giám đốc Bảo tồn của khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Còn rất nhiều loài đang chờ các nhà khoa học phát hiện và cũng thật đáng buồn, nhiều loài khác sẽ biến mất trước khi được phát hiện.

Khu vực Mekong có thể bảo tồn sự đa dạng các loài độc đáo của mình bằng cách thiết lập các khu bảo tồn rộng lớn cho các loài hoang dã, cùng với việc tăng cường nỗ lực đóng cửa các thị trường buôn bán động thực vật hoang dã.”

Loài vượn Skywalker Hoolock nằm trong danh sách 25 loài động vật linh trưởng bị đe doạ nhất trên thế giới. (Ảnh: WWF)

Tiến sỹ Evan Quah, đến từ Đại học Sains, Malaysia cũng tin rằng việc nhóm nghiên cứu phát hiện ra loài rắn mới tại lưu vực sông Salween, Myanmar cho thấy đây là một khu vực giàu đa dạng sinh học chưa được biết tới. Ông cũng cho biết, nếu tiếp tục thực hiện các nghiên cứu toàn diện khác, nhiều loài mới sẽ còn được phát hiện tại khu vực này.

Theo báo cáo Hành tinh sống mới đây nhất của WWF, trong vòng 40 năm qua, quần thể các loài động vật hoang dã giảm 60%. Tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, sự sụt giảm quần thể các loài có lẽ còn tệ hơn, bởi sinh cảnh của các loài hoang dã bị phá huỷ trên diện rộng và ở nhiều nơi trong khu vực việc săn bắt trái phép diễn ra ở quy mô công nghiệp.

Tại các khu chợ vùng Tam giác Vàng, nơi giáp ranh giữa Thái Lan, Myanmar, Lào và Trung Quốc, các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao được bày bán công khai hoặc vận chuyển tới các quốc gia láng giềng nơi có nhu cầu cao về sản phẩm các loài động vật hoang dã.

Một loài tre được tìm thấy tại vùng núi Cardamon của Campuchia. Chúng có gốc hình củ và mọc ở ven đường, do đó dễ bị chặt phá. (Ảnh: WWF)

Tại Việt Nam, một cuộc chiến đang diễn ra để cứu các loài hoang dã nguy cấp khỏi bẫy của thợ săn đặt khắp nơi trong các khu rừng. Mức độ và tác động của mối đe doạ này lan tới cộng đồng quốc tế.

Các tổ chức như WWF hiện đang làm việc với các cơ quan chức năng địa phương, để huy động sự hợp tác của kiểm lâm và cộng đồng, nhằm loại bỏ bẫy thú bất hợp pháp trong rừng và nâng cao nhận thức về những tác động của việc tiêu thụ động vật hoang dã lên tới sự sống còn của các loài quý hiếm ở Việt Nam.

Từ đầu năm 2018, Bộ luật hình sự mới tại Việt Nam cũng tăng mức xử phạt tối đa đối với loại tội phạm liên quan tới động vật hoang dã từ 7 năm tới 15 năm tù.

>>> Đọc thêm: Việt Nam cam kết chống tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã

Đăng Nguyên

Tin mới