“Khoản phụ phí đoàn kết được thêm vào thuế thu nhập cá nhận hiện tại của công dân Đức, điều này sẽ giúp Berlin đáp ứng các nhu cầu về tài chính cấp bách của Ukraine", bà Monika Schnitzer, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức (GCEE) cho hay. Đồng thời, bà nhấn mạnh “các sự kiện đặc biệt cần có các biện pháp đặc biệt”.
Tuy nhiên, bà Schnitzer thừa nhận biện pháp này khó có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Dù vậy, theo cố vấn kinh tế Đức, đây là biện pháp cần thiết và Berlin cần phải hành động ngay bây giờ vì "cuối cùng, sự tự do của chúng ta cũng đang bị đe doạ từ cuộc xung đột này".
Bà Monika Schnitzer, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức (GCEE). (Ảnh: Getty)
Đề xuất của bà Schnitzer được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck tuyên bố Đức sẽ phải có trách nhiệm hơn và chi nhiều tiền hơn khi sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev trong cuộc xung đột hiện nay với Nga bắt đầu suy giảm.
Gần đây, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được sự đồng thuận về gói hỗ trợ tài chính trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) cho Ukraine hồi đầu tháng này trong các cuộc đàm phán về ngân sách hàng năm của khối. Trong khi đó, tại Mỹ, Quốc hội nước này cũng đang trì hoãn trong việc thông qua thêm các khoản hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Berlin đã phân bổ 8 tỷ euro trong ngân sách năm 2024 để viện trợ cho Ukraine và hỗ trợ người tị nạn. Vào tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ có tiếp tục hỗ trợ Kiev trong thời gian tới.
Theo dữ liệu từ cuộc khảo sát của ARD-DeutschlandTrend vào đầu tháng này, tỷ lệ ủng hộ dành cho Liên đảng cầm quyền của Đức đã giám xuống mức thấp kỷ lục, với 70% người Đức được hỏi nói rằng chính phủ chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tỷ lệ ủng hộ với Thủ tướng Đức là Liên đảng cầm quyền đã giảm mạnh vào tháng trước khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết cho rằng tái sử dụng 60 tỷ euro trong quỹ cứu trợ COVID-19 cho các dự án khí hậu là bất hợp pháp, buộc chính phủ phải tạm dừng hầu hết các cam kết chi tiêu mới của mình.