Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Có thể tận dụng rác thải để tái chế làm nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất

(VTC News) -

Theo đại diện Tổng cục Môi trường, rác thải công nghiệp có thể tận dụng để làm nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ môi trường.

Ngày 18/8, Báo điện tử VTC News tổ chức tọa đàm trực tuyến "Giải pháp giảm thiểu rác thải công nghiệp".

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến về tầm quan trọng của việc đẩy mạnh các giải pháp giảm thiểu rác thải công nghiệp. Bởi hiện nay, xử lý rác thải đã và đang là một vấn đề nóng ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Chất thải công nghiệp tại Việt Nam được thu gom, xử lý như thế nào, thưa ông?

Rác thải công nghiệp bao gồm 2 loại là chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường. Trong đó, chất thải công nghiệp thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, còn chất thải nguy hại ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm.

Hiện nay, các quy định về quản lý chất thải nói chung, trong đó có chất thải rắn công nghiệp nói riêng được thể hiện rất rõ trong Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 38 và Nghị định 40 của Chính phủ.

Theo đó, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải có trách nhiệm phân định, phân loại, lưu giữ, tự xử lý hoặc chuyển cho các đơn vị chức năng xử lý theo quy định. Các chất thải công nghiệp thông thường được phép tận dụng để tái sử dụng, tái chế làm nguyên nhiên vật liệu cho các ngành khác.

Cụ thể, như làm tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện hoặc nếu hợp chuẩn, hợp quy để làm vật liệu xây dựng thì có thể làm các vật liệu xây dựng. Ngoài ra, nếu chúng ta quản lý tốt những loại chất thải này thì có thể tận dụng để làm nguyên nhiên vật liệu cho các ngành sản xuất.

nguyen thuong hiên.png

Nếu chúng ta quản lý tốt những loại chất thải thì có thể tận dụng để làm nguyên nhiên vật liệu cho các ngành sản xuất.

Ông Nguyễn Thượng Hiền

- Sự phình to của các làng nghề ngày càng khiến cho vấn đề môi trường trở nên nhức nhối. Theo ông, việc quản lý các làng nghề này trong thời gian qua đang gặp những khó khăn gì?

Dưới góc độ quản lý, chúng ta thấy rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhiều cơ chế, chính sách để quản lý ô nhiễm môi trường làng nghề, trong đó có nhiều giải pháp như di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao ra khỏi làng nghề và các cụm công nghiệp để quản lý.

Nghị định 52 của Chính phủ quy định cụ thể về làng có nghề và làng nghề truyền thống. Các quy định này đưa ra các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Nếu là làng nghề thì phải đáp ứng được các tiêu chí đó.

Thống kê cho thấy hiện nay có hơn 4.000 làng nghề, tuy nhiên không có nhiều làng nghề đáp ứng được những tiêu chí trên nên vẫn chỉ là làng có nghề chứ không phải là làng nghề.

Từ đó dẫn đến việc hình thành rất nhiều các khu làng nghề tái chế chất thải, làng nghề tái chế chất thải điện tử, tái chế giấy, tái chế nhựa và các làng nghề khác nhưng chưa hẳn được công nhận. Bởi nếu muốn được công nhận thì phải đáp ứng được các yêu cầu chung như đã nói trên, trong đó có tiêu chí bảo vệ môi trường.

Vấn đề khó khăn hiện nay là chúng ta đưa ra rất nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường làng nghề như đưa các loại hình cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao ra khỏi khu dân cư và đưa vào các cụm công nghiệp.

Tuy nhiên trên thực tế, một số địa phương đã quy hoạch các cụm công nghiệp để đưa các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề ra nhưng người dân lại xây nhà ở và quay về làm nghề để sinh sống. Ngoài ra còn một số làng nghề làm việc theo thời vụ nên cũng khó kiểm soát.

Một vấn đề nữa đó là đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với các làng nghề. Ví dụ như đối với khâu thu gom, phân loại chất thải rắn thì hệ thống thu gom hiện nay vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Trong thời gian tới, chúng ta sẽ đẩy mạnh thêm nhiều giải pháp mới. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, quy định cụ thể về những vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng dự thảo Hội nghị Môi trường 2020, trong đó có các quy định về trách nhiệm của các cấp chính quyền đến cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề. Ngoài ra còn có những lộ trình cụ thể về vấn đề di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài trong khu dân cư trong làng nghề ra khỏi làng nghề.

- Năm 2019 xảy ra cuộc khủng hoảng về phế liệu nhập khẩu và các làng nghề tái chế từng đặt nước ta đứng trước nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới. Vậy ở thời điểm đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra những quyết sách thế nào để kiểm soát tình trạng này, thưa ông?

Trước tình hình ùn tắc phế liệu ở cảng năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị 27 về tăng cường công tác quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam.

Sau khi Chỉ thị 27 ra đời, công tác về quản lý đối với phế liệu nhập khẩu được chấn chỉnh ngay. Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục trình Thủ tướng ban hành Nghị định số 40, trong đó quy định chặt hơn về quản lý phế liệu nhập khẩu. Từ đó đến nay không còn chuyện ùn tắc phế liệu nhập khẩu.

Đối với các làng nghề, về cơ bản có rất ít các cơ sở sản xuất trong làng nghề đủ điều kiện đáp ứng về bảo vệ môi trường được phép nhập khẩu phế liệu. Do vậy, có thể nguồn phế liệu ở một số làng nghề tái chế trước đây là do một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách đưa phế liệu nhập khẩu vào làng nghề.

Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một loạt chính sách tăng cường thanh tra, kiểm tra Chỉ thị 27, Nghị định 40, siết chặt lại việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài.

Các quy định này đã tác động rất lớn đến việc đưa lượng phế liệu nhập khẩu nước ngoài vào làng nghề. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra. Các làng nghề hiện nay chủ yếu là thu gom phế liệu từ trong nước chứ không phải là phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài đưa vào sản xuất.

Có thể tận dụng rác thải công nghiệp để làm nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất.

- Giải pháp để có thể tăng cường công tác quản lý chất thải công nghiệp trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn còn vi phạm, thưa ông?

Đầu tiên, trong các điều luật, nghị định, thông tư quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ nguồn thải, chất thải. Trong đó, chủ nguồn thải, chất thải phải phân định phân loại lưu giữ tự xử lý hoặc chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý.

Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường sẽ tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, trong đó có doanh nghiệp, để các doanh nghiệp thấy được việc thay đổi công nghệ, tiết kiệm sử dụng tài nguyên, nguyên nhiên liệu cũng là một trong những vấn đề để giảm thải rác thải, chất thải phát sinh. Tức là tập trung phòng ngừa và giảm thiểu.

Thứ hai, nếu các doanh nghiệp phát sinh chất thải ra rồi thì phải tăng cường phân định, phân loại để tận dụng các thành phần có ích, rồi chuyển giao cho các đơn vị chức năng để tái sử dụng, tái chế chất thải đó. Còn những chất thải không tận dụng được nữa thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.

Trên thực tế, chúng ta thấy rằng, rất nhiều chất thải công nghiệp có thể tái sử dụng trực tiếp hoặc có thể tái chế được, nhưng hiện nay mọi người lại đang để lẫn với các loại chất thải khác cần phải xử lý. Như vậy, sẽ làm lãng phí tài nguyên.

Do đó, chúng ta phải tăng cường giải pháp về thay đổi công nghệ nguyên nhiên liệu đầu vào để giảm thiểu chất thải phát sinh, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp.

Về trách nhiệm, Tổng cục Môi trường sẽ tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có việc xả trộm chất thải công nghiệp.

Đối với việc xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 55 trong đó quy định mức xử phạt hành chính tương đối cao.

Ngoài ra, hành vi đổ trộm chất thải không chỉ bị xử lý về hành chính mà còn xử lý về hình sự theo quy định trong Bộ luật hình sự. Cụ thể, tổ chức, cá nhân nào nếu đổ trộm chất thải ra môi trường từ 3 tấn trở lên sẽ bị xử lý hình sự.

Do vậy, Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác kiểm tra. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Công an để tăng cường hơn nữa về phòng ngừa đấu tranh đối với các vấn đề về môi trường bảo vệ môi trường.

- Giảm thiểu rác thải công nghiệp có phải chỉ là câu chuyện của riêng cơ quan quản lý? Trách nhiệm của doanh nghiệp cần được thể hiện như nào, thưa ông?

Như tôi đã nói, các chủ nguồn thải chất thải công nghiệp cần phải tăng cường các biện pháp giải pháp về giảm thiểu tối đa lượng chất thải phát sinh. Còn đối với chất thải phát sinh rồi thì phải phân định, phân loại các thành phần có ích theo chất thải.

Khi không tự xử lý được theo quy định thì phải chuyển cho tổ chức, cá nhân có chức năng xử lý chất thải theo quy định. Tuyệt đối không được tự ý thải trộm ra ngoài môi trường hoặc chuyển giao cho đơn vị không có chức năng xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Quang Tuyền

Tin mới